Chuyện người anh hùng Trường Sa năm ấy

NDO -

NDĐT- Hai mười lăm năm sau ngày anh ngã xuống trên quần đảo Trường Sa khi quyết giữ lá cờ Tổ quốc để bảo vệ chủ quyền trên đảo chìm Gạc Ma, chúng tôi về xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) thắp nén hương viếng mộ của AHLS Trần Văn Phương. Người con gái duy nhất của người anh hùng Trường Sa giờ đây tiếp nối bước chân cha, hướng về phía biển đảo thiêng liêng.

Vợ chồng Trần Văn Phương trước ngày anh ra đảo làm nhiệm vụ.
Vợ chồng Trần Văn Phương trước ngày anh ra đảo làm nhiệm vụ.

Anh công tác vài năm nữa rồi về

Chị Mai Thị Hoa, sinh năm 1965 vợ của anh Trần Văn Phương đưa cho chúng tôi xem những kỷ vật của hai người, trong đó có những bức ảnh đã úa vàng nhưng còn khá rõ hình ảnh họ chụp chung với nhau trong niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Nhiều bức thư viết tay của anh Phương với nét chữ rắn rỏi được chị Hoa lưu giữ cẩn thận.

Mỗi khi nhắc đến bao cảm xúc trong chị lại ùa về, chị kể với chúng tôi về những kỷ niệm hai người.

Ngày ấy họ là bạn học, nhà chỉ cách nhau vài “dậu mồng tơi”. Vừa kịp ngỏ lời thì Trần Văn Phương lên đường nhập ngũ vào một đơn vị hải quân. Bốn năm sau, anh xin nghỉ phép về cưới vợ. Chị Hoa nhớ lại: “Đó là vào tháng 6-1987, bọn chị nên vợ nên chồng nhưng chưa kịp ấm hơi, anh phải trở về đơn vị. Ngày 22 tháng chạp năm 1987, anh được đơn vị cho nghỉ tết cùng gia đình. Mồng 10 tháng giêng năm 1988, Phương trở về đơn vị để kịp chuyến công tác đặc biệt”.

Đầu tháng 3-1988, anh Phương viết cho chị Hoa một lá thư đầy yêu thương. Anh dặn chị giữ gìn sức khoẻ, chăm lo ruộng vườn, đừng gửi thư vào cho anh nữa vì anh sắp đi Trường Sa. Anh công tác vài năm nữa rồi xin ra quân để về với chị.

Nhưng đó cũng là lời yêu thương cuối cùng mà anh hùng Trần Văn Phương gửi cho người vợ trẻ, bởi không lâu sau đó, trong một trận chiến không cần sức với đối phương, anh và đồng đội đã anh dũng hy sinh. Anh ngã xuống nhưng không hề biết mình đã để lại một giọt máu trong chị.

Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam ghi lại đầy đủ những sự kiện đã diễn ra trong chiến dịch CQ-88 (bảo vệ chủ quyền năm 1988) và mãi mãi ghi nhớ tên tuổi 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa vào buổi sáng ngày 14-3-1988, trong đó có Thiếu úy Trần Văn Phương.

Vào đầu tháng 3-1988, nhiều tàu chiến nước ngoài đến khiêu khích tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đưa quân chiếm đóng trái phép ở một số đảo. Đến chiều 13-3-1988, nhiều tàu chiến nước ngoài kéo đến đảo chìm Gạc Ma khiêu khích nhằm buộc tàu vận tải và bộ đội ta rời khỏi đảo.

Sáng 14-3, đối phương đổ quân xuống đảo, ép bộ đội, giật cờ của ta hòng chiếm đảo. Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma Thiếu úy Trần Văn Phương tổ chức lực lượng quyết tâm bảo vệ cờ Tổ quốc và đảo. Binh lính đối phương cậy thế đông, lăm lăm vũ khí xông vào cướp cờ của ta. Quyết không lùi bước, Trần Văn Phương lao vào giằng giật lại lá cờ Tổ quốc. Khi thấy một chiến sĩ của ta bị uy hiếp tính mạng, Trần Văn Phương xông vào cứu đồng đội thì đối phương nổ súng, Thiếu úy Phương anh dũng hy sinh.

Gương hy sinh anh dũng của Thiếu úy Trần Văn Phương đã cổ vũ, động viên bộ đội ta quyết tâm, kiên định bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo Tổ quốc. Tháng 1 năm 1989, Thiếu úy Trần Văn Phương được Chủ tịch phong tặng danh hiệu AHLLVTND.

Bây giờ trong phòng truyền thống của Vùng 4 Quân chủng Hải quân tại Khánh Hòa treo trang trọng bức tranh vẽ lại cảnh người chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam một tay cầm chặt lá cờ Tổ quốc, tay kia đẩy binh lính đối phương lao vào cướp cờ trên đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa. Người chiến sĩ quả cảm ấy là Thiếu úy Trần Văn Phương - người con của đất lửa Quảng Bình. Anh hy sinh khi mới tròn 23 tuổi.

Trong chuyến ra thăm quần đảo Trường Sa vào tháng 4-2007, đoàn công tác chúng tôi đã dừng lại một hồi lâu để dâng hương, thả vòng hoa viếng các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống cho sự vẹn toàn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trong không khí thiêng liêng và trầm hùng, chúng tôi xúc động hơn nghe Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Thiếu tướng Phan Khuê Tảo nhắc đến tấm gương hy sinh anh dũng của Thiếu úy Trần Văn Phương và đồng đội.

Câu nói bất hủ của anh Trần Văn Phương trước lúc hy sinh được nhắc lại làm tất cả các thành viên có mặt trên boong tàu rưng rưng: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng...”.

Con đã đến được nơi cha hy sinh

Chị Mai Thị Hoa nhận giấy báo tử anh khi đang mang thai đứa con gái duy nhất của họ. Chị đặt tên con là Trần Thị Thủy. Chập chững lên ba, Thủy hỏi chị sao lâu không thấy cha về. Chị nói dối con là cha đang công tác ngoài đảo.

Hàng đêm, Thủy áp những tấm ảnh úa vàng mà anh Phương chụp trước vào khi vào quân ngũ và tấm ảnh kỷ niệm hạnh phúc ngắn ngủi của cha mẹ cô như tìm hơi ấm người cha mà cô chưa hề rõ mặt.

Sau này, Thủy mới biết sự thật là cha mình đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa.

Năm 2009, Trần Thị Thủy tốt nghiệp cao đẳng ngành Việt Nam học tại trường Đại học Quảng Bình. Cô viết đơn tình nguyện xin vào công tác tại đơn vị của cha trước đây. Thủy nói rằng, em muốn trở thành bộ đội hải quân để được đến thắp cho cha nén hương nơi vùng biển mà ông ngã xuống. Trường Sa trong em thiêng liêng kỳ lạ không chỉ qua cảm nhận mà nơi đó có một phần máu xương của cha và đồng đội của cha nằm lại cùng biển khơi.

Tháng 10-2009, Thủy được nhận vào làm việc tại UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và bây giờ cô đang công tác tại Đoàn Trường Sa.

Chuyến ra công tác tại quần đảo Trường Sa ngày 31-3-2010 để lại cho Thủy rất nhiều cảm xúc. Cô kể rằng, đây là chuyến đầu tiên em ra đảo và đi qua vùng biển cha hy sinh. Đang nằm bẹp dí vì say sóng thì chợt tiếng loa trên tàu HQ 936 thông báo là đang đi qua vùng biển đảo Cô Lin - Gạc Ma của Việt Nam, các thành viên chuẩn bị lên boong để làm lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Thủy vịn tay đứng dậy, một chị bạn dìu cô bước lên boong tàu. Giữa màu xanh ngăn ngắt giữa trùng khơi, trong tiếng nhạc trầm hùng và thiêng liêng, Thủy đã thả những bông hoa trắng, cắm hương lên từng miếng phao từ từ thả xuống biển. Những giọt nước mắt lăn dài trên má.

Cô thầm nghẹn ngào: “Cha ơi, con đã đến được nơi cha hy sinh”. Giờ Thủy đã là lính Trường Sa quen với sóng gió.

Và cũng trên những hải trình ấy, cô đã quen và trở thành vợ của một chàng lính biển.

Giữa năm 1992, đơn vị đã đưa liệt sĩ Trần Văn Phương trở về quê hương, mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ xã Quảng Phúc. Bên nghĩa trang là ngôi nhà yêu thương của họ, chị Mai Thi Hoa hàng ngày chăm sóc mộ chồng, khói hương ấm áp.

Mé biển Quảng Phúc, với những con sóng qua bao năm tháng luôn mải miết ca bài ca bất tử về những người anh hùng đã ngã xuống giữa biển khơi cho sự trường tồn của biển đảo quê hương.