Thắp sáng niềm tự hào cách mạng

Nằm trong căn cứ địa Việt Bắc, Thủ đô Kháng chiến, Bắc Kạn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Các di tích lịch sử như Nà Tu, đồn Phủ Thông, đèo Giàng, Bản Ca, đồi Nà Pậu, Khuổi Linh… là những ngọn lửa linh thiêng thắp sáng mãi niềm tự hào, ý chí và nghị lực của các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân nơi đây.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào dân tộc Dao ở xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn làm cốm. (Ảnh: MA NINH)
Đồng bào dân tộc Dao ở xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn làm cốm. (Ảnh: MA NINH)

Với khát vọng tăng trưởng nhanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía bắc, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, giàu bản lĩnh và sức sáng tạo, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đổi mới để bứt phá.

Trăn trở đổi mới, đánh thức tiềm năng phát triển

Gần 80 năm trước, Chi bộ Chí Kiên, chi bộ đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn được thành lập (ngày 22/9/1943) là sự kiện lịch sử quan trọng. Đội ngũ cán bộ trung kiên của tỉnh được giác ngộ đường lối cách mạng, phong trào yêu nước ở địa phương có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng đã mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng và sự lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh. Từ ngày thành lập chi bộ với 3 đảng viên, nay Đảng bộ tỉnh có hơn 36 nghìn đảng viên (chiếm hơn 10% dân số toàn tỉnh).

Các thế hệ cán bộ, đảng viên luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, góp phần để Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tốt các nhiệm vụ, đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển. Quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, phát triển chưa bền vững; người dân chủ yếu làm nghề nông. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp.

Tỷ lệ hộ nghèo cao so với bình quân cả nước; đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn… Thực tế ấy đòi hỏi tỉnh phải sớm có các chủ trương, quyết sách lớn, mang tính căn cơ, tạo ra sự đột phá.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu mục tiêu tổng quát: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa và đại đoàn kết các dân tộc; huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; quyết tâm xây dựng tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững”.

Được xác định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía bắc, nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực phát huy nội lực để vươn lên.

Huyện Bạch Thông có địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông, suối, diện tích đồi núi chiếm phần lớn tổng diện tích tự nhiên, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân. Địa phương còn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với tỷ lệ hộ nghèo cao. Cán bộ, đảng viên cùng nhân dân không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, rà soát vùng sản xuất để có kế hoạch phát triển phù hợp.

Ý chí và tâm huyết ấy thể hiện qua các nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa 15: Nghị quyết số 04 về chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt và phát triển cây hồi dược liệu theo hướng bền vững, gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 05 về phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp và thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.

Theo đồng chí Đỗ Thị Hiền, Bí thư Huyện ủy, đặc sản nổi tiếng quýt Bắc Kạn với hương vị đặc biệt đã xuất hiện lâu đời ở Bạch Thông, là thế mạnh cây trồng của địa phương. 10 năm gần đây, diện tích trồng quýt tăng nhanh nhưng giá trị thu được không cao, chỉ đạt từ 60-90 triệu đồng/ha do thời gian thu hoạch ngắn.

Trong khi đó, quả cam sành có thời gian thu hoạch và bảo quản lâu hơn, mùa thu hoạch lại vào dịp Tết Nguyên đán nên giá trị kinh tế cao hơn. Đối với vùng trồng cây dược liệu (cây hồi), giá trị tương đối cao, song chưa có sự đầu tư phù hợp dẫn đến năng suất, sản lượng thấp. Trước những vấn đề đó, Nghị quyết số 04 là giải pháp cơ bản để Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Mục tiêu các nghị quyết đặt ra từ nay đến năm 2025, mở rộng diện tích cam sành (trồng mới 500ha), xây dựng 3 mô hình trồng cây cam sành không hạt; trồng mới 200ha cây hồi, tạo thành vùng sản xuất cây dược liệu. Đối với quýt đặc sản, duy trì diện tích trồng ở mức độ phù hợp và tiến hành thâm canh cải tạo theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Bên cạnh đó, huyện đang nghiên cứu phát triển các khu, cụm công nghiệp chế biến nguyên liệu để nâng cao giá trị các sản phẩm. Huyện phấn đấu có 25 hợp tác xã nông nghiệp, thu nhập bình quân của thành viên đạt 72 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong hợp tác xã đạt 48 triệu đồng/năm; có 30 sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao (phấn đấu có sản phẩm đạt 5 sao).

Với địa thế gần trung tâm tỉnh lỵ, nằm trên trục quốc lộ 3, huyết mạch giao thông quan trọng, quyết tâm phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp với sự đầu tư có trọng điểm, phát triển theo hướng chuyên canh gắn với thị trường, huyện Bạch Thông sẽ sớm có sự bứt phá, từng bước trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Huyện Chợ Đồn định hướng khai thác tiềm năng du lịch và đang phấn đấu trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình du lịch khám phá núi rừng Việt Bắc. Là một phần của chiến khu Việt Bắc, trên địa bàn huyện có số lượng di tích lịch sử nhiều nhất tỉnh. Vùng đất này còn lưu giữ rất nhiều nét văn hóa đặc sắc về trang phục, nhà ở, ẩm thực, phong tục, tín ngưỡng của các dân tộc Tày, Dao, Mông… Nhưng những thế mạnh này chưa được phát huy để phát triển kinh tế du lịch.

Đồng chí Hà Đức Tiến, Bí thư Huyện ủy Chợ Đồn cho biết: Huyện đã ban hành Đề án quản lý và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch huyện giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa gắn với du lịch, từng bước khai thác ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Huyện sẽ tích cực quảng bá những giá trị du lịch, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa phương, khuyến khích huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng cơ sở hạ tầng (như nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm, nhà sinh hoạt cộng đồng, khôi phục các làng nghề, chỉnh trang, tôn tạo nhà cửa, đường giao thông, bãi đỗ xe…).

Cùng với đó, huyện điều chỉnh quy hoạch, tích cực tổ chức tham quan, đào tạo, tập huấn, xúc tiến du lịch, tạo cảnh quan môi trường thân thiện; có cơ chế, hướng dẫn cụ thể đối với các khu vực ATK khi tạo tuyến, tour du lịch trong huyện và các huyện bạn để tạo điều kiện thuận lợi thu hút du khách…

Xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, giàu thực tiễn

Những quyết sách nói trên đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có năng lực hành động, giàu kinh nghiệm thực tiễn. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 12/8/2021 nhằm tập trung nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác cán bộ theo phương châm tận tâm với công việc, tâm huyết với quê hương, làm việc khoa học, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, có khát vọng vươn lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 17, Tỉnh ủy chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ; trước hết là đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch và theo tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.

Tỉnh quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác tổ chức cán bộ theo các quy định của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; cụ thể hóa cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Hằng năm và trong từng giai đoạn, tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đồng thời quản lý chặt chẽ đội ngũ, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về cán bộ lãnh đạo, quản lý), thực hiện tốt quy định về nêu gương, quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu…

Bắc Kạn là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện hình thức sát hạch để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Các ứng viên xây dựng, trình bày chương trình hành động và trả lời câu hỏi của Hội đồng tư vấn xem xét nhân sự giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo và tuyển chọn cán bộ luân chuyển.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Côi, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, qua xem xét, đánh giá cán bộ hằng năm, các trường hợp được bổ nhiệm thông qua hình thức này đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều đồng chí thể hiện rõ năng lực lãnh đạo, quản lý, tạo nên chuyển biến tích cực ở địa phương, đơn vị, qua đó cũng tự rèn luyện, trưởng thành về mọi mặt, không chỉ là những cán bộ giỏi chuyên môn mà còn giàu thực tiễn.

Phát huy kết quả đó, các huyện trong tỉnh cũng áp dụng hình thức này đối với việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.

Nhằm quản lý chặt chẽ cán bộ, đề cao trách nhiệm nêu gương, Tỉnh ủy đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; trong đó chú trọng thực hiện hiệu quả cam kết hằng năm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu về những nội dung học và làm theo Bác.

Cụ thể, trong cam kết của tập thể phải có ít nhất ba nội dung: tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để phát triển địa phương, cơ quan, đơn vị; khắc phục hạn chế, khuyết điểm; tham gia giúp đỡ cơ sở xây dựng nông thôn mới. Cá nhân cam kết ít nhất ba việc: nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, xã hội.

Trong Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025, tỉnh đã đề ra 4 đột phá chiến lược: Xác định thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch là trọng tâm; hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội; đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số.

Đây là căn cứ quan trọng để tỉnh hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển. Cùng đó, đội ngũ cán bộ đang được củng cố và nâng cao chất lượng sẽ là lực lượng tiên phong quyết đoán và quyết liệt thực hiện các kế hoạch đổi mới, tạo nên bước phát triển nhanh và bền vững.