Bình luận - Phê phán

Thích ứng để vượt qua khó khăn, phát triển bền vững

Bài 2: Hướng đi mới cho điện ảnh Việt Nam

Giấc mơ về bước phát triển mới của điện ảnh Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Mặc dù vậy, các khó khăn từ dịch Covid-19 lại đang mở ra hướng đi mới, hé lộ một số thị trường tiềm năng khi thời gian qua, vì nhiều lý do mà nền điện ảnh trong nước vẫn chưa đầu tư, khai thác hiệu quả.

Sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội là địa phương tiếp theo tạm ngừng hoạt động các rạp chiếu phim, dịch vụ trò chơi điện tử trên địa bàn nhằm hạn chế tập trung đông người, ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch Covid-19. Việc hai thị trường phim lớn nhất trong nước phải đóng cửa cho tới khi có thông báo mới từ các cơ quan chức năng chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ tăng trưởng và doanh thu của thị trường điện ảnh Việt Nam trong năm 2020. Ba tháng đầu năm vốn vẫn được ví von như “mùa gặt” của thị trường điện ảnh trong nước khi gắn liền với dịp Tết Nguyên đán, Lễ tình nhân (14-2), Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3)... khiến nhu cầu thưởng thức phim ảnh trong thời gian này luôn lớn hơn rất nhiều so với các thời điểm khác trong năm. Thế nhưng sự bùng phát bất ngờ của dịch bệnh đã làm hy vọng của nhiều đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh như bị “đổ xuống sông, xuống bể”. Hàng loạt tác phẩm của điện ảnh Việt Nam giàu tiềm năng, dự kiến sẽ “tiến công” phòng vé như: Bí mật của gió, Ba ngày sinh tử, Trạng Tí,... phải dời lịch công chiếu. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các bộ phim được coi là đình đám của Hollywood khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, phát hành phim trong nước phải lao đao. Thực tế cũng chứng minh trước khi các văn bản về việc tạm ngừng hoạt động của các rạp chiếu phim tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có hiệu lực, lượng vé bán ra tại nhiều hệ thống rạp chiếu phim lớn đã sụt giảm từ 15 - 20% so với cùng kỳ mọi năm. Không khí ảm đạm, lo ngại dịch bệnh cùng sự vắng bóng của tác phẩm điện ảnh mới là thách thức chưa từng có tiền lệ và trở thành nỗi lo thường trực án ngữ tại nhiều phòng vé trên khắp cả nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, việc chủ động ứng phó với khó khăn, tìm hướng phát triển cho thị trường điện ảnh trong nước là hết sức cần thiết. Các nhà phát hành, đạo diễn và diễn viên không thể kêu gọi khán giả đến rạp chiếu bóng để thưởng thức và ủng hộ phim Việt Nam vì quy định bảo đảm an toàn trước dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Điều đó đồng nghĩa với việc các bộ phim được phát hành trong thời gian gần đây phải chịu nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, khó khăn đó của điện ảnh Việt Nam mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Việc bảo đảm hoạt đông ổn định và bền vững cho cả lĩnh vực công nghiệp điện ảnh trong nước mới là bài toán hóc búa đòi hỏi các cấp, ngành quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất loại hình “nghệ thuật thứ bảy” nhanh chóng có lời giải hữu hiệu. Bởi lẽ, điện ảnh và các dịch vụ đi kèm đang cung cấp việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Đóng cửa các hệ thống rạp chiếu phim và ngừng phát hành phim trong một thời gian dài đồng nghĩa với việc nhiều nghệ sĩ và người lao động trong lĩnh vực điện ảnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Chưa kể, các ngành nghề khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với điện ảnh như thời trang, quảng cáo,... cũng sẽ phải chịu những thiệt hại không hề nhỏ.

Trong bối cảnh thị trường điện ảnh trong nước có nhiều mảng tối liên quan nguyên nhân khách quan, sự trở lại của dòng phim truyền hình trên các kênh, sóng truyền hình cả nước vào khung giờ vàng có thể xem là gợi ý nghiêm túc đối với các nhà sản xuất phim. Trên thế giới, xu hướng xây dựng “vũ trụ điện ảnh” (cinematic university - tập hợp các tác phẩm phim điện ảnh, phim truyền hình, sản phẩm âm nhạc được phát triển độc lập nhưng có sự liên kết về chủ đề, bối cảnh, nhân vật) đang khá thịnh hành ở Hollywood. Trong đó, thành công nhất chính là thương hiệu Marvel (xưởng phim nổi tiếng với các bộ phim điện ảnh, truyền hình về chủ đề siêu anh hùng như: Đội trưởng Mỹ, Thần Sấm, Người Nhện). Tại Việt Nam, xu hướng này mới chỉ dừng lại ở mức tự phát nhưng đã đem tới tín hiệu tích cực. Đơn cử là hai bộ phim Pháp sư mù và Chị mười ba, mà thực chất là sản phẩm “ăn theo” hai bộ phim dài tập đã được phổ biến trên mạng là: Ai chết giơ tay và Thập tam muội. Trong bối cảnh, hệ thống rạp đang ngừng hoạt động, các đạo diễn, đoàn làm phim hoàn toàn có thể sản xuất phim truyền hình “dài hơi” lấy ý tưởng từ phim điện ảnh.

Việc vận động các đài truyền hình mua bản quyền phim điện ảnh cũng có thể xem như một chiến thuật hợp lý. Nhất là khi điều này đã và đang được áp dụng phổ biến tại các kênh truyền hình lớn ở nước ngoài như HBO, Star Movies. Thực ra, ý tưởng này không hề mới mẻ đối với một số kênh truyền hình trả phí tại Việt Nam như VTVcab, K+ hay FPT Play - TV online. Tuy nhiên, số lượng phim điện ảnh Việt Nam được chiếu trên các hệ thống này còn hạn chế, chưa phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, các chương trình giới thiệu phim, phê bình phim, giao lưu với các đạo diễn và ngôi sao nổi tiếng trên sóng truyền hình vẫn còn hiếm hoi, ít được quan tâm. Chính sự thiếu đầu tư này đã khiến cho các kênh phim truyện Việt Nam dù tồn tại lâu năm nhưng vẫn chưa trở thành món ăn tinh thần thật sự thu hút khán giả.

Giải pháp đưa điện ảnh trong nước lên các nền tảng trực tuyến cũng đã được triển khai một vài năm trở lại đây, song trên thực tế thì hiệu quả thu về chưa được như mong đợi. Trong đó, trường hợp đáng tiếc nhất có lẽ chính là nền tảng Fim+. Mặc dù đứng thứ bảy trong danh sách các ứng dụng đạt doanh thu cao nhất trên nền tảng CH Play tại Việt Nam, Fim+ lại đang nhận rất nhiều phản hồi và đánh giá tiêu cực. Các nguyên nhân chủ yếu được khán giả đưa ra là: Giao diện phần mềm khó sử dụng, chính sách khuyến mại và hậu mãi nghèo nàn, dịch vụ hỗ trợ kém, chất lượng đường truyền thiếu ổn định… Vì thế đến nay, dù sở hữu độc quyền nhiều bộ phim truyện Việt Nam cùng giá thuê bao hấp dẫn, nhưng Fim+ vẫn có phần lép vế so với các ứng dụng tương tự từ nước ngoài.

Ở chiều ngược lại, một cái tên quốc tế khá nổi riếng như Netflix lại đang dành nhiều sự quan tâm tới thị trường điện ảnh Việt Nam. Và có thể coi việc bộ phim Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi của đạo diễn Chung Chí Công được Netflix mua lại bản quyền để phát sóng trên nền tảng của họ là một tín hiệu lạc quan. Vì tính đến thời điểm hiện tại, Netflix được xem là “miền đất lành” cho nhiều nền điện ảnh ngoài Hollywood. Cùng với việc mua lại bản quyền của các bộ phim chiếu rạp, Netflix còn tập trung đầu tư vào nhiều nhà làm phim tiềm năng và sản xuất các bộ phim phát sóng độc quyền trên nền tảng trực tuyến của họ. Đến nay, nền tảng chiếu phim trực tuyến Netflix đã phát hành độc quyền khoảng 400 tác phẩm điện ảnh, dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Hướng đi của Netflix hiện đang được đánh giá là có nhiều lợi thế trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. Cũng phải kể đến một “ông lớn” khác của điện ảnh thế giới là Warner Bros cũng đang nghiêm túc xem xét việc trình chiếu, cho thuê phim trực tuyến trên các nền tảng lưu trữ video như Amazon, vudu, Apple TV, CH play…

Tại Việt Nam, việc phát hành phim điện ảnh trên các nền tảng trình chiếu video trực tuyến không hẳn là nhiệm vụ bất khả thi. Tuy nhiên nạn ăn cắp bản quyền đang ngăn cản nhiều nhà sản xuất phim lựa chọn phương án này. Do tình trạng bảo mật yếu kém, nhiều tác phẩm điện ảnh trên nền tảng như Fim+ và các kênh truyền hình kỹ thuật số đã bị kẻ gian ăn cắp rồi phát tán tràn lan trên internet. Không cần vào một trang mạng có phim lậu cụ thể, người dùng chỉ cần vào các mạng xã hội như Youtube để gõ tên một bộ phim điện ảnh Việt Nam là có thể tìm kiếm được vô số tác phẩm đã từng làm mưa làm gió trên thị trường trong thời gian gần đây như: Cô ba Sài Gòn, Cho em gần anh thêm chút nữa, Hai Phượng,... Nghiêm trọng hơn, đây đều là những bản phim có chất lượng ở định dạng HD (truyền hình độ nét cao), do đó nếu không giải quyết triệt để nạn ăn cắp bản quyền trên không gian mạng, các nhà sản xuất và phát hành phim điện ảnh Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Ngoài ra, khâu kiểm duyệt nội dung phim trực tuyến cũng phải được thực hiện một cách thận trọng hơn nếu không hậu quả sẽ cao gấp nhiều lần so với hình thức chiếu phim truyền thống. Vì vậy, kinh nghiệm phát triển từ những nền tảng chiếu phim trực tuyến tại nước ngoài có thể xem là bài học quý báu cho các hãng phim Việt Nam. Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức khán giả thông qua công tác giáo dục, tuyên truyền cũng là một nhiệm vụ không thể bỏ qua. Cuối cùng, phải kể đến sự hoàn thiện của các chính sách liên quan thanh toán dịch vụ, chế độ khuyến mại, ưu đãi, cải thiện và nâng cao chất lượng đường truyền, giảm dung lượng tệp hình ảnh, âm thanh,... khi xem phim có bản quyền.

Dĩ nhiên song song với việc giải quyết việc làm, tạo môi trường sáng tạo, hoạt động nghệ thuật cho các nghệ sĩ, một bộ phận người lao động thuộc lĩnh vực công nghiệp điện ảnh hay tìm “đầu ra” cho các bộ phim trong mùa dịch bệnh, thì việc tạo điều kiện chuyển đổi, hỗ trợ thu nhập cho lao động thuộc khối dịch vụ, chăm sóc khách hàng cũng là nhiệm vụ quan trọng mà điện ảnh Việt Nam cần thực hiện. Và vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, sự tương trợ lẫn nhau giữa các cộng đồng doanh nhân là điều cần nhất lúc này...

Các năm gần đây, những thành công của các tác phẩm như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Hai Phượng, Mắt biếc... cho thấy khán giả chưa bao giờ quay lưng với điện ảnh nước nhà nói riêng và nghệ thuật thứ bảy nói chung. Tuy nhiên, sự tăng trưởng về doanh thu hay số lượng rạp chiếu bóng không thể thay thế một số vấn đề nổi cộm mà điện ảnh Việt Nam chưa thể giải quyết như: sự lệ thuộc vào hệ thống rạp chiếu phim, khâu quản lý và bảo vệ bản quyền tác phẩm yếu kém. Do đó, thách thức từ dịch Covid-19 cũng là cơ hội để những người làm điện ảnh Việt Nam nhận diện những khó khăn bất cập, có những điều chỉnh trong phát triển nỗ lực vượt qua khó khăn, giải quyết các bất cập, tiếp tục sáng tạo và phát triển.

Thích ứng để vượt qua khó khăn, phát triển bền vững

(Còn nữa)

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 31-3-2020.