Thiếu nhiều cơ chế, chính sách để phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) được tổ chức hằng năm, nhằm tạo lập những giao dịch giữa bên cung và cầu công nghệ. Sau mỗi kỳ Techmart thường có nhiều hợp đồng, bản ghi nhớ được ký kết lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc khiến nhiều hợp đồng, bản ghi nhớ không triển khai được và nhiều sản phẩm sáng tạo khó đưa ra thị trường.

Theo Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Quốc gia (Bộ KH và CN), Techmart là hoạt động quan trọng trong quá trình tạo lập và phát triển thị trường KH và CN của Việt Nam. Tại đây, các kết quả nghiên cứu, công nghệ, thiết bị mới sẽ được giới thiệu, chuyển giao và mở đường cho các đơn vị đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao hơn. Do đó, mục đích chính của các kỳ Techmart vẫn là đẩy mạnh các giao dịch mua, bán công nghệ tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng hiệu quả về kinh tế-xã hội. Sau mỗi kỳ Techmart, Cục Thông tin KH và CN Quốc gia đều có những báo cáo tổng kết cho thấy, đã có hàng trăm hợp đồng, bản ghi nhớ được ký kết giữa các đơn vị, với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng sau đó, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai các hợp đồng, bản ghi nhớ, khiến hiệu quả "hậu" Techmart chưa cao.

Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Quang Trung Nguyễn Tăng Cường cho biết, tại Techmart 2015 đã giới thiệu hệ thống đèn LED sử dụng cho khu vực chiếu sáng công cộng. Hệ thống được tích hợp công nghệ hiện đại, có thể tiết kiệm ít nhất 50% lượng điện năng tiêu thụ và cho phép điều khiển được từ xa, cho nên đã có 48 tỉnh, thành phố muốn ký hợp đồng sử dụng. Nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn để thay đổi toàn bộ hệ thống đèn cũ sang công nghệ chiếu sáng mới, chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, nhân công lắp đặt..., đổi lại, sẽ được lấy phần chênh lệch phải trả cho số điện năng đã tiết kiệm được hằng năm. Hà Nội mỗi năm chi khoảng 100 tỷ đồng để trả tiền điện cho việc chiếu sáng công cộng, sau khi áp dụng công nghệ mới có thể tiết kiệm đến 60 tỷ đồng. Lợi ích và hiệu quả đã rõ, nhưng để lấy được khoản tiền chênh lệch tiết kiệm đó trả cho nhà đầu tư, thì lại là vấn đề khó giải quyết.

Theo Phó Giám đốc Sở KH và CN Ninh Bình Giang Tuấn Anh, một số doanh nghiệp khi tham gia Techmart đã mang đến những sản phẩm mới, gần gũi với xã hội như: nước mắm, ngọc trai nước ngọt... đều rất thành công trong việc bán hàng và ký kết các hợp đồng. Nhưng khi chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm vào sản xuất ở quy mô công nghiệp lại vướng những khó khăn về cơ chế. Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước còn thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích giao dịch cung, cầu công nghệ, thiết bị tại Techmart. Nhất là các hợp đồng được ký kết với cơ quan, tổ chức có sử dụng tiền từ ngân sách Nhà nước thì các thủ tục hành chính vô cùng phức tạp, mất thời gian. Có những đơn vị phải mất một năm để thực hiện việc lên kế hoạch, đề án, phê duyệt, thẩm định... rồi phải đấu thầu, khiến nhiều hợp đồng khó thực hiện. Ngoài ra, các sản phẩm được hình thành từ kết quả nghiên cứu KH và CN, khi muốn thương mại hóa phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đánh giá và cấp phép lưu hành. Tuy nhiên các sản phẩm KH và CN luôn đổi mới, sáng tạo, hầu hết chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về chất lượng cũng là một vướng mắc, khiến việc triển khai hợp đồng sản xuất còn chậm.

Phó Cục trưởng Thông tin KH và CN Quốc gia Lê Thị Khánh Vân cho rằng, các kết quả nghiên cứu KH và CN được triển lãm tại Techmart đều đã thành công ở quy mô nhỏ. Nhưng khi áp dụng vào thực tiễn sản xuất ở quy mô công nghiệp lại có nhiều điểm khác nhau. Do đó, cần triển khai ở các mô hình thử nghiệm, hoàn thiện ở quy mô khác nhau theo đúng nhu cầu thực tiễn. Khi đó, Bộ KH và CN cần làm chức năng "bà đỡ" cho các nghiên cứu, hỗ trợ và hoàn thiện quy trình để đưa sản phẩm vào sản xuất ở quy mô công nghiệp. Một số doanh nghiệp gặp vướng mắc về vấn đề chuyển giao công nghệ, các ưu đãi về thuế... cần đăng ký để được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp KH và CN, khi đó sẽ được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ phát triển, ứng dụng KH và CN trong nghiên cứu, sản xuất. Từ năm 2015, Techmart đã có thay đổi, khi tạo ra "không gian tư vấn", các doanh nghiệp có thể đặt ra "bài toán" cần đổi mới công nghệ, những khó khăn cần giải quyết; khi đó, các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức KH và CN... sẽ đưa ra những giải pháp, để doanh nghiệp được lựa chọn và ký hợp đồng hợp tác. Sau các kỳ Techmart, ban tổ chức vẫn tiếp tục theo dõi để hỗ trợ tất cả hợp đồng được ký kết và giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai các hợp đồng. Do đó, số lượng hợp đồng "ảo" đã giảm rõ rệt, hầu hết các hợp đồng đều, đã và đang được các bên thực hiện.

Hiện nay, thị trường KH và CN vẫn thiếu cơ sở pháp lý và các định chế trung gian, để thúc đẩy các giao dịch về công nghệ. Nhà nước cần có những chính sách để kích cầu công nghệ, tăng các ưu đãi cho những doanh nghiệp khởi nghiệp từ các nghiên cứu KH và CN, hỗ trợ doanh nghiệp có các sản phẩm thiết yếu với xã hội... Có như vậy, mới thúc đẩy các nghiên cứu KH và CN phát triển, nhanh chóng được đầu tư thương mại hóa và tăng hiệu quả cho nền kinh tế đất nước.