Thế giới đối phó giá hàng hóa leo thang

Tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đối với giá năng lượng đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị một “bộ giảm xóc” nhằm chống lại những cú sốc về nguồn cung. Các quốc gia thành viên EU cho rằng, cần ngay lập tức tích trữ khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông tới. Dự kiến, các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên EU sẽ thảo luận vấn đề này tại hội nghị cấp cao vào tuần tới. 

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Theo dự thảo tuyên bố dự kiến được đưa ra sau hội nghị cấp cao EU sắp tới, việc tích trữ khí đốt trên toàn EU nên bắt đầu được thực hiện ngay. Các quốc gia thành viên EU và Ủy ban châu Âu (EC) cần nhanh chóng phối hợp để bảo đảm đủ lượng khí đốt dự trữ trước mùa đông. 

Dự kiến, EC sẽ yêu cầu các nước thành viên EU bảo đảm lượng khí đốt dự trữ ở mức ít nhất 90% trước ngày 1/10 hằng năm. Hiện EU đã tích trữ được 26% lượng khí đốt dự trữ cần thiết. Các nhà lãnh đạo EU cũng
sẽ thảo luận những biện pháp nhằm gim bt tác động ca vic giá năng lượng tăng cao đối vi người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Âu. 

Tại châu Á, khoảng 60% số tập đoàn lớn được khảo sát tại Hàn Quốc đều cảm nhận được những tác động tiêu cực từ tình hình căng thẳng Nga-Ukraine khi giá nguyên vật liệu quốc tế tăng cao. Ðây là kết luận từ cuộc khảo sát do Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc tiến hành từ ngày 2 đến 11/3 vừa qua.

Cuộc khảo sát được tiến hành đối với 153 doanh nghiệp trong số 1.000 doanh nghiệp đứng đầu theo doanh số bán hàng. Theo đó, 60,8% số doanh nghiệp tham gia khảo sát ghi nhận tác động tiêu cực của căng thẳng giữa Nga-Ukraine. Ðặc biệt, gần 90% số doanh nghiệp có quan hệ thương mại và đầu tư với Nga và Ukraine cho rằng cuộc khủng hoảng đang có tác động tiêu cực đến hoạt động quản lý của các doanh nghiệp này.

Khoảng 51% trong số các tập đoàn tham gia khảo sát ở Hàn Quốc đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ gánh nặng chi phí gia tăng bắt nguồn từ việc giá dầu và các nguyên liệu thô khác tăng cao. Trong khi đó, 18% số doanh nghiệp được khảo sát đề cập tới khó khăn tài chính và tỷ giá hối đoái biến động lớn hơn, và 15,1% số doanh nghiệp phàn nàn về tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và gián đoạn sản xuất.

Khoảng 12% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, xung đột Nga-Ukraine dẫn đến việc hạn chế xuất khẩu tới cả hai quốc gia này và các quốc gia láng giềng. Ngoài ra, khoảng 94% số công ty này dự đoán giá nguyên liệu và phụ tùng sẽ tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao hơn. Trong số các tập đoàn dự kiến tăng chi phí, khoảng 54% cho biết sẽ tăng giá sản phẩm ở mức trung bình là 6,1%.