Thị trường Internet

Theo Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD), cuối năm 2005, thế giới đã bước qua ngưỡng một tỷ người tiếp cận mạng internet và 250 triệu gia đình trên toàn cầu kết nối internet băng thông rộng, trong đó 850 triệu người sử dụng internet hằng ngày. Châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu các khu vực, với hơn 315 triệu khách hàng và là trung tâm internet băng thông rộng lớn nhất (chiếm 40% tổng số gia đình sử dụng phương tiện này trên thế giới). EU có 233 triệu người sử dụng internet và 55,2 triệu gia đình kết nối băng thông rộng. Mỹ la-tinh có 70 triệu người dùng internet nhưng là khu vực có tốc độ phát triển kết nối băng thông rộng cao nhất thế giới, tới 70%. Mỹ dẫn đầu thế giới về số người sử dụng mạng internet với hơn 175 triệu người và 43,7 triệu gia đình kết nối băng thông rộng, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 111 triệu người và 34,1 triệu gia đình.

Trong nhiều tiện ích của mạng internet, dễ nhận thấy nhất là buôn bán trực tuyến ngày càng phát triển. Website Shop.org và Cơ quan nghiên cứu Forrsester (Mỹ) nhận xét rằng: "Buôn bán trên mạng internet đã trở thành động lực đẩy mạnh kinh doanh bán lẻ toàn cầu. Trong ba năm qua, buôn bán trực tuyến tăng hai lần. Máy tính và phần mềm máy tính, hàng dệt-may, phụ tùng, giày dép có kim ngạch bán ra lớn nhất; mỹ phẩm tăng 30%/năm. Năm 2005 giá trị buôn bán trên mạng tăng 25% so với năm 2004, dự báo năm nay sẽ tăng thêm 20%, đạt tổng doanh thu 211 tỷ USD và tăng ổn định 20%/năm trong nhiều năm tới. Công ty Thương mại điện tử của Bỉ, Be Commerce, cuối tháng 6 vừa qua công bố thống kê cho biết, giao dịch mua bán qua internet ở Bỉ năm 2005 đạt 1,2 tỷ euro, tăng hai lần so với năm 2004; trong khi số thư đặt hàng truyền thống giảm từ 45% xuống còn 39% tổng số yêu cầu đặt hàng thì số đơn đặt hàng qua mạng lại tăng từ 10% đến 15%; ít nhất 40% lượng giao dịch mua bán của người Bỉ được thực hiện trên các trang giao dịch nước ngoài. Các công trình nghiên cứu cho rằng, mua bán qua mạng ngày càng hấp dẫn khách hàng vì đã làm tăng sự minh bạch về giá và trách nhiệm của người bán.

Ðiện thoại internet ngày càng chiếm được cảm tình của khách hàng, không kể lứa tuổi. Kết quả khảo sát do Công ty Viễn thông COLT (Bỉ) thực hiện với 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Pháp, Ðức, Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan và Bỉ được công bố cuối tháng 6 năm nay cho thấy, các nhà doanh nghiệp châu Âu ngày càng thích gọi điện thoại qua internet. Italy và Hà Lan đi đầu trong lĩnh vực này với 26% số nhà doanh nghiệp vừa tại Italy và 19% tại Hà Lan sử dụng điện thoại internet trong giao dịch hằng ngày. Tỷ lệ này ở Ðức và Tây Ban Nha là 10%. Số đông các nhà doanh nghiệp vừa tại châu Âu vạch kế hoạch trong ba năm tới chuyển hẳn sang sử dụng điện thoại internet. Khoảng 85% số doanh nghiệp của Anh, 42% của Tây Ban Nha xác nhận từ nay đến năm 2009 sẽ triển khai dùng điện thoại internet. Tại Bỉ mới có 6% số doanh nghiệp vừa và nhỏ dùng điện thoại internet, 19% đang thử nghiệm, nhưng tới 62% lên kế hoạch chuyển sang sử dụng hình thức liên lạc này. Chọn điện thoại internet vừa thuận tiện vừa chi phí thấp, các doanh nghiệp châu Âu hy vọng tiết kiệm 70% chi phí liên lạc, giao dịch so với sử dụng điện thoại truyền thống. Theo Ủy ban châu Âu (EC), đến tháng 5-2006, tới 70% số thiếu niên châu Âu trong độ tuổi 12 - 13 và 23% trong độ tuổi 8-9 có điện thoại di động tân tiến, có thể dùng nhận tin nhắn âm thanh, hình ảnh, tải phim, nhạc, chơi trò chơi điện tử, truy cập internet, v.v.

Chính vì nhiều tiện ích mà các nước tăng đầu tư đổi mới công nghệ internet. Theo khảo sát cuối năm 2005 của Cơ quan nghiên cứu đầu tư phát triển công nghệ châu Âu (SCOREBOARD) tại 700 công ty của EU và 700 công ty ngoài khu vực này, châu Á và Bắc Mỹ vượt xa châu Âu về đầu tư phát triển công nghệ. Tốc độ tăng đầu tư phát triển công nghệ của các công ty thuộc EU năm 2005 là 5% trong khi của các công ty hàng đầu châu Á và Bắc Mỹ là 7%. Ðầu tư lĩnh vực nói trên chiếm 63% chi phí nghiên cứu và phát triển của Mỹ, 75% ở Nhật Bản và 61% ở Trung Quốc so với 55% ở EU. Trong số 25 công ty đứng đầu thế giới về đầu tư nghiên cứu và phát triển chỉ có chín công ty thuộc châu Âu. Nhiều nước châu Âu không chịu chậm chân. Các nhà khoa học Trường đại học Công nghệ Ðan Mạch mới phát hiện công nghệ mới sử dụng tia lazer và các điều biến quang học được chế tạo từ Silicon rất tiện lợi. Thay vì lưu trữ vào băng video, người sử dụng máy tính có thể ghi thông tin trên video trực tuyến, nhờ thế tăng tốc độ gửi và nhận các tệp tin trên mạng và có thể nhận cùng lúc nhiều bộ phim chỉ với một cái nhấn chuột máy tính. Công nghệ mới có thể giúp tăng tốc độ gửi và nhận thông tin trên internet toàn cầu gấp 1.000 lần hiện nay.

Chính quyền Brussels (Bỉ) tháng 6 vừa qua đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch đưa thủ đô Bỉ trở thành "thành phố đi đầu trong công nghệ thông tin" của châu Âu, nhất là về công nghệ internet không dây (Wifi). Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Pháp Ozone từ tháng 9 năm nay lắp đặt các cột phát sóng và cuối năm 2007 sẽ phủ sóng Wifi toàn thành phố Brussels. Cách triển khai rất hiệu quả: các gia đình lắp cột phát sóng trên mái nhà sẽ được truy cập internet không dây hoàn toàn miễn phí; ở tốc độ giới hạn 64 Kb/giây với 20 euro thuê bao/tháng khách hàng được ưu tiên truy cập internet với tốc độ 4 Mb/giây và không hạn chế dung lượng. Dự án trên được đánh giá là nhiều tiện ích cho người dùng máy tính xách tay cũng như người sử dụng thiết bị số hóa có tích hợp Wifi như điện thoại di động (ÐTDÐ), máy ảnh số, máy nghe nhạc MP3. Với cam kết bảo mật cho người sử dụng, dịch vụ phủ sóng Wifi không chỉ có sức hấp dẫn lớn đối với khách hàng châu Âu.

Tại Mỹ la-tinh, hồi đầu tháng 6 vừa qua, tại Hội nghị của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) họp tại CH Dominican, 34 nước thành viên OAS đã ra tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh công nghệ thông tin phục vụ phát triển bền vững và chống đói nghèo, nêu rõ công nghệ thông tin là một trong những công cụ hiệu lực để phát triển sản xuất, kinh tế, tạo việc làm và cải thiện đời sống người dân do đó các nước phải tăng đầu tư cho khoa học công nghệ, sáng tạo. Hội nghị khẳng định tập trung vào quá trình hiện đại hóa Nhà nước thông qua chương trình chính phủ điện tử, tăng cường hoạt động kiểm toán và minh bạch trong quản lý, cam kết sử dụng thông tin như một "công cụ phát triển" tạo điều kiện cho nhân dân tham gia ngày một rộng rãi hơn, tích cực hơn vào hoạt động của Nhà nước và xã hội...

Tuy nhiên, khách hàng sử dụng internet cũng được cảnh báo những cái hại đã bộc lộ. Các nhà khoa học Italy cuối tháng 6 vừa qua công bố kết quả thử nghiệm kỹ thuật kích thích điện từ trường xuyên não (TMS) đối với những người tình nguyện cho thấy, ÐTDÐ tác động thần kinh. Dưới tác động liên tục của các trường điện từ phát ra từ ÐTDÐ trong 45 phút, những kích thích não đã làm giảm ức chế và tăng hưng phấn trong não. Tuy những dữ liệu cho thấy tác động diễn ra trong thời gian ngắn và não có thể trở lại bình thường sau một giờ bị kích thích nhưng giới khoa học cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn để xác định quy chế an toàn cho việc sử dụng liên tục và lâu dài công cụ liên lạc này. EC cuối tháng 7 năm nay tiến hành cuộc thăm dò dư luận (kéo dài đến ngày 16-10-2006) về nguy cơ tiềm tàng đối với trẻ em sử dụng ÐTDÐ, chủ yếu đề cập các nội dung trao đổi hình ảnh, tin nhắn độc hại; các hành vi ứng xử như quấy rối, lừa đảo, đe dọa ảnh hưởng tâm lý trẻ cũng như hậu quả tiếp theo; giải pháp kỹ thuật để hạn chế rủi ro. Báo Thư tín (Anh) ngày 19-9 cho biết, 91% số trẻ em trong 12 tuổi và 50% số trẻ em 10 tuổi ở Anh có ÐTDÐ. Theo Công ty điện thoại Carphone Warehouse (Anh) hơn 80% số trẻ em cho rằng, có ÐTDÐ cảm thấy an toàn hơn, 71% số cha mẹ nói ÐTDÐ là biện pháp hữu hiệu giúp họ giám sát con cái tốt hơn. Trong khi đó các chuyên gia y tế cảnh báo, nên hạn chế việc trẻ em sử dụng phương tiện này vì lý do sức khỏe. Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe quốc gia Anh khuyến nghị Chính phủ cần ban hành lệnh cấm trẻ em dưới 8 tuổi dùng ÐTDÐ như một biện pháp phòng ngừa. Ủy viên Ủy ban châu Âu phụ trách Các vấn đề xã hội, thông tin và truyền thông, bà Vi-vi-an Rơ-đinh chỉ rõ, mặc dù ÐTDÐ trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống song cần triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ do nó mang lại và điều này đòi hỏi trách nhiệm chủ yếu của các nhà cung cấp dịch vụ và các tổ chức xã hội.