Thiêng liêng núi rừng

Từ núi này, xuôi theo trục sông Hồng 10 km thì tới ngã ba Bạch Hạc, nơi ba dòng huyết mạch Hồng - Ðà - Lô tụ hội, làm đỉnh triển mở cho tam giác châu thổ sông Hồng - "Chiếc nôi của dân tộc Việt", và làm nền "tụ thủy quần nhận" thiết đặt nên tòa "kinh đô Văn Lang" của thời đại các Vua Hùng.

Các bậc quân trưởng nước Văn Lang, ở những thế kỷ trước Công nguyên, thực hành các tín ngưỡng cổ đại đương thời - thờ tự nhiên (thần Núi) và Phồn thực (thóc lúa), từ tòa "kinh đô Văn Lang" ấy lấy Núi Cả (Ðột Ngột Cao Sơn) làm nơi hành lễ lý tưởng. Ðến thời Lê (thế kỷ 15 - 18) các ngôi làng ở quanh chân núi nhớ lại và bảo lưu sự kiện cùng hiện tượng sinh hoạt văn hóa này của thời "quốc sơ" (thời bắt đầu dựng nước) khởi sự theo văn hoá thời trung cổ, xây đền thờ Hùng Vương trên núi.

Ngôi làng cổ nhất - có tên gọi dân gian trùng với tên núi - là làng Cả (về sau được Hán tự hóa địa danh thành làng Cổ Tích, chuyển hóa tên hành chính thành xã Hy Cương) xây ngôi đền sớm nhất trên đỉnh núi: Ðền Thượng (Kính Thiên Linh Ðiện). Tách ra từ làng Cả (Cổ Tích) nhưng vẫn nằm trong xã Hy Cương là làng Trẹo (Triệu Phú).

Ngôi đền thứ hai, xây nối theo Ðền Thượng, phải chọn vị trí ở lưng chừng núi - nên mang tên Ðền Trung - là của làng này.

Cũng tách ra từ một hạt nhân, nhưng muộn hơn chút nữa (nên phải nhập một xã bên cạnh: Chu Hóa) là làng Vi (Vi Cung). Ngôi đền thứ ba, phải chọn chỗ thấp hơn, gần chân núi - nên mang tên Ðền Hạ - là của làng này.

Cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, làng Cả (Cổ Tích) xây thêm một ngôi đền nữa, mé sau núi. Ðó là Ðền Giếng.

Hệ thống bốn ngôi đền ở cùng một ngọn núi, cùng thờ Vua Hùng, đã khiến Núi Cả (Ðột Ngột Cao Sơn) được chuyển và thêm tên gọi, là: Núi (đền) Hùng. Và chủ đề tín ngưỡng cao quý ở và của núi, khiến phát sinh các tên đẹp nữa: Nghĩa Lĩnh, Bảo Thiếu, Mỹ Cương, Hy Cương...  

Với những tên đẹp  ý nghĩa và trọng đại như thế này, từ chỗ / và thực chất / là (và có) cả một quần thể kiến trúc tín ngưỡng làng xã của thôn dân, Núi Hùng bắt đầu "lọt mắt xanh" của triều đình (Nhà nước trung ương) và nhanh chóng trở thành / đồng thời mang / ý nghĩa quốc gia, dân tộc. Chỉ từ năm 1730 đến năm 1796, một trận "mưa sắc phong" - gồm đến 24 đạo - đã được ban từ Thăng Long về cho Hy Cương. Ðặc biệt, chỉ một tháng sau ngày đại thắng quân Thanh - vào ngày 16 tháng hai năm 1789 - Vua Quang Trung đã ban sắc chỉ, căn dặn: "Do nơi này là đô ấp của họ cổ Việt thường, là Trung nghĩa hương, nối đời đèn nhang phụng thờ Hùng Vương sơn Thánh Tổ, khởi dựng cơ đồ, thủy tổ Nam Việt", cho nên phải: "Ngày sóc vọng, tứ thời bát tiết, lo sửa lễ vật tế lễ theo nghi thức; cung miếu điện vũ, phải chăm lo cẩn thận, phụng sự hết lòng, khiến mạch nước dài lâu, núi sông trường tồn".

Núi Hùng từ đây trở thành mảnh đất thiêng liêng với toàn thể dân tộc, với tác dụng và ý nghĩa gắn bó quyết định cùng sự nghiệp bền vững mãi mãi của đất nước, quốc gia.

Thực chất và tầm vóc trọng đại này, sang đến thời cận đại - cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 - gặp lúc vận nước gian nan bởi đại họa "Pháp thuộc", càng vượt qua thử thách mà ngời sáng, thăng hoa. Núi Hùng trở thành thánh địa duy nhất để các sĩ phu yêu nước có thể đến kêu cầu Tổ tiên dân tộc về phù trợ sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nếu học giả Dương Bá Trạc tha thiết:

"Một dải non sông đầm máu quốc
Muôn năm cơ nghiệp tủi nòi Rồng
Quốc hồn vơ vẩn đi đâu tá
Hỏi Núi Hùng kia có biết không ?"

Thì chí sĩ Ngô Quang Ðoan khấn nguyện:

"Cầu khẩn xin cho soi xét lại
Mau mau cứu vớt giống Tiên Rồng !"

Áp lực từ những ý nguyện tâm linh cao cả ấy đã khiến các quan lại và triều đình nhà Nguyễn - như đã ghi vào bia đá "Hùng Vương từ khảo" - phải có động thái: "Ngày Quốc tế (lễ hội quốc gia) trước đây lấy vào mùa thu làm định kỳ. Ðến năm Khải Ðịnh thứ 2 (1917) tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ lễ ấn định: lấy ngày mồng 10 tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế".

Lễ giỗ Tổ mồng 10 tháng Ba ở Núi Hùng vì thế, có từ đây. Cũng từ đây, Núi Hùng chính thức trở thành lễ trường của tinh thần yêu nước thương nòi, là điểm huyệt và điểm nhấn gắn bó thế giới tâm linh của mọi người Việt Nam với vận mệnh của Tổ quốc, là điểm hẹn và đích đến của hàng triệu người và cuộc hành hương về cội nguồn dân tộc để "uống nước nhớ nguồn", để làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chính Núi Hùng, ngày 19-5-1954: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". 

Chọn đền thờ Hùng Vương ở Núi Hùng để nói câu bất hủ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước...", Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công đầu trong việc khẳng định sự nghiệp lớn cao cả nhất của các vị Quốc tổ Hùng Vương là "đã có công dựng nước". Ðó là sự nghiệp lịch sử và hiện thực. Do đó, Quốc tổ Hùng Vương cũng chính là những nhân vật lịch sử và hiện thực. Những ngôi đền thờ Hùng Vương ở Núi Hùng là các cơ sở tín ngưỡng linh thiêng và linh diệu tôn thờ các nhân vật lịch sử và hiện thực. Cơ sở của lòng tin, thuộc về thế giới tâm linh ở đây là lịch sử và hiện thực. Chính trên cơ sở này, mà: "Chúng tôi đến đây với tất cả mơ ước của những người con từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, với tất cả tấm lòng của những người con từ vùng đất cuối cùng của Tổ quốc xiết bao xúc động. Chúng tôi muốn thưa với Tổ tiên và Bác Hồ rằng: Vâng lời Người, miền nam đã sắt son chung thủy trở về nguyên vẹn với cội nguồn - như lời các đại biểu đồng bào và chiến sĩ miền nam đến với Núi Hùng ngay sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cũng chính trên cơ sở này, mà: "Khi còn sống, tôi muốn được thờ đất nước, Tổ tiên tôi. Khi tôi chết, tôi muốn có một phần đất và nước của Tổ tiên đắp điếm cho phần mộ của tôi ở xứ người" - như cảm nghĩ của Việt kiều hành hương về Núi Hùng. Và nữa: "Tuy tôi không phải là người Việt Nam, nhưng tôi rất xúc động. Vì nơi đây: nơi ra đời của Việt Nam" - như lời của vị giáo sư Mỹ ...

Khu Di tích lịch sử Ðền Hùng ở quanh Núi Hùng, gần đây xây dựng thêm trên các ngọn núi gần xa - khang trang và hoành tráng - các ngôi đền mới, thờ "Tổ mẫu Âu Cơ", và "Quốc Tổ Lạc Long Quân" - những bậc cha mẹ huyền thoại của các Vua Hùng.

Từ đây và do đó, lịch sử (hiện thực) và huyền thoại (ảo ảnh) đang được cộng tồn - cộng sinh ở một thánh địa hiện đại: Núi Hùng. Tư duy khoa học hiện đại, vì vậy, cũng đang được và cần vận hành nhuần nhị cùng tư duy huyền thoại cổ đại, ở thế giới tâm linh mà hiện thực này.

                 GS. Lê Văn Lan