Thành phố Hồ Chí Minh: Khoa học và công nghệ là động lực phát triển kinh tế-xã hội

NDO - Đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 40% trong GRDP của thành phố, tỷ trọng đóng góp vào TFP đạt từ 50% trở lên, chi đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt bình quân hơn 1%/GRDP trở lên…
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Ngày 30/9, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố có những bước tiến rõ rệt, từng bước khẳng định vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ có tính đột phá trên nhiều lĩnh vực.

Thành quả đó là cơ sở quan trọng góp phần nâng cao chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn ở mức cao (giai đoạn 2011-2021 đạt trung bình 35,62%), trong đó đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng TFP là 74%. Cũng trong giai đoạn này, năng suất lao động xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn 2,7 lần so cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so cả nước...

Hiện, trên địa bàn thành phố có 236 tổ chức khoa học và công nghệ; 109 trường đại học, cao đẳng; 279 phòng thí nghiệm về các lĩnh vực hóa học, sinh học, xây dựng, y tế, cơ, dược, điện-điện tử; 21.210 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Thông qua các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học đã hình thành hơn 135 nhóm nghiên cứu mạnh.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu, chế độ, chính sách để thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển còn bất cập, hạn chế, chưa đầu tư thích đáng cho hoạt động sáng tạo; còn thiếu những chuyên gia đầu ngành, nhất là trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, công nghệ vi mạch, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo…

Thành phố Hồ Chí Minh: Khoa học và công nghệ là động lực phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1

Trưng bày các sản phẩm khoa học công nghệ tại Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; thiếu sự liên kết phối hợp trong đào tạo, xây dựng môi trường sinh thái cho giảng dạy, nghiên cứu, đưa ý tưởng vào sản xuất, kinh doanh. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đồng bộ và chặt chẽ...

Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tầm nhìn đến năm 2030 xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò “đầu tàu” về kinh tế, đi đầu trong đổi mới sáng tạo.

Theo đó, đến năm 2030, phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 40% trong GRDP của thành phố, tỷ trọng đóng góp vào TFP đạt từ 50% trở lên, chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân hơn 1%/GRDP trở lên (trong đó chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm từ 65% trở lên); tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm trở lên.

Đến năm 2030, có 5 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp, tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt hơn 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước; số lượng công bố quốc tế tăng khoảng 2 lần so năm 2020…