Tháo gỡ bế tắc trong tiến trình hòa bình Trung Ðông

Cộng đồng quốc tế đã nỗ lực nhằm duy trì lệnh ngừng bắn ở dải Gaza (Ga-da), đồng thời tăng cường hoạt động tái thiết vùng lãnh thổ của Palestine (Pa-le-xtin) sau cuộc xung đột đẫm máu 11 ngày vào tháng 5 vừa qua. Mỹ, Ai Cập cùng các nước khác trong khu vực cam kết thúc đẩy nối lại cuộc đàm phán bị đình trệ nhiều năm qua giữa Israel (I-xra-en) và Palestine.

Ai Cập đưa hàng cứu trợ tới dải Gaza. Ảnh EGYPT TODAY
Ai Cập đưa hàng cứu trợ tới dải Gaza. Ảnh EGYPT TODAY

Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập S.Shoukry (X.Su-cri) đã có cuộc thảo luận với người đồng cấp Israel G.Ashkenazi (G.A-ske-na-di) tại Cairo (Cai-rô) và hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp nhằm tìm cách phá vỡ thế bế tắc hiện nay của tiến trình hòa bình Trung Ðông. Cuộc gặp diễn ra một tuần sau khi Israel và Phong trào Hamas (Ha-mát) kiểm soát dải Gaza của Palestine nhất trí một lệnh ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã khiến hơn 200 người chết. Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tình báo Ai Cập (GIS) A.Kamel (A.Ca-men) dẫn đầu một phái đoàn an ninh tới Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine để thảo luận về những biện pháp củng cố lệnh ngừng bắn. Ông Kamel chuyển thông điệp của Tổng thống Ai Cập A.Sisi (A.Xi-xi) tới Tổng thống Palestine M.Abbas (M.Áp-bát), trong đó khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của Cairo đối với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của người dân Palestine.

Xung đột giữa Israel và Palestine trở nên căng thẳng khi Israel tìm cách trục xuất các gia đình Palestine khỏi khu dân cư gần Thành cổ ở Jerusalem (Giê-ru-xa-lem). Các nhóm vũ trang Palestine ở dải Gaza, trong đó có Phong trào Hamas, đã nã hàng nghìn quả rocket vào lãnh thổ Israel. Ðáp trả, quân đội Israel tiến hành hàng loạt cuộc không kích vào dải Gaza, tàn phá nghiêm trọng cơ sở hạ tầng ở vùng lãnh thổ này, khiến nhiều người mất nhà ở, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Dưới nỗ lực trung gian của cộng đồng quốc tế, trong đó đi đầu là Ai Cập và Qatar (Ca-ta), sau 11 ngày giao tranh căng thẳng, Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Các nhà trung gian hòa giải đang thúc đẩy đàm phán với các bên xung đột để kéo dài thỏa thuận ngừng bắn, coi đây là cơ hội nhằm nối lại đàm phán Israel - Palestine.

Với cam kết đưa Mỹ trở lại vai trò trung gian trong tiến trình hòa bình Trung Ðông, chính quyền của Tổng thống J.Biden (G.Bai-đơn) đã có hàng loạt động thái giúp giảm căng thẳng ở Gaza cũng như viện trợ cho vùng lãnh thổ Palestine này. Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc, điện đàm với lãnh đạo hàng đầu của Israel, Palestine và cả đối tác ở Trung Ðông. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ A.Blinken (A.Blinh-ken) đã có chuyến công du bốn ngày tới Trung Ðông, với các điểm dừng chân là Israel, Palestine, Ai Cập và Jordan (Gioóc-đa-ni), nhằm củng cố lệnh ngừng bắn ở Gaza. Ông Blinken đảm nhiệm sứ mệnh khẳng định cam kết vững chắc của Washington (Oa-sinh-tơn) đối với an ninh của Israel, đồng thời chuyển thông điệp nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng lại quan hệ cũng như dành sự ủng hộ đối với người dân và lãnh đạo Palestine sau nhiều năm mối quan hệ Mỹ - Palestine xấu đi dưới thời cựu Tổng thống D.Trump (Ð.Trăm). Tổng thống Biden khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với giải pháp hai nhà nước, coi đây là cách duy nhất mang lại hy vọng cho người dân Israel và Palestine được sống trong môi trường bình đẳng về điều kiện an ninh, hòa bình.

Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế, là đồng minh chiến lược của Israel, Mỹ vẫn phải bảo đảm lợi ích của đồng minh. Tổng thống Biden cần phải có thêm các động thái nhằm cải thiện quan hệ của Mỹ với Palestine. Thỏa thuận ngừng bắn tạo điều kiện thuận lợi hơn, song chưa đủ để đưa Israel và Palestine trở lại đàm phán. Những nỗ lực ngoại giao ở cấp độ quốc tế và khu vực cần được thúc đẩy hơn nữa nhằm đạt được giải pháp hai nhà nước, hướng tới thành lập nhà nước Palestine độc lập, với thủ đô Ðông Jerusalem, cùng chung sống hòa bình với nhà nước Israel trên cơ sở đường biên giới trước năm 1967.