Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng

Thanh Hóa thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo khu vực miền núi

* Bạc Liêu quy hoạch, đào tạo cán bộ dự nguồn

Sau một năm thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi, đời sống kinh tế - xã hội ở 196 xã, thị trấn miền núi tỉnh Thanh Hóa chuyển biến rõ nét.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho lao động nữ tại địa phương. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho lao động nữ tại địa phương. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG

Thời gian tới, Thanh Hóa chỉ đạo UBND các huyện, sở, ban, ngành tiếp tục rà soát, phân loại hộ nghèo, xác định nguyên nhân nghèo, đối tượng nghèo để có giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, già làng, trưởng bản, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nghèo...

Ban Thường vụ các huyện ủy, tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lấy thôn, bản làm địa bàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; lựa chọn nội dung trọng tâm, giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới ở miền núi một cách đồng bộ, phù hợp với tình hình địa phương. Ban Thường vụ các huyện ủy miền xuôi và miền núi ký kết chương trình hợp tác, xác định nội dung hợp tác, kết nghĩa sát với thực tế, có tính khả thi cao, trong đó ưu tiên giúp đỡ miền núi về kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, đào tạo nghề, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tìm kiếm thị trường, xuất khẩu lao động; hướng dẫn kỹ năng lao động, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm nông, lâm sản.

* Hai năm qua, Tỉnh ủy Bạc Liêu bố trí 300 trí thức trẻ về công tác tại cơ sở để tạo nguồn cán bộ. Hầu hết số trí thức trẻ này đều phát huy năng lực, nhiệt tình công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ.100 trí thức trẻ được kết nạp Đảng, chín người được cơ cấu vào cấp ủy, tám người là Phó Chủ tịch HĐND, UBND cấp cơ sở. Qua đó, tỉnh đã lựa chọn hơn 100 cán bộ trẻ có triển vọng để đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đồng thời lựa chọn 50 cán bộ có trình độ đại học, sau đại học để đào tạo chuyên sâu làm chuyên gia trên các lĩnh vực, các ngành quan trọng của tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; luân chuyển và bố trí, sắp xếp cán bộ cấp tỉnh theo quy hoạch nhiệm kỳ 2015 - 2020. Theo đó, 88 cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 -2020; trong đó, cán bộ nữ chiếm 11,36%. Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2015, tất cả cán bộ trong quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có trình độ chuyên môn đại học, 20% có trình độ sau đại học.