Tháo gỡ điểm nghẽn thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Với tỷ lệ thực hiện chỉ đạt 30% và 11% so kế hoạch đề ra cho cả giai đoạn 2016-2020 và có mức thấp kỷ lục trong hai năm đại dịch Covid-19, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ không thể hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá cho thời gian tới.

Máy bay của Vietnam Airlines (Ảnh minh họa: VNA).
Máy bay của Vietnam Airlines (Ảnh minh họa: VNA).

Nguyên nhân chậm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, về khách quan là do các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này có quy mô lớn, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, sử dụng nhiều đất đai nên cần nhiều thời gian, nguồn lực để thực hiện sắp xếp. Và cũng cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt cho nên phải có nhiều thời gian chuẩn bị. Hơn nữa, tác động của dịch Covid-19 và bất ổn chính trị trong khu vực và thế giới cũng ảnh hưởng công tác sắp xếp lại doanh nghiệp trong thời gian qua.

Về mặt chủ quan có nguyên nhân từ khâu thực thi các văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống văn bản về cổ phần hóa, thoái vốn gần đây đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nhất là các vấn đề liên quan đến định giá quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển, kiểm kê xử lý tài sản chuyên ngành.

Ngoài ra, những nguyên nhân khác cũng được nhận diện là, việc xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định còn chậm; một số địa phương chưa kiên quyết thu hồi, xử lý đất đai của doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích, không đúng quy hoạch... Tại không ít doanh nghiệp hiện nay còn có tình trạng quản lý, sử dụng đất chưa hiệu quả, hồ sơ pháp lý về đất chưa được hoàn thiện theo quy định, thậm chí có tâm lý giữ lại toàn bộ diện tích đất đai như trước để khai thác mặc dù chưa đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...

Có thể nói, điểm nghẽn lớn nhất trong tiến trình cổ phần hóa chính là vướng mắc về vấn đề đất đai. Trong thực tế, có những doanh nghiệp thực hiện không nghiêm việc sắp xếp lại nhà đất nhưng cũng có nhiều trường hợp muốn làm cũng không được vì hồ sơ pháp lý đất đai không đầy đủ, đất có tranh chấp, không có căn cứ xác định giá trị đất để tính vào giá trị doanh nghiệp sát với giá thị trường. Vì những lý do này, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước rất chậm nhưng chưa có người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm trong việc chậm trễ thực hiện nhiệm vụ được giao.

Để gỡ nút thắt, Bộ Tài chính đang xem xét, cân nhắc các kiến nghị về việc loại đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Trong thực tế, những bất cập trong công tác xác định giá trị sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa không chỉ là lỗ hổng để những kẻ cơ hội trục lợi từ đất, gây thất thoát tài sản nhà nước mà còn là lực cản khiến những người chính trực không dám làm vì sợ sai. Phương án này nếu thực hiện sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Đây là vấn đề cần nhận diện một cách chính xác, đúng cốt lõi để tham mưu Chính phủ sửa đổi nhất quán về mặt luật pháp.