Thị trường đồng hồ cao cấp

Việc xem giờ ngày nay đã trở nên quá đơn giản, bằng các thiết bị như máy tính, điện thoại di động,…nên nhiều người đã không còn khái niệm đeo đồng hồ. Tuy nhiên, không có nghĩa là đã có thể quên lãng đi chiếc đồng hồ, bởi “cỗ máy thời gian” này, ngoài chức năng báo thời gian, còn là một thí dụ tuyệt vời của kỹ thuật và nghệ thuật, là phụ kiện trang sức thể hiện sự tinh tế, lịch lãm, là thú chơi đam mê của không ít người.

Đồng hồ của các hãng nổi tiếng trên thế giới luôn thu hút sự quan tâm của những người đam mê sưu tập đồng hồ. Ảnh: Nguyễn Đăng
Đồng hồ của các hãng nổi tiếng trên thế giới luôn thu hút sự quan tâm của những người đam mê sưu tập đồng hồ. Ảnh: Nguyễn Đăng

Thú chơi đồng hồ

Từ sở thích tìm hiểu về đồng hồ, qua những lần giao lưu trên diễn đàn, tôi may mắn làm quen với Trác “bảng”, một tay chơi đồng hồ có hạng ở đất Thái Bình. Trác “bảng” tầm 40 tuổi, khá vui tính, có khiếu hài hước, không có sở thích chơi “siêu xe” như Cường “đô-la”, chỉ đam mê những cỗ máy thời gian nhỏ bé. Vài năm trước, Trác “bảng” đã lên Hà Nội mở cửa hiệu nhỏ kinh doanh đồng hồ cũ, cũng là để thỏa mãn sở thích sưu tập đồng hồ. Bộ sưu tập hơn 500 đồng hồ đeo tay của Trác “bảng” gần như hội đủ các thương hiệu mạnh, chiếc đồng hồ nào cũng được anh gọi bằng “em” rất âu yếm, tất cả chỉ thuần đồng hồ cơ lên dây cót hoặc tự động, không có “em” nào là quartz (đồng hồ thạch anh chạy pin). Qua nhiều năm trao đi, đổi lại, trả giá khá nhiều cho thú vui tao nhã mà tốn kém này, bộ sưu tập của anh ngày càng dày thêm và đương nhiên bây giờ anh không bao giờ lỗ, “chỉ có lãi trở lên”. Anh say sưa giảng giải cho tôi nghe về những thuật ngữ như “chân kính” (jeweledbearings), tourbillon, chronograph, thế nào là đồng hồ vàng đúc, bọc vàng khác mạ vàng ở điểm gì,... Qua lời anh, thú chơi và đam mê đồng hồ sẽ ngày càng mở rộng, lôi cuốn nhiều người hơn, vì giờ đây, đồng hồ không chỉ đơn thuần để xem giờ, mà nó còn là phụ kiện trang sức thể hiện sự đẳng cấp, lịch lãm, không thể thiếu của người đeo, tùy theo trang phục mà thay đổi đồng hồ cho phù hợp. Theo kinh nghiệm tích lũy của anh, những chiếc đồng hồ có giá trị cao khoảng 50 đến vài trăm nghìn USD thường được dân chơi miền bắc săn lùng, còn ở phía nam, ít có người “chơi bạo” như vậy nhưng lượng người chơi đồng hồ từ vài nghìn đến hơn chục nghìn USD lại rất đông.

Thú chơi đồng hồ trước đây chỉ có ở tầng lớp trung niên, nay lan đến cả thanh niên, học sinh, sinh viên,… nhiều thành viên trên mạng in-tơ-nét đã khoe bộ sưu tập đồng hồ sở hữu trị giá vài tỷ đồng. Chơi đồng hồ cũng chia thành nhiều xu hướng, trường phái, trào lưu khác nhau. Có người ưa phô trương, đập thẳng vào mắt đối tác như Rolex hoặc ngấm ngầm khẳng định đẳng cấp bằng một chiếc Patek Philippe dây da tinh tế. Lại có người tôn thờ những cái tên lẫy lừng trong làng sản xuất đồng hồ như Breguet, Vacheron Constantin, dựa trên kỹ thuật và nghệ thuật chế tác tinh xảo, cực kỳ phức tạp trong khuôn khổ một chiếc đồng hồ nhỏ bé. Nhiều người qua các diễn đàn đã tự trang bị cho mình kiến thức, trở thành những “cao thủ” về đồng hồ, học hỏi cả những kỹ năng bảo dưỡng, sửa chữa hoặc tự mày mò thiết kế “phiên bản” của những chiếc đồng hồ kinh điển nhưng mang đậm phong cách cá nhân qua việc tùy biến lô-gô, tên hãng (kiểu đồng hồ homage). Giới trẻ quan tâm nhiều đến đồng hồ Đức, I-tali-a có thiết kế trẻ trung, hiện đại, kiểu dáng thể thao, còn tầm trung niên, có tuổi thường ưa chuộng dòng đồng hồ vintage (cổ điển, xưa) bọc vàng, mạ vàng hoặc vàng đúc, đơn giản mà sang trọng.

Thị trường Đồng hồ - “vàng thau lẫn lộn”

Không chỉ thị trường đồng hồ ở Việt Nam phải chịu cuộc “đổ bộ” của fakewatches (đồng hồ giả, nhái), mà nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cũng đang đau đầu trước vấn nạn này. Đồng hồ giả tồn tại để đáp ứng ham muốn của những người không có khả năng dùng hàng thật nhưng thích mang trên mình những biểu tượng đẳng cấp. Vài năm trước đây, một nhãn hiệu đồng hồ cao cấp của Thụy Sĩ đã phải phát động một chiến dịch quảng bá với thông điệp: "Fakewatches are for fake people" (Đồng hồ giả chỉ để dành cho những người giả dối). Ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ hằng năm phải tiêu tốn hàng tỷ USD nhằm triệt tiêu hàng giả. Thương hiệu nào càng nổi tiếng, càng hay bị làm giả. Đại diện của một thương hiệu đồng hồ lớn tại Việt Nam nhận định: Đồng hồ giả chiếm khoảng 80 - 90% thị phần đồng hồ tại Việt Nam, nhiều cửa hàng chuyên “đồng hồ hiệu”, vẫn bán lẫn lộn cả hàng fake lẫn authentic (đồng hồ thật), thị hiếu nào cũng chiều tất, từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng. Tại Việt Nam, những người sành đồng hồ cũng chỉ là số ít so với số đông người đeo đồng hồ. Người mua đồng hồ thường bị “dụ dỗ” với các chương trình khuyến mãi giảm giá “sốc” tới 50%. Thậm chí, các cửa hàng còn mập mờ giới thiệu cho khách hàng loại đồng hồ Rolex máy Thụy Sĩ, được gia công ở Xin-ga-po hoặc Hàn Quốc, giá chỉ hơn mười triệu đồng và sẵn sàng cam kết bảo hành một năm. Nếu tinh ý, ai cũng biết đây là hàng nhái giá chỉ khoảng vài triệu đồng, đã được trà trộn, “thổi giá” lên cao ngất để trục lợi, đánh lừa người tiêu dùng, bởi đồng hồ chính hãng loại này không dưới con số chục nghìn USD. Trên các trang thương mại điện tử, tràn ngập những thông tin bán đồng hồ replica (sao chép từ chính hãng) hoặc loại superfake xuất xứ từ Hồng Công hoặc Quảng Đông (Trung Quốc), mang lậu vào Việt Nam với giá rẻ bèo, nhưng thực chất chỉ là trò ngụy tạo của hàng nhái, sao chép y chang từng chi tiết nhỏ của đồng hồ authentic, ngay cả thợ đồng hồ cũng khó mà nhận biết nếu không mở máy kiểm tra, chưa nói gì tới người tiêu dùng thông thường. Đồng hồ nhái được quảng cáo, bày bán tràn lan, trắng trợn, công khai trên thị trường, có nơi tự nhận là hàng chính hãng, thậm chí một số trang báo mạng cũng tiếp tay quảng bá cho các sản phẩm này. Vì siêu lợi nhuận, nhiều đối tượng sẵn sàng đầu tư kinh phí làm giả tem, thẻ bảo hành cho đồng hồ nhái.

Những tranh cãi nảy lửa của các thành viên trên diễn đàn về việc có nên chi quá nhiều tiền cho mặt hàng xa xỉ này trong khi đất nước còn khó khăn, có nhiều việc cần làm hoặc nên đeo đồng hồ nhái hay chính hãng đã diễn ra từ lâu và nghe chừng không có hồi kết. Mỗi người đều có lý lẽ, lập luận để bảo vệ ý kiến của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia về đồng hồ khuyến cáo: Không nên bàn về hàng nhái vì đơn giản không có gì để bàn cả. Việc đeo đồng hồ nhái chỉ có thể đánh lừa được những người kém hiểu biết, không có kiến thức về đồng hồ. Về khả năng kinh tế, đúng là không phải ai cũng có điều kiện mua cho mình chiếc đồng hồ cao cấp trị giá vài nghìn đến vài chục nghìn USD, song không thiếu những thương hiệu đồng hồ thật, có giá vừa phải, phù hợp túi tiền. Người đeo thấy yên tâm về chất lượng đồng hồ và không bị cảm giác ngượng ngùng khi ai đó phát hiện ra mình sử dụng hàng nhái. Chỉ cần nhìn một chiếc đồng hồ nhỏ bé thôi cũng có thể nhận định được đẳng cấp và địa vị của người đeo. Một chiếc đồng hồ không nhất thiết phải quá đắt tiền, sành điệu hay mới nhất trên thị trường, quan trọng là phù hợp theo vóc dáng, trang phục hoặc hoàn cảnh.

Nhiều chuyên gia về đồng hồ khuyến cáo, nếu khách hàng không thể phân biệt đồng hồ thật, giả bằng mắt thường, có thể vào các website của những hãng đồng hồ nổi tiếng, nhận biết những kiểu dáng đồng hồ của hãng và đại lý của hãng ở Việt Nam. Đồng hồ chính hãng về nguyên tắc khi mua sẽ có thẻ bảo hành toàn cầu, có số xê-ri để khách hàng có thể tra cứu trên mạng in-tơ-nét. Nếu đồng hồ cao cấp không có các thông số này, đó là hàng nhái.