WHO cho biết, thời gian qua, nhiều thông tin thất thiệt và sai lệch về tổ chức này đã được lan truyền nhanh chóng. Theo đó, các thông tin sai lệch cáo buộc WHO lên kế hoạch thao túng chính sách của các quốc gia trên thế giới dựa vào một thỏa thuận toàn cầu nhằm quản lý cách ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan nêu rõ, thông tin sai lệch xuất hiện ngay cả khi nội dung của thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng và các quốc gia đang tiến hành đàm phán. Gần đây, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đề cập tới tình trạng một số tổ chức đưa ra những tuyên bố gây hiểu nhầm hoặc những thông tin xuyên tạc về WHO. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, chương trình làm việc của WHO luôn được công khai, minh bạch và dễ dàng tham khảo.
Trước đó, vào thời điểm các làn sóng lây nhiễm Covid-19 làm chao đảo hàng loạt quốc gia, nạn lan truyền tin giả, tin sai lệch về vaccine ngừa Covid-19 đã bùng nổ trên toàn cầu. Tại Anh, những thông tin trên mạng xã hội như tiêm chủng gây vô sinh, vaccine phòng Covid-19 làm thay đổi ADN… trở nên phổ biến đối với giới trẻ, ít nhiều tạo nên sự nghi ngại trong tiêm phòng.
Giới chức y tế Mỹ cảnh báo, những thông tin sai lệch cho rằng tiêm vaccine phòng Covid-19 gây nguy hiểm cho trẻ em cũng đang chất chồng thêm thách thức cho nỗ lực bảo vệ trẻ em trước đại dịch. Bác sĩ Wassim Ballan làm việc tại Bệnh viện nhi Phoenix của Mỹ cho biết, bên cạnh công tác chuyên môn, giờ đây các bác sĩ còn phải đấu tranh để loại bỏ những thông tin sai lệch, như những lo ngại mơ hồ rằng các loại vaccine được phát triển quá nhanh hay thông tin cho rằng việc tiêm phòng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
Liên minh châu Âu (EU) hiện đang siết chặt quy định phòng, chống thông tin sai lệch. Theo đó, các mạng xã hội như Google, Facebook, Twitter và các công ty công nghệ khác sẽ phải có biện pháp chống deepfake cùng các tài khoản giả mạo trên nền tảng của mình, nếu không có thể bị phạt nặng. Deepfake là các sản phẩm công nghệ giả mạo siêu thực dưới dạng âm thanh, hình ảnh hoặc video, được tạo ra bằng kỹ thuật máy tính.
Vào hồi tháng 4 vừa qua, 27 nước thành viên EU cũng đạt được thỏa thuận về Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA), buộc những “gã khổng lồ” công nghệ như Google và Meta phải giám sát nội dung bất hợp pháp trên nền tảng của mình chặt chẽ hơn. Các công ty công nghệ được yêu cầu thực hiện quy trình mới để gỡ bỏ dữ liệu bất hợp pháp như nội dung kích động khủng bố và lạm dụng tình dục trẻ em.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định, việc đạt được thỏa thuận về DSA là sự kiện lịch sử và quy định mới này sẽ bảo vệ người dùng trên mạng. Quan chức này cũng nêu rõ, những gì bất hợp pháp trong đời thực cũng là bất hợp pháp trên không gian mạng tại EU.