Thị trường sắt thép thế giới chật vật đi tìm động lực tăng giá

NDO - Giá sắt thép vẫn đang duy trì ở mức thấp trong năm nay, phản ánh những khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất. Trong thời gian tới, áp lực từ các yếu tố vĩ mô và bài toán hóc búa về nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, nhiều khả năng vẫn sẽ là yếu tố kìm hãm đà phục hồi của thị trường sắt thép.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Giá sắt thép duy trì ở mức thấp bất chấp sự cải thiện trong biên lợi nhuận ngành

Sự phục hồi chậm chạp trong nhu cầu về sắt thép vẫn đang là một bài toán đầy thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất trên thế giới. Điều đó khiến cho giá mặt hàng này liên tục duy trì ở vùng thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), chỉ số MXV-Index kim loại đang thấp hơn so với mức đầu năm gần 13%, tương đương với khoảng 250 điểm. Một phần là do sự lao dốc của giá quặng sắt được giao dịch liên thông với Sở giao dịch Singapore. Sau một đợt phục hồi nhẹ vào giữa tháng 7, hiện tại, giá đang tiếp tục cho thấy xu hướng giảm kể từ đầu tháng 8 cho đến nay.

Thị trường sắt thép thế giới chật vật đi tìm động lực tăng giá ảnh 1

Tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sắt thép lớn nhất trên thế giới, biên lợi nhuận ngành thép đã có dấu hiệu phục hồi kể từ cuối tháng 7, do chi phí sản xuất hạ nhiệt và tình trạng dư thừa hàng tồn kho được cải thiện. Theo MXV, điều đó vốn dĩ sẽ là yếu tố thúc đẩy sản xuất và hỗ trợ cho nhu cầu về quặng sắt, vốn là nguyên liệu thô quan trọng của ngành. Tuy nhiên, trước áp lực tăng trưởng chậm lại trên thế giới, sức sản xuất và tiêu thụ suy yếu đã đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp. Do vậy, giá sắt thép vẫn chưa thể tìm được động lực phục hồi mạnh mẽ.

Thực tế, sản lượng công nghiệp tại Trung Quốc trong tháng 7 ghi nhận mức tăng 3,8% so cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn rất nhiều so với con số dự báo 4,6% của các chuyên gia kinh tế. Trong khi đó, dữ liệu này tại Mỹ cũng đã liên tục suy giảm kể từ tháng 5 cho đến nay. Doanh số bán lẻ, thước đo năng lực tiêu dùng tại cả 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đều gây ra sự thất vọng. Bức tranh tăng trưởng kém sắc đã tác động tiêu cực lên thị trường sắt thép, nguyên liệu đóng vai trò không thể thiếu trong các hoạt động đầu tư xây dựng và sản xuất công nghiệp.

Ngành xây dựng và bất động sản sẽ là rào cản lớn cho đà phục hồi của giá sắt thép

Theo MXV, một trong những tác nhân ảnh hưởng đáng kể tới bức tranh tiêu thụ sắt thép trong thời gian tới đó là lĩnh vực xây dựng và bất động sản, vốn chiếm khoảng 50% nhu cầu sử dụng toàn cầu. Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ được công bố vào tối qua, doanh số bán nhà tại của quốc gia này trong tháng 7 tiếp tục sụt giảm 5,9% so với tháng trước đó xuống còn 4,81 triệu căn, và là tháng giảm thứ 6 liên tiếp. Có thể thấy rằng, áp lực từ việc tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát đã kéo theo chi phí vay thế chấp tăng cao và hạn chế nhu cầu nhà ở. Trong khi đó, công cuộc thắt chặt tiền tệ tại Mỹ sẽ còn là một cuộc chiến dài hơi và điều này tiếp tục gây sức ép tới giá sắt thép trong giai đoạn cuối năm.

Ngoài ra, tại thị trường Trung Quốc, cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản vẫn đang khiến ngành sắt thép gặp nhiều bất lợi. Doanh thu bán nhà ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 11 tháng liên tiếp. Đầu tư tài sản cố định chỉ đạt mức tăng trưởng 5,7% trong tháng 7 so với mức 6,1% vào tháng 6. Trong khi đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục gây ra những gián đoạn nhất định đối với các hoạt động sản xuất và xây dựng. Dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Trung Quốc cũng chỉ ra rằng, sản lượng thép trong tháng 7 tại quốc gia này đã giảm hơn 10% so với tháng trước đó, đạt mức 81,43 triệu tấn.

Thị trường sắt thép thế giới chật vật đi tìm động lực tăng giá ảnh 2

Với bối cảnh giá sắt thép trên thế giới duy trì ở mức thấp trong năm nay, giá thép nội địa cũng ghi nhận tới 14 lần điều chỉnh giảm trong vòng 3 tháng qua. Đáng chú ý, thị trường thép Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ trong việc cạnh tranh thị phần xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới.

Trong khi đó, lo ngại về tăng trưởng chậm lại tại các nền kinh tế đang là đối tác nhập khẩu thép hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, hay Anh, có thể làm mờ triển vọng xuất khẩu thép của các doanh nghiệp trong nước. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất cần tập trung đẩy mạnh cải thiện về chất lượng sản phẩm, thông qua việc đầu tư dây chuyền công nghệ, thay thế các thiết bị lạc hậu nhằm tăng tính cạnh tranh cho ngành thép nội địa trong thương mại toàn cầu.