Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các dự án trồng cây mắc-ca tỉnh Điện Biên vừa qua, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo), cho biết: Các dự án trồng cây mắc-ca tại Điện Biên đều không bảo đảm diện tích trồng mới theo tiến độ đã được phê duyệt; một số dự án chậm trễ, nợ lương, nợ công càng khiến người dân quanh vùng dự án hồ nghi, giảm niềm tin.
Dự án nào cũng chậm, vướng
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Thượng thông tin: Từ năm 2018 đến nay, có 13 dự án trồng cây mắc-ca của 11 doanh nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, với quy mô hơn 91 nghìn ha. Địa bàn triển khai các dự án gồm chín huyện, thành phố: Điện Biên Phủ, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên.
Triển khai dự án, các doanh nghiệp đã đo đạc, quy chủ đất đai được 27.522 ha (đạt 30% tổng diện tích); diện tích đã trồng cây mắc-ca là 6.614 ha (đạt 16% tiến độ nhà đầu tư cam kết thực hiện đến năm 2023); tổng kinh phí nhà đầu tư đã giải ngân để thực hiện các dự án là 1.584 tỷ đồng (đạt 10% so với tổng vốn đăng ký của các dự án).
Tất cả dự án đều không đạt diện tích trồng hằng năm theo tiến độ đã được phê duyệt và cam kết của nhà đầu tư. Cụ thể, bốn dự án gồm: Dự án trồng cây mắc-ca công nghệ cao tại huyện Tuần Giáo; trồng cây mắc-ca tại xã Thanh An, Thanh Xương (huyện Điện Biên); trồng cây mắc-ca công nghệ cao tại xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) và Dự án trồng mắc-ca kết hợp trồng rừng, dược liệu, xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông (huyện Điện Biên) đã quá thời gian thực hiện trồng theo tiến độ được duyệt từ 12 đến 36 tháng. Hai dự án, gồm: Trồng mắc-ca công nghệ cao tại huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ; trồng mắc-ca công nghệ cao tại huyện Điện Biên hết thời gian thực hiện trồng trong năm 2023.
Ngoài chậm tiến độ trồng mới, chậm hoàn thiện các thủ tục về đo đạc, quy chủ đất làm cơ sở pháp lý cho các bước triển khai sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư thì tại vùng triển khai dự án trồng cây mắc-ca công nghệ cao thuộc huyện Tuần Giáo còn xảy ra tình trạng nợ lương công nhân, nợ công của người lao động và nợ tiền phân chia sản phẩm cho người dân góp đất.
Chỉ rõ nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ tại các dự án, ông Trần Văn Thượng cho rằng, chủ yếu do các nhà đầu tư gặp khó khăn về vốn; cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động, năng lực quản trị của các nhà đầu tư yếu, phương thức hoạt động còn lúng túng chưa thực sự hiệu quả. Cùng với đó là một phần nguyên nhân do một số sở, ngành, địa phương chưa thực hiện tốt chức năng quản lý trong việc hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai làm căn cứ triển khai các bước tiếp theo của dự án.
Cần sự vào cuộc trách nhiệm và sẻ chia
Đồng tình với nhận xét đánh giá của đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết các nhà đầu tư dự án mắc-ca tại Điện Biên đều thừa nhận hiện đang khó khăn về vốn, cùng với đó là khó khăn trong hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất vùng dự án.
Ông Kiều Quyết Thắng, đại diện Công ty cổ phần HD Kinh Bắc đang triển khai dự án tại huyện Điện Biên Đông cho biết: Quá trình thực hiện đo đạc, quy chủ đất đai của các hộ dân vùng dự án, chúng tôi thấy tồn tại nhiều sai lệch về diện tích, vị trí, ranh giới giữa đo đạc thực tế so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà người dân đã được cấp; sổ địa chính của địa phương ghi rõ ràng là đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân nhưng tại địa bàn thì người dân chưa được nhận…
“Tại vùng dự án, công ty đã hoàn thiện đo vẽ bản đồ địa chính, chi trả tiền cho người dân để làm thủ tục thu hồi khoảng 200 ha, sau đó công ty gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đồng thời liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị hướng dẫn giải quyết nhưng đến nay đã hơn 3 tháng vẫn không nhận được hồi đáp”, ông Kiều Quyết Thắng nói rõ.
Chung khó khăn như đại diện Công ty cổ phần HD Kinh Bắc đề cập, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Liên Việt Mường Chà (chủ đầu tư dự án trồng mắc-ca công nghệ cao tại huyện Mường Chà) cho biết thêm, khó khăn do người dân thả gia súc vào vườn cây, tình trạng trộm cắp cây mới trồng và tranh chấp quyền sử dụng đất của người dân tại địa bàn khi nghe tin nhà đầu tư đo đạc, chi trả hỗ trợ công khai hoang…
Đánh giá cao nỗ lực của các nhà đầu tư đã chủ động khắc phục khó khăn để thực hiện dự án, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng: Tiến độ trồng mới cây mắc-ca dù đã có chuyển biến so với năm trước nhưng vẫn không bảo đảm tiến độ cam kết của nhà đầu tư và tiến độ chung đã được tỉnh đặt ra; các hợp phần liên kết hầu như chưa triển khai, thực hiện chưa có kết quả.
Về nguyên nhân làm chậm tiến độ, đồng chí Lê Thành Đô đồng tình với nhận xét của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân cụ thể do chính quyền cấp xã và các cơ quan chuyên môn chưa chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong phạm vi thẩm quyền.
Còn một bộ phận cán bộ sợ sai, e dè, chưa dám làm khi tiếp nhận hồ sơ đất đã được nhà đầu tư hoàn thiện. Cụ thể là hồ sơ thu hồi hơn 200 ha đã được nhà đầu tư hoàn thiện, người dân đã có đơn trả lại đất cho địa phương vậy mà Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện không tham mưu, không giải quyết thì rõ ràng là sợ sai, sợ trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi không có hướng dẫn hay quy định.
Nhấn mạnh nhiệm vụ các huyện, các ngành và các chủ đầu tư phải thực hiện bảo đảm mục tiêu phát triển cây mắc-ca đã được xác định trong năm 2023 và những năm tới, đồng chí Lê Thành Đô yêu cầu UBND các huyện, thành phố phải đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận của hệ thống chính trị từ cơ sở. Trước nhất là cán bộ, người dân vùng dự án đồng thuận, thông chủ trương và hiểu tường tận chính sách để từ đó mọi người, mọi cấp đồng lòng cùng nhà đầu tư thực hiện.
Cùng với đó, các huyện, thành phố có các dự án mắc-ca đã được phê duyệt phải chủ động nghiên cứu, vận dụng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ các nhà đầu tư và người dân thực hiện trồng mắc-ca theo hình thức liên kết bảo đảm tiến độ, hiệu quả bền vững.