Khá trầm lắng
Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Land đánh giá: Sáu tháng đầu năm trôi qua khá nặng nề với thực trạng khác hẳn so với các dự đoán lạc quan vào hồi đầu năm. Hai đợt dịch xảy ra liên tiếp và kéo dài làm đảo lộn mọi kế hoạch dự định của các công ty BĐS. Đến đợt dịch lần 4 vừa qua, thị trường gần như ngưng trệ hẳn. Đây là cú đánh trực diện vào thị trường buộc tất cả phải dừng lại vì an toàn sức khỏe. Công ty nào nhanh chân thì giữa hai đợt dịch còn tranh thủ được đôi chút, còn không đành phải “bó tay, bó chân” ngồi chờ cơ hội khi dịch bệnh qua đi.
Theo thống kê sơ bộ, so cùng kỳ năm 2020, số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép bằng khoảng 20%; căn hộ đang triển khai xây dựng bằng 74%; căn hộ hoàn thành chỉ bằng khoảng 36%; số lượng nhà ở đủ điều kiện bán giảm 10%; lượng giao dịch thành công cũng giảm 52% (trong đó tại Hà Nội có 1.094 và TP Hồ Chí Minh có 3.002 giao dịch thành công). Số lượng dự án nhà ở xã hội đang triển khai tăng, nhưng số lượng dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và được các sở xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai lại giảm hơn... Đáng chú ý, hiện tượng sốt đất cục bộ xảy ra trên diện rộng tại các địa phương đã góp phần nâng mặt bằng giá đất nền cao hơn. Tuy nhiên với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, đến giữa quý II/2021, giá đất nền đã giảm ở một số nơi, tuy nhiên hiện tượng giảm giá sâu không xuất hiện nhiều, hầu hết chỉ là các thông tin rao bán “cắt lỗ” để thu hút người mua.
Các chuyên gia cho rằng, nhìn lại sáu tháng qua, diễn biến của thị trường BĐS có thể gói gọn trong sáu chữ: lạc quan - thận trọng - chờ đợi. Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, điểm nổi bật của thị trường sáu tháng đầu năm vẫn là “lệch pha cung - cầu” khi thiếu trầm trọng nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội, nhất là từ giữa quý II/2021, làn sóng Covid-19 bất ngờ bùng phát khiến thị trường lâm vào cảnh khó khăn, thanh khoản giảm. Câu trả lời cho những tháng tiếp theo không nằm ở yếu tố thị trường mà tùy thuộc khả năng kiểm soát dịch bệnh. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ, lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch ước tính khoảng 13.958 căn, cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường BĐS trong quý II/2021 giảm mạnh hơn so quý trước và so cùng kỳ.
Xây dựng kịch bản tăng trưởng
Thực tế, dịch bệnh sẽ còn tiếp tục kéo dài khó xác định thời điểm kết thúc, do đó, việc xây dựng các kịch bản ứng phó dịch là hết sức cần thiết để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Kịch bản tích cực là thị trường phục hồi một phần ở giữa quý III và khởi sắc trở lại trong quý IV với giả thiết tối thiểu 50% người dân được triển khai tiêm vắc-xin, thị trường sáu tháng cuối năm có khả năng tăng trưởng ít nhất 25-30% so với sáu tháng đầu năm. Kịch bản xấu hơn là tiếp tục mất thêm quý III để dập dịch, 30% số người dân được tiêm vắc-xin, khả năng thị trường BĐS sáu tháng cuối năm tăng trưởng thấp, các doanh nghiệp (DN) sẽ dần đuối sức, kế hoạch sản xuất, kinh doanh bị phá vỡ, mức tăng trưởng sẽ ở mức khoảng 20% so với sáu tháng đầu năm nếu không nhận được các sự trợ lực cần thiết và kịp thời. Tuy nhiên trong cả hai kịch bản sẽ vẫn có những yếu tố ngoại lực tác động vào thị trường đó là trợ lực từ cơ chế chính sách của Nhà nước, các gói hỗ trợ DN, kích cầu tiêu dùng, tiến độ giải ngân các gói đầu tư công, tiến độ tháo gỡ nút thắt pháp lý... Đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của DN và gián tiếp đến các nhà đầu tư và tâm lý thị trường.
Bám sát kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, một số DN BĐS đã đặt ra lộ trình tăng trưởng khá mạnh dạn trong sáu tháng cuối năm. Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) đang lên kế hoạch bàn giao khoảng 18 dự án tại các địa phương, nhờ đó đặt mục tiêu năm 2021 doanh thu 27.491 tỷ đồng, tăng 447%; lợi nhuận sau thuế 4.100 tỷ đồng; tăng 5% so với năm 2020. Tại thị trường phía bắc, nhiều DN cũng tham vọng đặt mục tiêu doanh thu lợi nhuận bứt phá trong năm 2021. Tại đại hội cổ đông, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 12.230 tỷ đồng, tăng 41% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.008 tỷ đồng.
Mặc dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng đang có dấu hiệu phục hồi, thậm chí, một số phân khúc có triển vọng tăng trưởng tốt. Trong khi đó, các DN BĐS vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản. Các sàn giao dịch cũng ghi nhận về nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực, các nhà đầu tư, phát triển BĐS sẽ cạnh tranh hơn về sản phẩm, nhờ đó, người mua được tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao hơn. Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, thị trường trong những tháng gần đây chứng kiến sức mua giảm, các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng và thận trọng. Ngoài ra, thị trường vẫn chưa giải quyết được bài toán hạn chế nguồn cung do các dự án gặp khó khăn về pháp lý. Tuy nhiên, đây chỉ là sự chững lại ngắn hạn, khi dịch bệnh qua đi, thị trường BĐS sẽ sôi động trở lại vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là rất bức thiết đối với người dân.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, bên cạnh việc chủ động theo dõi, bám sát diễn biến thị trường và kịp thời đề xuất các giải pháp, Bộ cũng đang đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thường xuyên cập nhật, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.