Để hỗ trợ ngành hồ tiêu Việt Nam, Liên minh châu Âu đã tài trợ cho Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Gia vị châu Âu triển khai dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam, giai đoạn 2021-2023”.
Sản xuất chưa bền vững
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn với khoảng 60% tổng sản lượng được giao dịch trên toàn thế giới và chiếm khoảng 45% nhập khẩu vào thị trường châu Âu. Hiện nay, hồ tiêu nước ta đang xuất khẩu đi hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu của Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, sản lượng hồ tiêu Việt Nam trong những năm qua đang có chiều hướng giảm. Năm 2019, sản lượng khoảng 290 nghìn tấn, năm 2021 còn 180 nghìn tấn. Diện tích hồ tiêu của nước ta hiện nay khoảng 131 nghìn héc-ta, tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Nguyên nhân hồ tiêu giảm về sản lượng là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, sâu bệnh gây hại, chi phí đầu vào như phân bón tăng cao. Cùng với đó giá nhân công tăng cao lại khó thuê khi vào vụ thu hoạch ảnh hưởng đến thu nhập, nên nhân dân cũng không mặn mà đầu tư. Đặc biệt, rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu ngày càng tăng; sự cạnh tranh gay gắt của các nước sản xuất hồ tiêu lớn trên thế giới như: Brazil, Indonesia, Campuchia...
Phó Chi cục Trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, Nguyễn Hắc Hiển cho biết: “Với những điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, Đắk Lắk có điều kiện để phát triển cây công nghiệp, trong đó có cây hồ tiêu. Hiện nay, hồ tiêu là cây trồng có thế mạnh của tỉnh với diện tích hơn 30 nghìn héc-ta. Tuy nhiên, hồ tiêu trên địa bàn vẫn chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún với khoảng 70% diện tích dưới một héc-ta. Hiện nay, khoảng 25% diện tích hồ tiêu của tỉnh trồng thành vùng chuyên canh, 19% diện tích trồng xen trong vườn cà-phê. Vì vậy, việc phát triển hồ tiêu trên địa bàn còn thiếu bền vững”.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, Nguyễn Thị Tình, vừa qua hồ tiêu của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đến nay, toàn tỉnh có gần 30 nghìn héc-ta trồng hồ tiêu với sản lượng khoảng 50 nghìn tấn/năm. UBND tỉnh đã công nhận hai vùng sản xuất hồ tiêu công nghệ cao với diện tích khoảng hơn 1.500 ha. Trên địa bàn đã hình thành một số hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ hồ tiêu theo hướng hữu cơ, VietGAP... Tuy nhiên, chế biến, tiêu thụ hồ tiêu trên địa bàn phần lớn là sơ chế, phơi nắng tự nhiên và tiêu thụ chủ yếu qua thương lái. Hiện nay, sản xuất hồ tiêu ở Đắk Nông còn những tồn tại như: sản xuất chưa bền vững, thiếu năng lực quản lý; sản xuất theo hướng liên kết ít và theo các tiêu chuẩn chất lượng gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều...
Kỳ vọng từ một dự án
Để giúp ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững, Liên minh châu Âu đã hỗ trợ dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam, giai đoạn 2021-2023”. Dự án do tổ chức IDH Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Gia vị châu Âu đồng tổ chức thực hiện. Dự án tập trung vào các hoạt động như tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về canh tác bền vững cho nông dân sản xuất hồ tiêu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia sẽ hỗ trợ đào tạo, giám sát thực hành canh tác bền vững và quản lý sử dụng hóa chất nông nghiệp góp phần gia tăng sản lượng hồ tiêu đạt tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Từ đó, bảo đảm thu nhập ổn định cho nhân dân, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến phát triển hồ tiêu bền vững.
Theo bà Mạc Tuyết Nga-Quản lý dự án IDH, dự án triển khai ở ba tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai. Mục đích lớn nhất dự án hướng đến là hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người trồng hồ tiêu. Theo đó, có 10 nghìn hộ dân được hưởng lợi trực tiếp, giúp tăng thu nhập cho người trồng hồ tiêu, bảo đảm sản xuất an toàn theo hướng thân thiện với môi trường; nâng cao năng lực cho các tác nhân trong chuỗi cung ứng hồ tiêu ở Việt Nam để có thể đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu; liên kết, kết nối, tăng cường kiểm soát, giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong chuỗi cung ứng hồ tiêu; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường xuất khẩu; thúc đẩy cam kết của các hộ nông dân trong việc áp dụng sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn, đáp ứng yêu cầu tại thị trường Liên minh châu Âu. Mục tiêu đến năm 2023, thu nhập của các hộ dân được hưởng lợi từ dự án sẽ tăng thêm khoảng 15%.
Tùy viên Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ: “Dự án sẽ hỗ trợ chuỗi cung ứng và góp phần vào tăng trưởng bền vững của ngành hồ tiêu Việt Nam. Mục tiêu của dự án là cải thiện đời sống của các hộ nông dân trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên và giúp các doanh nghiệp sản xuất và chế biến tăng sản lượng bền vững. Hiện nay, Việt Nam cung cấp gần một nửa lượng hồ tiêu vào châu Âu. Việc Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên đầu tư mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng hồ tiêu Việt Nam sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam”.
Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương cho biết: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe, đã đến lúc ngành hồ tiêu cần chuyển đổi từ sản xuất theo số lượng sang nâng cao chất lượng, giúp nông dân có thu nhập bền vững. Dự án này sẽ tạo thêm những động lực mới, cơ hội mới để gia tăng xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm hồ tiêu Việt Nam trong thời gian tới. Dự án cũng đóng vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước và châu Âu cùng tham gia vào một mục tiêu chung phát triển ngành hồ tiêu bền vững”.
HOÀNG HÙNG