Thêm một bài học về quản lý di sản

Chùa Hương là danh thắng nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội, mỗi năm thu hút hàng triệu người hành hương, chiêm bái. Thời gian gần đây, trong khuôn viên của khu di tích, nhà chùa xây dựng công trình mang tên Nghiêm hương pháp đường, không tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa.

Bỏ qua thủ tục, quy trình

Sáng 13-11, chúng tôi có mặt tại Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (gọi tắt là chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Nghiêm hương pháp đường nằm phía bên phải chùa Thiên Trù. Đứng từ sân chùa Thiên Trù, ít ai chú ý đến công trình này, vì Nghiêm hương pháp đường còn cách một khoảng khá xa, lại có tòa trai đường che mất một phần. Nhưng khi đi vòng qua khu vực này, mới thấy đây là một tòa nhà khá lớn. Công trình gồm ba tầng, phần mái mô phỏng theo các kiến trúc cổ trong khu vực. Tuy nhiên, điều nhiều người chú ý là một số họa tiết trang trí tại công trình này. Điển hình như đường ống thoát nước mưa, được cách điệu theo hình đầu rồng. Theo Phó Giáo sư Trần Lâm Biền, đây là một trang trí lai căng, không theo nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt Nam. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Nghiêm hương pháp đường hiện được sử dụng như một công trình phụ trợ, một số phòng được dùng làm nơi ở, còn lại dùng để làm phòng họp và phòng ăn của người phục vụ trong chùa mùa lễ hội.

Về "lai lịch" của Nghiêm hương pháp đường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết: "Trước kia, trong khuôn viên của chùa có trụ sở của hai công ty là Công ty thắng cảnh Hương Sơn và Công ty du lịch Hà Tây. Khi đó, không có sự phân định rạch ròi đâu là đất của chùa, đất của công ty. Hai công ty này kinh doanh các loại hình dịch vụ nhà trọ, ăn uống phục vụ khách thập phương. Hoạt động nhà trọ, ăn uống của các công ty trong khu vực gây ảnh hưởng đến hoạt động tín ngưỡng, tâm linh tại chùa, cho nên UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) đã giao lại phần diện tích của hai công ty về cho nhà chùa quản lý. Hằng năm, vào mùa lễ hội, chùa phải huy động hàng trăm Phật tử, sư sãi ở các chùa khác tu cùng sơn môn đến để thực hiện các việc Phật sự. Nhu cầu về chỗ ăn, chỗ ở của những người này đặt ra bức thiết. Trong khi đó hai dãy nhà cấp bốn do hai công ty kể trên để lại đã dột nát, gây phản cảm cho khu di tích, cho nên năm 2011, sư trụ trì Thích Minh Hiền đề nghị được tu bổ, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu sử dụng".

Chùa Hương không chỉ là quần thể di tích lịch sử văn hóa quan trọng, mà còn nằm trong danh thắng đẹp của Thủ đô và đất nước. Chùa đã được công nhận di tích quốc gia từ năm 1962. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, việc xây dựng các công trình phụ trợ như trường hợp tại chùa Hương bắt buộc phải có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội xin chủ trương. Tiếp đó, thành phố phải chờ thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới được xây dựng. Tuy nhiên, sau khi xin phép tu bổ, nâng cấp khu nhà ở cho Phật tử, mặc dù chưa được các cơ quan chức năng đồng ý, nhà chùa vẫn khởi công và xây dựng công trình. Năm 2013, công trình được đưa vào hoạt động và nhà chùa đặt tên là Nghiêm hương pháp đường. Mặc dù nằm ở cốt nền thấp hơn chùa Thiên Trù, nhưng với chiều cao ba tầng, chiều rộng 25m, công trình khá quy mô và có những chi tiết trang trí không phù hợp khung cảnh chung.

Thêm một bài học về quản lý di sản

Có thể thấy, cho dù là công trình phụ trợ, không thuộc danh mục 18 công trình kiến trúc cổ cần bảo vệ của khu di tích, nhưng Nghiêm hương pháp đường đã được xây dựng mà không tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa. Hiện thành phố Hà Nội đang làm hồ sơ đề nghị công nhận chùa Hương là di tích quốc gia đặc biệt. Vậy mà Nghiêm hương pháp đường đã đưa vào sử dụng từ năm 2013, đến nay cơ quan chức năng mới phát hiện sai phạm.

Sau khi cử cán bộ kiểm tra hiện trạng Khu di tích chùa Hương nói chung, Nghiêm hương pháp đường nói riêng, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề nghị UBND huyện Mỹ Đức, Ban quản lý Khu di tích, thắng cảnh Hương Sơn báo cáo về việc xây dựng tại chùa Hương. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết, Sở sẽ sớm lập đoàn kiểm tra, mời đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản tham gia để xác định rõ mức độ vi phạm trong quản lý xây dựng tại di tích. Từ kết quả kiểm tra, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ đề xuất hướng xử lý cụ thể. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, vấn đề quy hoạch chùa Hương cũng ít nhiều gây khó khăn cho công tác quản lý. Trước khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, ngành văn hóa tỉnh Hà Tây đã làm quy hoạch trình UBND tỉnh xem xét nhưng việc sáp nhập Hà Nội - Hà Tây khiến quy hoạch không được thông qua. Đến giờ, một di tích lớn như chùa Hương vẫn chưa có quy hoạch tổng thể.

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội liên tục xảy ra các vụ vi phạm quản lý di tích với mức độ khác nhau. Trong đó, lỗi phổ biến nhất là các sư trụ trì tự ý xây dựng công trình phụ trợ, tự ý tu bổ, không tuân thủ các quy định của pháp luật. Điển hình như việc sư trụ trì chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ) cho phá nhà tổ, gác khánh để xây mới năm 2012. Năm 2015, một lần nữa nhà chùa xin tu bổ cấp thiết một số hạng mục như: nhà ni, tháp tổ, nhưng kết quả là xây mới tháp tổ và nhà ni. Một vụ việc nổi cộm khác là sư trụ trì chùa Chân Long (huyện Thạch Thất) "phá rào" xây nhà vệ sinh ngay cạnh... tòa Tam bảo, tự ý vứt tượng cũ, thay thế bằng tượng mới... Điểm chung của những vi phạm này là các cơ quan chức năng thường phát hiện, xử lý khá muộn. Dư luận chờ mong sự xử lý kiên quyết của các cơ quan chức năng, để các di sản được bảo vệ. Về lâu dài, bên cạnh việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra, sớm phát hiện các vi phạm, cần có biện pháp nâng cao nhận thức về bảo vệ di tích, di sản của chính những người trực tiếp quản lý di sản như các sư trụ trì, ban quản lý di tích ở các địa phương.