Thay đổi nhờ dự án CSSP

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn luôn cố gắng lồng ghép, kêu gọi các nguồn lực để đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế nông hộ, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Trong đó, dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) là kênh hỗ trợ rất hiệu quả, mang lại nhiều đổi thay.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia của dự án kiểm tra việc thực hiện chuỗi giá trị cây nghệ tại xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn. (Ảnh VĂN LINH)
Các chuyên gia của dự án kiểm tra việc thực hiện chuỗi giá trị cây nghệ tại xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn. (Ảnh VĂN LINH)

Dự án hỗ trợ kinh doanh nông hộ tỉnh Bắc Kạn (tên tiếng Anh: Commercial Small-holder Support Project in Bắc Kạn; tên viết tắt: CSSP) là dự án được tài trợ từ khoản vay của Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) với số vốn hơn 21 triệu USD. Ngoài ra, dự án còn có nguồn ngân sách đối ứng của Chính phủ Việt Nam, của các địa phương và của người dân được hưởng lợi từ dự án.

Trước đây, gia đình chị Phùng Mùi Dất ở thôn Nà Dài, xã Hà Hiệu (huyện Ba Bể) làm ruộng chỉ đủ ăn, thường xuyên nằm trong danh sách hộ nghèo của thôn. Khi tham gia tổ hợp tác nuôi lợn do dự án CSSP thành lập, chị được vay vốn mua con giống. Sau một vài lứa, gia đình tích góp được ít vốn. Có vốn, chị Dất mở rộng nuôi gà, đầu tư trồng rừng, làm ăn thuận lợi nên chỉ sau vài năm đã xây được nhà mới. Năm 2021, gia đình chị đã thoát nghèo. Theo chị Dất, nguồn vốn dự án đã tạo điều kiện ban đầu để gia đình phát triển sản xuất. Dự án cũng giúp các hộ kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt cho nên làm ăn hiệu quả hơn. Từ chỗ lo từng bữa ăn, nay gia đình đã bắt đầu có của ăn, của để.

Nhiều vùng nông thôn trước đây vốn khó khăn về sinh kế thì nay nhờ dự án CSSP đã có hướng đi bền vững. Tại xã Văn Vũ (huyện Na Rì), dự án CSSP tư vấn, hỗ trợ nguồn vốn, duy trì hoạt động 11 tổ hợp tác trồng thạch đen, mỗi tổ từ 10-15 thành viên. Khi tham gia sản xuất theo tổ, người dân được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nhau về kinh nghiệm sản xuất. Nhờ đó, năng suất cây thạch đen của các tổ hợp tác đạt 10 tấn/ha, cao hơn hẳn so với việc mạnh ai nấy làm như trước đây.

Điểm khác biệt trong phương thức hỗ trợ của dự án là không hỗ trợ 100% vốn. Mỗi tổ, nhóm sẽ được hỗ trợ một khoản vốn ban đầu, số còn lại các thành viên trong tổ phải cùng nhau đóng góp để đối ứng tạo thành quỹ chung, sau đó cho vay quay vòng mở rộng quy mô sản xuất. Điều này giúp hình thành phương thức hỗ trợ “cho cần câu thay vì cho con cá”, từ đó giúp người dân tham gia hiểu và có trách nhiệm hơn với việc sử dụng vốn để sản xuất.

Song song với hỗ trợ, dự án CSSP còn đầu tư nhiều hạng mục công trình thiết yếu, có tác dụng thúc đẩy sản xuất ở vùng sâu, vùng xa. Năm 2021, nhờ nguồn vốn dự án, tuyến đường bê-tông liên thôn Bản Phắng ở xã Trung Hòa (huyện Ngân Sơn) được đầu tư xây dựng. Từ khi có đường mới, nông sản được thương lái thu mua tận nhà, nhờ đó lợi nhuận cũng cao hơn. Từ chỗ chỉ canh tác hai vụ mỗi năm, nay có đường đi lại thuận tiện, bà con đã sản xuất thêm một vụ màu. Theo bà Hà Thị Luân (xã Trung Hòa), khi chưa có đường, muốn chuyển phân bón đến ruộng phải vác, gánh. Giờ đây, xe máy chở đến tận nơi, rất thuận tiện. Có đường, người dân đầu tư mua máy móc làm đất nên có thể tăng vụ, nông sản làm ra vận chuyển cũng dễ dàng.

Sau bảy năm triển khai, dự án CSSP đã phê duyệt năm kế hoạch đầu tư chiến lược (SIP) cấp tỉnh để xây dựng và phát triển các chuỗi ngành hàng, như: Củ nghệ, củ dong riềng, củ gừng, chuối tây và lợn đen. Dự án cũng thực hiện 15 kế hoạch hành động phát triển chuỗi giá trị (VCAP) cấp huyện, xã sản xuất nông nghiệp, dựa trên lợi thế của từng địa phương như: Chuỗi bí xanh thơm, nuôi gà thả vườn, chuối tây, trâu bò vỗ béo ở huyện Ba Bể; chuỗi lúa nếp khẩu nua lếch, trâu bò vỗ béo, hạt dẻ, khoai lang mật ở huyện Ngân Sơn…

Các kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo. Các hộ dân chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi giá trị từ khâu cung ứng con giống, cây giống bảo đảm chất lượng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Mối liên doanh, liên kết giữa người sản xuất với đơn vị tiêu thụ sản phẩm ngày càng vững chắc.

Theo Ban điều phối dự án, đến nay, dự án đã đầu tư 226 công trình gồm đường giao thông, kênh mương, nước sinh hoạt, kè chống sạt lở. Trong đó, 212 công trình gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và 14 công trình phục vụ khu vực nội thôn, bản. Nhờ có những công trình như vậy cho nên diện tích một số loại cây trồng trong vùng thực hiện dự án như: Cây mỡ, cây keo tăng gấp ba lần, cây quế và cây hồi tăng gấp 10 lần, cây ăn quả tăng gấp 2,9 lần…

Dự án cũng đã thành lập 622 tổ hợp tác, trong đó, có 352 tổ liên kết bằng hợp đồng với các doanh nghiệp, hợp tác xã và các đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Trong số này, có 569/622 tổ hợp tác được tài trợ từ Quỹ Tài trợ cạnh tranh cho các tổ hợp tác (CSG) với tổng số hộ hưởng lợi hơn 7.000 hộ và hàng trăm tổ, nhóm sở thích liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua quỹ APIF (Quỹ Xúc tiến đầu tư kinh doanh nông nghiệp). Việc liên kết bảo đảm tính hiệu quả và bền vững cho các tổ hợp tác, tạo sinh kế, tăng cơ hội tìm việc làm cho người dân, nhất là lao động nữ, người dân tộc thiểu số. Không những vậy, dự án còn duy trì 126 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 1.000 thành viên tham gia. Tính từ đầu kỳ dự án đến nay, nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển đã thực hiện tại 81 xã, phường, thị trấn, thành lập được 463 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng dư nợ khoảng 50 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Ban điều phối dự án CSSP Hoàng Văn Giáp, đến nay, dự án CSSP tại tỉnh Bắc Kạn đã đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra. Dự án này đã giúp Bắc Kạn giảm 2.809 hộ nghèo, cận nghèo. Năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dự án sau khi được gia hạn, dự án tập trung hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng và các hợp phần khác. Ban điều phối cũng đang thực hiện các hoạt động khảo sát, đánh giá, tài liệu hóa kết quả của dự án và tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cần thiết cho các đơn vị liên quan nhằm bảo đảm tính bền vững sau khi dự án kết thúc.