Kể từ thời điểm dịch Covid-19 diễn ra đến nay, tình trạng máy bay phải nằm chờ tại sân bay kéo dài, khoảng 80 - 90% máy bay; chi phí thường xuyên bình quân hơn 100 tỷ đồng/ngày. Dòng tiền hoạt động của các hãng thiếu hụt nghiêm trọng, khiến nhu cầu vốn càng trở nên cấp thiết.
Theo TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam: Ngành hàng không là ngành có chi phí đầu tư lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận không cao. Với hai hãng hàng không lớn, thời điểm năm 2019, chi phí bình quân một ngày khoảng 396 tỷ đồng, chi phí bình quân một tháng khoảng gần 12.000 tỷ đồng.
Năm 2020 chi phí bình quân một ngày khoảng 186 tỷ đồng, chi phí bình quân một tháng khoảng gần 5.500 tỷ đồng. Năm 2021, trong sáu tháng đầu năm, chi phí bình quân một ngày khoảng 77 tỷ đồng, chi phí bình quân một tháng khoảng gần 2.100 tỷ đồng. Nhu cầu về vốn để trả cho đối tác mua máy bay, đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo dưỡng, chi phí lương cho nhân viên, nợ ngắn hạn cũng như nợ phải trả của các hãng hàng không hiện nay vào khoảng 40.000 tỷ đồng.
90% máy bay “đắp chiếu”, dòng tiền thiếu hụt
Cũng theo chia sẻ từ đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, sau những năm tăng trưởng với tốc độ cao, ngành hàng không Việt Nam đã chịu tác động tiêu cực rất nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Số lượng chuyến bay và hành khách sáu tháng đầu năm 2021 giảm 60 - 70% so với thời điểm trước dịch. Đặc biệt, từ cuối tháng 5 đến nay, doanh thu ngành hàng không giảm 80-90%.
“Hãng hàng không Vietravel Airlines ra đời năm 2020, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và Chính phủ lúc đó dự báo năm 2021 sẽ bắt đầu khôi phục trở lại được. Nhưng đến 2021 thì tình hình rất tệ, tất cả hãng hàng không chỉ bay được đến tháng 5 là phải dừng cho đến bây giờ. Hàng trăm phi công, tiếp viên, máy bay,… tất cả nằm im trên đường băng gây ra tổn thất về tài chính vô cùng lớn” - ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) chia sẻ.
Thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cũng cho thấy: Tính đến giữa năm nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của ba hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỷ đồng, riêng Vietnam Airlines là 20.000 tỷ đồng. “Các ngân hàng thương mại đã cho nhiều doanh nghiệp hàng không vay vốn để cải thiện tính thanh khoản trong giai đoạn khó khăn. Tháo gỡ khó khăn về vốn cho Vietnam Airlines mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Pacific Airlines cũng báo cáo đã được vay 50 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản” - TS Bùi Doãn Nề thông tin thêm.
Hiện theo cập nhật từ các hãng, Pacific Airlines cần vay 5.700 tỷ đồng để phục hồi sản xuất, Vietnam Airlines cần vay vốn ưu đãi 10.000 - 12.000 tỷ đồng để cân đối dòng tiền. Vietjet Air đề nghị hỗ trợ khoản vay tín dụng 8.000 - 10.000 tỷ đồng dưới hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng cho Vietnam Airlines và khoản tín dụng dài hạn trong thời gian 3 năm, lãi suất ưu đãi khoảng 4%.
Bamboo Airway cũng đề nghị được vay 5.000 tỷ đồng dưới hình thức tái cấp vốn như Vietnam Airlines và khoản tín dụng dài hạn với lãi suất, điều kiện ưu đãi. Vietravel đề nghị cho vay 1.000 tỷ đồng với lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi, điều kiện ưu đãi. Tổng nhu cầu vốn vay ưu đãi theo đề xuất của các doanh nghiệp là từ 29.700 đến 33.700 tỷ đồng.
Tạo “đường băng” thông thoáng
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, trong đó có các hãng hàng không. Trước tình hình đó, Chính phủ nói chung và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nói riêng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí,... Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, NHNN đã ban hành Thông tư 04/2021/TT-NHNN, theo đó tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%, không có tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng (TCTD) để cho Vietnam Airlines vay. Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, đến nay, NHNN đã ban hành Quyết định tái cấp vốn và giải ngân tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng (TCTD) sau khi TCTD cho Vietnam Airlines vay vốn theo Nghị quyết của Chính phủ.
Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Xuân Bắc cho biết, hiện nay, dư nợ tín dụng của các hãng hàng không tại các TCTD là khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỷ đồng. Các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 1%/năm, số tiền lãi được giảm khoảng 130 tỷ đồng, doanh số cho vay mới từ khi xảy ra dịch Covid-19 tới nay là 41.648 tỷ đồng.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, bên cạnh việc cơ cấu nợ, giảm lãi, phí, ngân hàng vẫn cấp tín dụng dù tình hình tài chính của doanh nghiệp hàng không khó khăn. Không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không mà ngân hàng này còn hỗ trợ vốn cho hệ sinh thái, chuỗi giá trị của ngành hàng không như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mặt đất, cấp nhiên liệu hàng không, dịch vụ… với số vốn 16.000 tỷ đồng.
“Mức vốn cho các doanh nghiệp hàng không vay rất thấp. Như lãi suất cả ngắn hạn và trung, dài hạn cho vay đối với doanh nghiệp hàng không là không có margin, chênh lệch vô cùng thấp. Nếu tính các chi phí, trích lập dự phòng thì lãi suất cho vay đối với nhóm khách hàng này mang tính hỗ trợ là chủ yếu” - ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.
Tổng Giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh cũng chia sẻ, tổng dư nợ cho vay hệ sinh thái hàng không của ngân hàng đã đạt gần 5.000 tỷ đồng. Hiện nay, cho vay của ngân hàng này với Vietjet Air đã chạm ngưỡng 2.500 tỷ đồng. Do vậy, HDBank kiến nghị sẵn lòng hỗ trợ thêm nếu NHNN nới giới hạn tín dụng. Thậm chí không cho nới giới hạn thì ngân hàng cũng bảo lãnh để Vietjet đi vay nước ngoài khi chi phí vốn hiện hợp lý.
Chia sẻ với những khó khăn của các hãng hàng không do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định sẽ ưu tiên tạo điều kiện cho các hãng vay vốn ngân hàng. Các ngân hàng thương mại chủ động cho vay ưu tiên.
“Dư nợ tín dụng ngành hàng không là 24.000 tỷ đồng, ngành hàng không đề xuất cho vay ưu đãi thêm 30.000 tỷ đồng, tổng khoảng hơn 50.000 tỷ đồng. Hiện nay có khoảng 3,5 - 4 triệu tỷ đồng dư nợ gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 trong tổng 9,8 triệu tỷ đồng. Như vậy, con số vay của hàng không đâu phải quá lớn so với các lĩnh vực khác, trong khi hàng không là loại hình hết sức đặc biệt” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá. Do vậy, trong thời gian tới, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính và NHNN Việt Nam sẽ đề xuất và trình lên Chính phủ sớm về gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không.
HỒNG ANH