Hiện nay, nếu đi từ Hà Nội tới Cao Bằng thì đi theo cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, lên Bắc Kạn rồi đi theo quốc lộ 3 là cung đường ngắn nhất, với chiều dài khoảng hơn 220 km. Từ thành phố Bắc Kạn trở đi là tuyến độc đạo qua các huyện khó khăn là Bạch Thông, Ngân Sơn (Bắc Kạn) và một số huyện nghèo của tỉnh Cao Bằng. Quốc lộ 3 là trục xương sống quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của hai tỉnh và vùng Đông Bắc. Đây còn là trục hành lang kinh tế quan trọng Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội và là tuyến giao thông kết nối từ các tỉnh: Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quảng Tây (Trung Quốc) qua Cao Bằng về Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội.
Theo Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn, những năm gần đây, tuyến Quốc lộ 3 đã được đầu tư nâng cấp nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật còn thấp, mặt đường nhỏ hẹp, quanh co, nhiều đèo cao nguy hiểm, tốc độ xe chạy trung bình khoảng 40 km/giờ. Các loại xe tải trọng lớn, đặc biệt là xe đầu kéo lưu thông khó khăn nên thường xuyên xảy ra tai nạn và ách tắc giao thông cục bộ. Đoạn từ thành phố Bắc Kạn đi Cao Bằng hiện còn có bốn con đèo nổi tiếng cả nước về độ dài, dốc, cua, nguy hiểm, là thách thức với các tài xế là đèo Gió, đèo Giàng (Bắc Kạn) và đèo Cao Bắc, đèo Tài Hồ Sìn (Cao Bằng) thường xuyên xảy ra tai nạn.
Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Bắc Kạn cho thấy, từ năm 2020 tới nay, trên đoạn tuyến từ Bắc Kạn tới đầu tỉnh Cao Bằng đã xảy ra gần 20 vụ tai nạn giao thông. Trong đó, có những vụ gây chết người, còn việc va quệt trong khúc cua, bị lật là tình trạng thường xuyên diễn ra. Khó khăn này là nguyên nhân chính dẫn tới phát triển kinh tế-xã hội của Bắc Kạn chuyển biến chậm, khả năng thu hút vốn đầu tư còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong đó, Ngân Sơn vẫn là một trong những huyện nghèo nhất nước, chưa có mạng lưới giao thông kết nối đồng bộ để phát triển.
Anh Phan Văn Tố ở xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) cho biết, xã ở cuối tỉnh Bắc Kạn, đầu Cao Bằng nhưng lưu thông hàng hóa về bên nào cũng đều khó khăn. Người dân muốn đi khám, chữa bệnh ở tỉnh hay lên tuyến trên đều rất vất vả do đường nhỏ, hẹp, cua gấp. Anh nói: “Chúng tôi rất mong mỏi Nhà nước sớm quan tâm đầu tư xây dựng mở rộng, rút ngắn thời gian, bảo đảm an toàn lưu thông trên tuyến đường này”.
Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng (CT.07) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021. Tuy nhiên, đoạn tuyến từ thành phố Bắc Kạn đến Cao Bằng đến nay chưa được đầu tư nên hạ tầng giao thông kết nối liên vùng chưa hoàn thiện, làm hạn chế khả năng phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, do đó đời sống nhân dân của hai tỉnh còn nhiều khó khăn. Khó khăn này đã kéo dài vài chục năm qua nhưng vẫn chưa thể giải quyết do Bắc Kạn và Cao Bằng là tỉnh nghèo, không có nguồn lực đầu tư
Quyết tâm khơi mở, đưa tuyến đường trở thành động lực chính, đáp ứng khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc vùng chiến khu Việt Bắc nói chung và hai tỉnh nói riêng, Bắc Kạn và Cao Bằng đã cùng bàn bạc, thảo luận tìm hướng tháo gỡ.
Tháng 10/2021, tỉnh Bắc Kạn đã kiến nghị Trung ương ủng hộ chủ trương đầu tư và xem xét bố trí nguồn vốn ODA, ngân sách Trung ương và các nguồn vốn khác để đầu tư đoạn tuyến tốc độ cao từ thành phố Bắc Kạn đến thành phố Cao Bằng trong giai đoạn 2021 – 2025, với tổng chiều dài khoảng 90 km, quy mô 4 làn xe.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn, Đinh Quang Tuyên cho biết, việc xây dựng cao tốc là khó khăn do qua khảo sát, đánh giá sơ bộ cần số vốn đầu tư lên tới gần 15.000 tỷ đồng. Vì vậy, Bắc Kạn kiến nghị Trung ương đầu tư đường tốc độ cao, tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng, tổng mức đầu tư dự kiến 9.600 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 600 tỷ đồng do hai tỉnh tự bố trí ngân sách.
Hướng tuyến bám theo quy hoạch đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng (CT.07) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc bảo đảm hướng tuyến là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của hai tỉnh và thuận lợi cho nâng lên thành cao tốc trong giai đoạn sau. Nếu được đầu tư, đây sẽ là cơ hội để hai tỉnh đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn khi có những khu du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực trong thời gian tới, như: An toàn khu Chợ Đồn, Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Pắc Bó, Bản Giốc, rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng)... Đồng thời là động lực phát triển các huyện nghèo, liên kết vùng Đông Bắc với Tây Bắc, mở rộng xuất, nhập khẩu sang và từ Trung Quốc, đón khách từ nước bạn tới tham quan, du lịch.