Thành lập phân hiệu Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Bộ Giáo dục và Ðào tạo phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo về việc thành lập phân hiệu Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai.
0:00 / 0:00
0:00

Phân hiệu này được thành lập sẽ mở ra nhiều cơ hội học tập mới cho thế hệ trẻ địa phương, đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên và phát triển nguồn nhân lực tại khu vực Tây Nguyên.

Năm 2025, Phân hiệu sẽ tập trung tuyển sinh và đào tạo các ngành sư phạm trọng điểm như: Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Sư phạm khoa học tự nhiên, Sư phạm khoa học xã hội. Phân hiệu cũng sẽ đồng hành cùng tỉnh Gia Lai, vùng Tây Nguyên trong việc bồi dưỡng, phát triển năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếng dân tộc, ngoại ngữ.

Đắk Lắk thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2025-2030

Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 229/KH-UBND thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030. Kế hoạch đề ra các nội dung gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội; đề xuất, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế. Các chương trình cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk đến năm 2030, bao gồm 10 lĩnh vực liên quan mật thiết đến văn hóa.

Đắk Nông tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng

Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Nông vừa ban hành văn bản yêu cầu các ngành chức năng, đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng dịp lễ, Tết. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Nông yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai các hoạt động quản lý Nhà nước về lâm nghiệp; đề xuất, xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật nếu để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng; chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường lực lượng tại các "điểm nóng" có nguy cơ cao phá rừng tại các huyện Ðắk Glong, Tuy Ðức, Ðắk Song và thành phố Gia Nghĩa.

Lực lượng Kiểm lâm, quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị được giao đất, giao rừng thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm bảo vệ rừng; tăng cường phối hợp liên ngành tuần tra, kiểm soát trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 theo phương châm "4 tại chỗ". Các đơn vị chủ rừng xây dựng, thực hiện hiệu quả kế hoạch bảo vệ và phòng, chống cháy rừng trước, trong và sau Tết.

Công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội tỉnh Kon Tum năm 2024

Cục Thống kê tỉnh Kon Tum vừa công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội tỉnh Kon Tum năm 2024. Theo đó, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu quan trọng có mức tăng cao.

So với cùng kỳ năm trước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 8,02%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước khoảng 4.425 tỷ đồng (tăng 31,24%); tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 12.554 tỷ đồng (tăng 32,53%); vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn theo giá hiện hành ước đạt 27.560 tỷ đồng (tăng 18,58%); Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,08%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 39.270 tỷ đồng (tăng gần 15%)...

Cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, kinh tế số, xã hội số được chú trọng phát triển; công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp được triển khai quyết liệt; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại được mở rộng...

Lâm Đồng xây dựng chiến lược phát triển bền vững ngành hoa

Hiệp hội Hoa Ðà Lạt vừa phối hợp ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Ðồng tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp về dự thảo Chiến lược phát triển bền vững ngành hoa tỉnh Lâm Ðồng giai đoạn 2024-2030, định hướng đến 2050. Mục tiêu của chiến lược là đưa ngành hoa trở thành ngành hàng sản xuất hàng hóa thương mại giá trị cao, bền vững với chuỗi giá trị hội nhập khu vực và quốc tế; hình thành trung tâm sản xuất hoa hàng đầu khu vực Ðông Nam Á.

Theo dự thảo chiến lược, đến năm 2030, quy mô vùng sản xuất hoa, sản lượng hoa toàn tỉnh đạt 5,4 tỷ cành và 0,5 tỷ chậu hoa; giá trị sản xuất ngành hoa đạt hơn 15 nghìn tỷ đồng; giá trị thu hoạch bình quân đạt hơn 3,7 tỷ đồng/ha; kim ngạch xuất khẩu hoa đạt hơn 217 triệu USD. Ðịnh hướng đến 2050, ngành hoa trở thành chuỗi giá trị ngành hàng bền vững mang tầm quốc tế. Hiện toàn tỉnh Lâm Ðồng có gần 10.800 ha hoa, sản lượng hơn 4,4 tỷ cành, 400 giống hoa các loại; tỷ lệ xuất khẩu hơn 11% sản lượng.