Ngày làm việc thứ 13, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV

Thảo luận về hai dự án luật

Ngày 6-11, các đại biểu QH làm việc tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của hai dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDÐH) và Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Ðại biểu QH tỉnh Ðác Lắc phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: DUY LINH
Ðại biểu QH tỉnh Ðác Lắc phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: DUY LINH

Gỡ nút thắt về tự chủ đại học

Mở đầu phiên họp buổi sáng, QH nghe đại diện Ủy ban Thường vụ QH Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDÐH. Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này, phần lớn đại biểu QH tán thành về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDÐH. Theo các đại biểu, xã hội ngày một phát triển, mong muốn nâng cao chất lượng GDÐH nhằm đưa nền giáo dục Việt Nam tiếp cận giáo dục thế giới và văn minh nhân loại. Hiến pháp năm 2013 ban hành nhiều luật sửa đổi liên quan đến GDÐH, cho nên Luật GDÐH sửa đổi là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý kịp thời cho các cơ sở GDÐH phát huy tự chủ, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng GDÐH một cách thực chất; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật GDÐH hiện hành, gỡ bỏ những điểm nghẽn, nút thắt thời gian qua.

Ðại biểu QH Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, chính sách xuyên suốt của sửa đổi luật lần này là nhằm tháo gỡ nút thắt về tự chủ đại học. Tuy nhiên, trong dự thảo luật, những vướng mắc, mâu thuẫn, bất cập trong tổ chức bộ máy của đại học vẫn chưa được giải quyết. Theo đại biểu, Ban Chấp hành T.Ư và Quốc hội đã có các nghị quyết về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và đổi mới giáo dục - đào tạo. Những chủ trương này phải được thể chế hóa trong luật để thực hiện việc tinh giản biên chế, cải cách tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, ngành giáo dục. Từ đó, giải quyết được việc chồng chéo, lãng phí nguồn lực, cơ sở vật chất tài chính. Các chuyên gia và tổ chức quốc tế đã có khuyến cáo, nhận định: Mô hình đại học hai cấp như đại học quốc gia, đại học vùng chỉ tồn tại ở Việt Nam, không có ở nơi nào trên thế giới. Việc phân cấp như hiện tại không tận dụng đầy đủ lợi thế khiến cho tài năng, tri thức, năng lực đang bị phân tán. Có ý kiến cho rằng, tổ chức bộ máy đại học thế nào sẽ được Chính phủ quy định sau khi luật ban hành. Tuy nhiên, điều này không khả thi, vì tại khoản 5, Ðiều 4 quy định "trường đại học thành viên trong đại học có tư cách pháp nhân và hoạt động độc lập", có nghĩa là trong một đại học có hai tư cách pháp nhân. Như vậy, nếu các đại học đa ngành tới đây ra đời vẫn phải theo quy định của luật, nghĩa là tồn tại hai bộ máy quản lý, dẫn đến những vướng mắc không được giải quyết kịp thời. Ðại biểu đề nghị, Ủy ban Thường vụ QH cân nhắc xin ý kiến các đại biểu QH xem xét quyết định vấn đề cụ thể như sau: Phương án 1, sửa đổi tổ chức bộ máy của đại học theo tinh thần Nghị quyết 19, Nghị quyết 56 của QH, theo đó đại học bao gồm các trường đại học thành viên, các trường đại học thành viên chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của đại học, tức là tổ chức bộ máy một cấp. Phương án 2, có thể giữ nguyên tổ chức bộ máy như luật hiện hành, hoặc có thể sắp xếp tổ chức lại bộ máy của đại học hoặc có thể bỏ mô hình này.

Ðề cập chính sách của Nhà nước về phát triển GDÐH, ở Ðiều 12, đại biểu QH Lê Quang Trí (Tiền Giang) và một số đại biểu QH cho rằng, các nội dung quy định trong điều này khá đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều nội dung quy định còn mang tính nguyên tắc, không giao cho cơ quan nào quy định chi tiết, như vậy rất khó triển khai. Do vậy, các đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, thiết kế lại theo hướng quy định những nội dung nào Nhà nước có trách nhiệm ưu tiên đầu tư, những nội dung nào Nhà nước khuyến khích đầu tư. Cụ thể, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư vào các cơ sở đào tạo giáo viên, ưu tiên đầu tư cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số... Ngoài ra, cần bổ sung chính sách để phát triển đội ngũ giảng viên, nâng cao trình độ chuyên môn cả về lý thuyết và thực tiễn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và lý luận chính trị. Vì thực tế hiện nay, một số cơ sở đại học rất khó đào tạo đội ngũ giảng viên, đặc biệt là tiêu chí tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ do luật hiện hành không quy định chính sách này…

Cuối phiên làm việc buổi sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình, đại diện cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH quan tâm.

Sửa đổi Luật Công an nhân dân phù hợp thực tế

Buổi chiều, QH đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công an nhân dân (CAND) (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này. Phần lớn ý kiến cho rằng, dự án Luật CAND (sửa đổi) đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Ðảng và Hiến pháp của Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, dự án Luật còn một số điểm chưa hợp lý, nội dung quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp. Theo đại biểu Cao Ðình Thưởng (Phú Thọ), tình hình an ninh ở nông thôn hiện nay rất phức tạp, do đó vai trò của lực lượng công an xã rất quan trọng. Nếu đưa lực lượng chính quy về các xã, phường, các vụ việc xảy ra tại cơ sở sẽ được xử lý dứt điểm, mang lại môi trường sống yên bình cho người dân. Nhưng, cần đánh giá toàn diện, đầy đủ các tác động của quy định nêu trên. Bởi trên thực tế, cả nước hiện có khoảng hơn 9.300 xã, nếu mỗi xã có khoảng năm cán bộ công an chính quy thì sẽ phải bố trí tổng cộng hơn 40 nghìn cán bộ. Ðiều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đề án tinh giản biên chế cũng như quỹ lương. Mặt khác, đưa lực lượng chính quy về các xã đồng nghĩa với việc xây dựng thêm trụ sở làm việc, bảo đảm các điều kiện, chế độ, chính sách kèm theo, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ðồng tình với ý kiến nêu trên, đại biểu
Nguyễn Tạo (Lâm Ðồng) băn khoăn về hoạt động của lực lượng công an xã sau khi bố trí công an chính quy. Ðồng thời, đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan công tác tuyển chọn lực lượng chính quy này.

Về vấn đề cải tổ bộ máy ngành công an và quy định "trần" quân hàm Thiếu tướng đối với chức danh giám đốc công an tỉnh, thành phố, các ý kiến cho rằng đây là chủ trương hợp lý và cần thiết. Mặc dù vậy, quy định lấy tiêu chí đơn vị hành chính loại 1 để "quy hoạch" cấp hàm cao nhất của chức danh giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư là chưa sát với chức năng của lực lượng CAND. Nhiều ý kiến cho rằng: tỉnh, thành phố xếp loại 1 về kinh tế, dân số hay diện tích không đồng nghĩa với việc xếp loại 1 cả về quốc phòng, an ninh. Trái lại, trên thực tế, nhiều địa phương không được xếp vào đơn vị hành chính loại 1 nhưng lại có vị trí chiến lược về an ninh trật tự. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để có những quy định hợp lý hơn. Liên quan vấn đề này, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cân nhắc, bổ sung thêm tiêu chí về "các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có vị trí chiến lược về an ninh trật tự", hoặc có thể xem xét phương án quy định cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với giám đốc công an ở đơn vị hành chính cấp tỉnh, trừ Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trong phiên họp chiều cùng ngày, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã phát biểu, làm rõ một số vấn đề liên quan các quy định về lực lượng công an xã trong dự án Luật.

Về tự chủ đại học, đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp xu thế chung của thế giới. Song, trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng quyền tự chủ đã xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường đại học, trong quá trình tuyển sinh; sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Nếu tự chủ về tài chính mà không có những tiêu chí quy định chung ngay trong luật sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người nghèo mất cơ hội học tập vì học phí cao.

Ðại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam)

Thời gian qua, một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành chưa phù hợp nhu cầu nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng đào tạo đại học chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động, số đông sinh viên ra trường không có việc làm, hoặc làm việc trái ngành, nghề được đào tạo… Việc này có nguyên nhân do hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với việc mở mã ngành đào tạo, tuyển sinh đào tạo, chưa xác định chuẩn xác về nhu cầu nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội để quản lý việc mở ngành đào tạo. Vì vậy, Quốc hội sửa đổi Luật kỳ này cần nghiên cứu quy định chặt chẽ chính sách, pháp luật để khắc phục vấn đề nêu trên.

Ðại biểu Ðàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận)

Một sĩ quan cấp tướng cần phải chỉ huy một quân số nhất định, không nên để tình trạng mang hàm tướng nhưng quân số lại không có bao nhiêu. Ngoài ra, nếu theo quy định mới trong Luật CAND (sửa đổi), sẽ có một số trường hợp sĩ quan cấp trên nhưng lại mang quân hàm thấp hơn cấp dưới.

Ðại biểu Phạm Văn Hòa (Ðồng Tháp)