Tháo gỡ khó khăn để dạy học môn Lịch sử hiệu quả

Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, sửa đổi, bổ sung năm 2022 (Chương trình mới) được thiết kế theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực nhằm phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn, rào cản, cần các giải pháp tháo gỡ để việc dạy học môn Lịch sử đạt hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) bồi dưỡng chuyên môn phân môn Lịch sử lớp 8 cho giáo viên.
Huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) bồi dưỡng chuyên môn phân môn Lịch sử lớp 8 cho giáo viên.

Theo các chuyên gia giáo dục, Chương trình mới môn Lịch sử khắc phục được nhiều điểm yếu trong chương trình trước đây, có sự lồng ghép giữa lịch sử thế giới, lịch sử khu vực và lịch sử dân tộc. Nội dung chương trình khá toàn diện cả về: Văn minh, văn hóa, chính trị, chiến tranh, quân sự, kinh tế, khoa học-kỹ thuật… chứ không chỉ nặng về chính trị, chiến tranh như trước đây.

Chương trình mới hướng tới tích hợp sâu ở tiểu học phù hợp với lứa tuổi học sinh; triển khai theo chủ đề nhưng vẫn đảm bảo tính hệ thống theo tiến trình lịch sử; hướng tới và tạo điều kiện để sách giáo khoa thể hiện nội dung bằng các câu chuyện lịch sử, kể chuyện lịch sử… Ðối với bậc học THCS, chương trình mới trang bị cho học sinh nền tảng kiến thức lịch sử cơ bản về thế giới, khu vực và Việt Nam. Ðối với bậc học THPT, chương trình được thiết kế theo chủ đề và chuyên đề lịch sử nhưng vẫn bảo đảm tính hệ thống và logíc.

GS, TS Ðỗ Thanh Bình (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng hướng đi của Chương trình mới là đúng đắn, khắc phục được những hạn chế của chương trình trước đó, tránh được sự nhàm chán của học sinh. Tuy nhiên, Chương trình mới vẫn còn có những hạn chế cần phải khắc phục trong quá trình phát triển.

Trong đó, đáng chú ý, nội dung Lịch sử (môn Lịch sử và Ðịa lý) cấp THCS nặng nề so với lứa tuổi học sinh ở bậc học này. Khối lượng kiến thức lịch sử cấp THCS gần như là của cấp THPT trước đây dồn nén vào. Ngoài ra, một số nội dung kiến thức thừa, bị lặp trong chương trình ở các lớp.

Thí dụ: Chương trình môn Lịch sử và Ðịa lý lớp 7, trong phần thông sử có đề cập đến các cuộc phát kiến địa lý; sau đó lại được đề cập trong phần chủ đề. Phần chủ đề chung lớp 8 và lớp 9: “Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Ðông” thì những chứng cứ lịch sử xác lập chủ quyền ở hai khối lớp không phân biệt được rạch ròi… Ngoài ra, một số yêu cầu cần đạt quá khó đối với lứa tuổi học sinh THCS, hoặc chưa chuẩn gây tranh cãi. Nhà trường phải tổ chức dạy - học hai nội dung Lịch sử và Ðịa lý trong một môn học khá lúng túng trong kiểm tra, đánh giá.

Học sinh mang sách nặng hơn khi thời khóa biểu ngày đó có tiết Lịch sử nhưng không có tiết Ðịa lý, hay khi sử dụng sách phải lật một nửa quyển sách mới tìm được bài cần học... Trong khi đó, những bài đầu (những vấn đề chung, có tính lý luận) ở lớp 10 mới và khó, thậm chí không ít giáo viên chưa được đào tạo đầy đủ và kỹ lưỡng về những kiến thức này ở các trường đại học sư phạm.

Từ thực tiễn dạy học, cô giáo Trần Thị Liên Thủy, Trường THCS Phạm Hữu Chí (xã An Ngãi, huyện Long Ðiền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng: Chương trình mới học môn học tích hợp là môn Lịch sử và Ðịa lý cho nên giáo viên khá khó khăn khi giảng dạy môn học này. Một cuốn sách giáo khoa với hai môn học, các tiết Lịch sử, Ðịa lý được sắp xếp xen kẽ, cùng với những bài học tổng quan thì việc tiếp cận môn học tích hợp ban đầu có nhiều khó khăn. Nhiều giáo viên THCS được đào tạo đơn môn và tình trạng thừa, thiếu giáo viên giữa các trường, các địa phương vẫn phổ biến là những khó khăn lớn nhất trong việc triển khai giảng dạy các môn học tích hợp lần đầu tiên thực hiện với lớp 6 trong năm học vừa qua và lớp 7 trong năm học 2022-2023.

Vì vậy, để dạy học môn Lịch sử Chương trình mới hiệu quả, theo GS, TS Ðỗ Thanh Bình, trong quá trình triển khai ngành giáo dục cần sớm có tổng kết thực tiễn, khẳng định mặt tốt và cũng chỉ ra những hạn chế về tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá, sự đáp ứng của giáo viên,... để sớm phát triển (chỉnh sửa) chương trình cho chuẩn và phù hợp hơn. Ngành giáo dục cần tăng cường tập huấn giáo viên ở các cấp học về chương trình, sách giáo khoa; về phương pháp và kỹ thuật dạy học lịch sử, về kiểm tra, đánh giá.

Hiện nay Chương trình được coi là “pháp lệnh”, còn sách giáo khoa là hạt nhân của tài liệu dạy học. Chương trình có tính “mở”, nên giáo viên cần vận dụng dạy học linh hoạt tùy theo tình hình cụ thể (về trường lớp, đối tượng học sinh) trên cơ sở cần bảo đảm những yêu cầu cần đạt tối thiểu trong Chương trình mới.

PGS, TS Nghiêm Ðình Vì (Ban Tuyên giáo Trung ương)

Các cơ sở đào tạo giáo viên lịch sử cần giúp sinh viên nhận thức rõ sự thay đổi trong chương trình môn Lịch sử qua các thời kỳ, trang bị cho sinh viên hiểu biết và năng lực phát triển chương trình môn học cùng với những phương pháp, kỹ thuật dạy học bộ môn cần thiết. Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần tăng cường hơn nữa việc tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo để trang bị kiến thức và kỹ năng, giúp giáo viên lịch sử hiểu đúng, hiểu sâu về chương trình môn học cũng như định hướng dạy học nhằm phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.

TS Ðoàn Minh Ðiền và một số giáo viên Trường THPT Thành Sen, thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, trước những đòi hỏi cao của chương trình hiện hành, nhiều giáo viên lịch sử vẫn chưa đáp ứng được kỹ năng, phương pháp dạy học, đặc biệt là việc khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Vì vậy, cần tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ, giáo viên không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo và các sở giáo dục và đào tạo cần tăng cường tập huấn phương pháp, kỹ năng dạy học cho giáo viên; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học lịch sử. Trên cơ sở tham mưu của tổ, nhóm chuyên môn, ban giám hiệu các trường phổ thông rà soát kỹ kế hoạch dạy học môn Lịch sử, khuyến khích việc xây dựng chương trình theo hướng tự chủ và chú trọng dạy học trải nghiệm thực tế; tạo ra nhiều sân chơi, tạo hứng thú cho học sinh. Triển khai các tiết dạy, các chuyến trải nghiệm để học sinh thấy được tầm quan trọng, sự liên hệ mật thiết giữa lịch sử với đời sống hằng ngày, trong nghề nghiệp giúp các em có ý thức hơn, từ đó tạo ra cho học sinh có nhu cầu học môn Lịch sử.