Vận động viên Vừ A Nồng năm nay 17 tuổi. Em là người dân tộc Mông ở huyện vùng sâu Bảo Lạc. Thể hiện năng khiếu điền kinh sớm, Nồng được các thầy ở Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo thể dục thể thao (TTHLĐTTDTT) tỉnh Cao Bằng phát hiện, quyết định tuyển chọn năm 2015. “Chúng tôi đến nhà Nồng để thuyết phục. Nhà em ở một bản xa xôi, nói đưa con họ đi ra huyện để ăn học thể thao thì cha mẹ vừa vui, vừa lo. Vui vì con có khả năng, lo vì học thể thao rồi sẽ đi đến đâu?!”, thầy Lục Văn Liêm của trung tâm kể lại. Sau hai năm tập luyện, Vừ A Nồng vừa giành giải nhất nội dung 5.000 m tại Giải chạy việt dã cúp Báo Cao Bằng 2017. Hơn Nồng một tuổi, vận động viên môn võ Vovinam Hoàng Thị Hồng thậm chí còn xuất sắc hơn khi lần đầu tiên tham dự giải Vô địch Vovinam trẻ toàn quốc 2015, em đã giành được Huy chương bạc. Hồng sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông người Tày tại xóm Nà Cưởm, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Uyên. Em đến với thể thao như một giấc mơ, một niềm đam mê và nhiều hy vọng vào tương lai.
Cơ duyên đến với thể thao của Vừ A Nồng, Hoàng Thị Hồng cũng là câu chuyện chung của nhiều vận động viên thể thao Cao Bằng hiện nay. Lực lượng vận động viên của tỉnh hiện chủ yếu xuất thân từ các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Để phát hiện ra một vận động viên, người huấn luyện viên phải di chuyển liên tục đến cơ sở, nắm bắt nhiều nguồn thông tin mới có thể quan sát, đánh giá, “test” chuyên môn để tham mưu, tuyển chọn. Công tác tuyển trạch nghe qua thì đơn giản nhưng nhiều khi mất cả tuần, cả tháng mà đôi lúc không tìm được em nào đủ khả năng. Đã vậy, không ít lần khi ra đến trung tâm, phụ huynh đổi ý, xin đưa con em về lại quê vì thấy điều kiện ăn ở, tập luyện thiếu thốn. Trưởng phòng huấn luyện, TTHLĐTTDTT tỉnh Cao Bằng Nông Thế Hiển nói: “Hằng năm, cứ đến dịp hè, chúng tôi chia nhau ra các địa bàn, tìm kiếm những em có khả năng và làm mọi cách để đưa các em về tập luyện”. Hiện nay, chỉ tiêu đào tạo tỉnh dành cho các huấn luyện viên ở trung tâm là 70 vận động viên/năm, một con số không nhỏ đối với một tỉnh vùng cao biên giới.
Ngành thể thao tỉnh Cao Bằng hiện đang tập trung đào tạo thể thao thành tích cao ở ba môn: Vovinam, điền kinh và bóng rổ. Đây là những bộ môn phù hợp với thể hình và khả năng của người dân địa phương. Những bộ môn này từng mang lại thành tích rất tốt, nhất là Vovinam. Đội Vovinam Cao Bằng hiện có 14 võ sĩ, tất cả đều là người Tày. Thầy Nguyễn Thành Trung chia sẻ: “Điều này giúp các em có nếp sinh hoạt chung, thậm chí các em vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Tày. Hơn nữa, phẩm chất bền bỉ của dân tộc Tày cũng là tố chất cần thiết của môn Vovinam”. Ngay lần ra mắt tại giải trẻ toàn quốc 2015, đội Vovinam Cao Bằng bất ngờ giành được một Huy chương bạc, hai Huy chương đồng. Sau một năm, tại giải các đội mạnh toàn quốc, thầy trò huấn luyện viên Nguyễn Thành Trung xuất sắc đoạt một Huy chương vàng của vận động viên trẻ Hoàng Thị Hồng ở hạng 54 kg đối kháng. Thành tích này đã gây bất ngờ lớn với Vovinam Việt Nam cũng như thể thao cả nước.
Ngoài thể thao thành tích cao, TTHLĐTTDTT tỉnh Cao Bằng cũng rất quan tâm đến công tác đào tạo thể thao quần chúng, thể thao học đường. Các lớp dạy bơi, dạy bóng đá trẻ thơ liên tục được mở ra nhằm khuyến khích người dân tập luyện thể dục thể thao, qua đó cũng nhằm xây dựng nguồn vận động viên trong quần chúng. Các thầy ở trung tâm còn mở những lớp dạy ở các huyện xa xôi, đáp ứng niềm đam mê thể thao của người dân vùng cao. Và rồi, nhiều vận động viên triển vọng cũng xuất phát từ những lớp học giản dị này, mang lại hy vọng cho thể thao Cao Bằng.
Trong lịch sử, Cao Bằng từng là nơi sản sinh ra nhiều vận động viên xuất sắc như Vũ Thị Hòa, vô địch giải bóng bàn toàn quốc; Nguyễn Khắc Huy, vận động viên phá kỷ lục ném đĩa quốc gia; Trương Văn Dành, bộ môn điền kinh… Giờ đây, việc tỉnh chỉ biết trông chờ vào những “chiến tích bất ngờ” như của Hoàng Thị Hồng cho thấy ngành thể thao Cao Bằng đang gặp nhiều vấn đề. Trăn trở của các thầy, các huấn luyện viên giờ không phải không có vận động viên đủ khả năng mà là chế độ đãi ngộ dành cho các em. “Hiện nay, chúng tôi vẫn đang áp dụng tiêu chuẩn tài chính của năm 2008. Mỗi ngày, các em chỉ có 40 nghìn đồng tiền ăn, tiền công tập luyện, thi đấu là 20 nghìn đồng. Với chế độ bồi dưỡng như vậy thì liệu có huấn luyện viên nào dám bắt các em tập nặng”, Phó Giám đốc TTHLĐTTDTT tỉnh Cao Bằng Trần Minh Trung cho biết.
Thể thao Cao Bằng còn gặp khó khăn khi tìm kinh phí để tu sửa trang thiết bị đào tạo, tập luyện đang xuống cấp trầm trọng. Năm 2017, ngành thể thao Cao Bằng đã đề xuất UBND tỉnh áp dụng Thông tư liên tịch 149 năm 2012 nhằm tăng mức đãi ngộ dành cho vận động viên, huấn luyện viên. Thông tư ra đời trước đó 5 năm và hầu hết các tỉnh bạn đều đã áp dụng, nhưng ngành thể thao Cao Bằng vẫn “ngậm ngùi” chờ đợi ngân sách từ tỉnh. Trong khi đó, những vận động viên trẻ tài năng hiện nay đang lo lắng trước tương lai của mình. Mỗi buổi sáng, nhiều vận động viên trẻ của TTHLĐTTDTT tỉnh Cao Bằng vẫn tiếp tục đến trường học văn hóa để rồi chiều về, cùng các thầy tập luyện chuyên môn, nỗ lực tìm kiếm những thành tích mới. Các thầy giáo Nguyễn Thành Trung vẫn luôn sẵn sàng bỏ tiền túi để mua trang thiết bị mới cho học trò; thầy Nông Thế Hiển vẫn đều đặn lặn lội tìm kiếm những tài năng nhí ở khắp các ngõ ngách địa bàn tỉnh… Hành trình gian nan chưa bao giờ dứt với thể thao; vì đam mê, nhiệt huyết của cả thầy và trò ở vùng biên cương; bỏ lại sau lưng biết bao trăn trở, nhọc nhằn.