Theo các chuyên gia, ngoài chi phí lao động thấp và lợi thế từ hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam cũng có năng lực sản xuất và xuất khẩu một số ngành hàng nhất định trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay như dệt may, da giày, điện tử, phụ tùng ô-tô và máy móc thiết bị. Đây là những ngành có tiềm năng, động cơ dịch chuyển lớn và mức độ dịch chuyển cũng dễ hơn so nhiều ngành sản xuất khác trong chuỗi cung ứng. Do đó, cần tận dụng cơ hội để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào những ngành nói trên trong thời gian tới.
Cơ hội đón nhận dòng vốn dịch chuyển
Nhiều hãng công nghệ mặc dù chưa dời bỏ hoàn toàn thị trường Trung Quốc nhưng cũng đã chủ động dịch chuyển một số bộ phận sản xuất ra các nước khác, trong đó có Việt Nam. Mới đây nhất, nhiều nguồn tin cho biết Apple sẽ tổ chức lắp ráp tai nghe không dây thế hệ thứ hai (AirPods Pro 2) tại Việt Nam từ nửa cuối năm nay. Trước đây, hãng này đã sản xuất EarPods (tai nghe có dây) tại Việt Nam, nhưng đây là lần đầu Apple đưa dây chuyền sản xuất tai nghe không dây ra ngoài Trung Quốc.
Đối thủ lớn nhất của Apple là Samsung cũng đã đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cuối cùng ở Trung Quốc vào năm 2019 để chuyển sang Việt Nam và Ấn Độ. Hiện Việt Nam là nơi đặt nhà máy sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất của tập đoàn này, chiếm khoảng 60% sản lượng bán ra trên toàn cầu.
Không chỉ trong lĩnh vực điện tử, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, da giày cũng đang có sự sắp xếp lại chuỗi sản xuất để giảm sự phụ thuộc cực đoan vào một thị trường cũng như ảnh hưởng khi xảy ra dịch bệnh và các vấn đề rủi ro khác.
Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp, việc phân công lại chuỗi cung ứng sẽ theo cách giảm tỷ trọng của Trung Quốc trong chuỗi xuống còn 45-50%, đồng thời di dời 15-20% chuỗi cung ứng về Việt Nam, Ấn Độ, Philippines, Myanmar, Bangladesh và Campuchia. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho ngành sản xuất nguyên phụ liệu da giày, giày dép, túi xách,…
Không những vậy, chúng ta còn có lợi thế lớn vì là nước đã tham gia nhiều FTA, hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào các thị trường lớn sẽ được ưu đãi thuế.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự báo, dòng dịch chuyển đầu tư ngành dệt may vào Việt Nam từ nay đến năm 2025 sẽ tăng mạnh, nhất là sau khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Đáng lưu ý, sự dịch chuyển không chỉ đến từ các nước châu Á mà còn từ các nước châu Âu như Italy, Đức, Nga.
Đơn cử, các doanh nghiệp Italy đã rót vốn đầu tư cụm sản xuất quy mô lớn từ sợi-dệt-nhuộm-may ở huyện Phù Cát (Bình Định) và dự án nhà máy dệt ở Khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên). Điều này giúp doanh nghiệp Việt Nam có được cơ hội tiếp nhận và học hỏi được kỹ thuật sản xuất tiên tiến, trình độ quản trị hiện đại, đồng thời tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản xuất cũng như giảm phần làm thuần gia công.
Cạnh tranh gay gắt
Theo các chuyên gia, mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nền kinh tế đang nổi khác trong việc thu hút dòng vốn đầu tư do xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng mới.
Thí dụ khi so sánh với Ấn Độ, Việt Nam có lợi thế hơn về ổn định kinh tế, chính trị, tham gia nhiều FTA và sự chuẩn bị sẵn sàng của các khu công nghiệp, tuy nhiên, Ấn Độ lại sở hữu nhiều ưu thế trong thu hút dòng vốn công nghệ cao như nguồn lực lao động dồi dào, sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin-internet và cuối cùng là một thị trường tiêu dùng lớn.
Tương tự, các nước trong cùng khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia cũng có những lợi thế riêng trong thu hút FDI.
Mặc dù Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư như khuyến khích đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ…, nhưng thực tế cho thấy, việc thực thi các chính sách này còn nhiều hạn chế, chưa đem lại hiệu quả.
Do đó, các chuyên gia kiến nghị, trước hết cần hoàn thiện các chính sách liên quan đến thuế nhập khẩu, các chính sách, quy hoạch phát triển khu công nghiệp cũng như nâng cao năng suất lao động nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc tiếp nhận dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển vào Việt Nam. Bên cạnh đó, do các nhà đầu tư cũng luôn có xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tránh chi phí cao cho nên sẽ khó tránh khỏi nguy cơ dòng vốn FDI dịch chuyển sang nước khác khi Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình.
Vì vậy, để giữ chân nhà đầu tư lâu dài, cần tăng cường công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu phát triển để nâng cao năng suất, kỹ năng của người lao động; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm dịch chuyển dần từ việc tham gia vào các ngành thâm dụng lao động sang các ngành có giá trị gia tăng lớn hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Riêng đối với các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày,… để giảm nguy cơ tụt hậu trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời để đón dòng đầu tư từ các nước phát triển, Việt Nam cần có giải pháp nâng cấp các ngành này theo hướng tăng cường tự động hoá, nâng cấp kỹ năng người lao động,… từ đó sản xuất ra các sản phẩm cao cấp, có giá trị gia tăng cao hơn ■