Thời gian vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp Bộ Công an thực hiện từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư (đã thực hiện chia sẻ khoảng 33 triệu lượt thông tin công dân có trong cơ sở dữ liệu về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực), xây dựng các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm việc tra cứu thông tin về thẻ bảo hiểm y tế qua thẻ căn cước công dân gắn chip.
Theo đó, thông tin thẻ bảo hiểm y tế của nhiều người dân đã được tích hợp trong dữ liệu về căn cước công dân.
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, ngày 28/2/2022 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Công văn số 931/BYT-BH về việc hướng dẫn triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip.
Để triển khai hiệu quả việc thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chip hoặc qua ứng dụng VNEID (ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an) trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nâng cấp hệ thống phần mềm Cổng tiếp nhận thuộc Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế của ngành và sẵn sàng đáp ứng việc cung cấp thông tin thẻ bảo hiểm y tế để các cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu thông tin khi người dân sử dụng căn cước công dân gắn chip đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tại Công văn số 533/BHXH-CSYT, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ sở y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế truyền thông rộng rãi đến người tham gia bảo hiểm y tế về việc thực hiện căn cước công dân gắn chip khi đi khám, chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông báo tại các địa điểm trong cơ sở khám, chữa bệnh để người dân dễ tiếp cận nhất.
Do việc xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang được hoàn thiện cần lưu ý người bệnh đi khám, chữa bệnh lần đầu nên mang theo thẻ bảo hiểm y tế kèm giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số. Trường hợp người bệnh bảo hiểm y tế đã thực hiện được việc khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng VNEID thì từ lần khám bệnh sau chỉ cần xuất trình căn cước công dân hoặc qua ứng dụng VNEID.
Trường hợp căn cước công dân chưa kịp tích hợp dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế hoặc người tham gia bảo hiểm y tế chưa được cấp tài khoản VNEID, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế thực hiện việc khám, chữa bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện hành (xuất trình thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh).
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng yêu cầu thông báo và cung cấp tới các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tài liệu hướng dẫn tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế thông qua căn cước công dân gắn chip. Cụ thể, tra cứu trực tiếp trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế tại địa chỉ https://gdbhyt.baohiemxahoi.gov.vn (quét mã vạch/nhập trực tiếp); Tra cứu bằng công cụ tra cứu tự động (API)...
Bộ Công an, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chip để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm hướng tới nền hành chính hiện đại, chính phủ số, tạo điều kiện tối đa cho người có thẻ bảo hiểm y tế về các thủ tục khám, chữa bệnh, không phát sinh bất kỳ thủ tục giấy tờ, thời gian thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh được tiết giảm tối đa. Theo đó, khi các cơ sở khám, chữa bệnh tích cực, chủ động triển khai công tác thí điểm này sẽ mang lại lợi ích thiết thực không chỉ cho người bệnh mà ngay cả trong khâu quản lý người bệnh của cơ sở khám, chữa bệnh.