Mỗi xã một sản phẩm
Làng nghề chế biến hải sản truyền thống Khúc Phụ, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa đang thiết kế tour mua sắm, các điểm giới thiệu sản phẩm ở Khu du lịch Hải Tiến và quảng bá sản phẩm trên internet. Đi đôi bảo lưu, nghiên cứu ứng dụng nâng cao chất lượng nước mắm Khúc Phụ, phát triển đa dạng sản phẩm làng nghề truyền thống, người dân địa phương năng động tiếp thị, đưa hải sản chế biến sâu vươn tới nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Trong đó, nước mắm, mắm tôm, mắm tép của Công ty TNHH Thực phẩm - Thương mại - Dịch vụ Lê Gia, sản phẩm của làng nghề Khúc Phụ được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ ở Hà Nội. Các thành viên của Lê Gia, người ứng dụng kiến thức đại học vào hoạt động thực tiễn, người dày dạn kinh nghiệm bí truyền, người lo mua hải sản, tổ chức chế biến sâu, mở rộng kênh phân phố sản phẩm đã thiết thực góp phần bảo lưu, phát triển sản phẩm truyền thống, nâng tầm thương hiệu Việt. Cùng với sản phẩm của Lê Gia, rượu Chi-nê của Công ty CP Thương mại Hậu Lộc, bánh gai Lâm Thắm, kẹo lạc sìu, kẹo gạo lức Đức Giang (Thọ Xuân), tinh dầu Sả (Thạch Thành), rượu Sâm Báo (Vĩnh Lộc)… cùng nhiều sản phẩm được Hội đồng thẩm định OCOP đánh giá cao, xếp hạng sao.
Đi đôi với chung sức, đồng lòng xây dựng NTM, thời gian qua nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa triển khai, dần nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm. Các địa phương lựa chọn sản phẩm lợi thế, đặc trưng, hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tiệm cận tiêu chí OCOP. Cùng các nghệ nhân giữ lửa, truyền nghề, nhiều thanh niên có trình độ đại học chọn hướng lập nghiệp, hành nghề tại quê nhà, say mê nghiên cứu, tổ chức sản xuất các sản phẩm OCOP hoặc chủ động tìm hướng tiếp cận thị trường, mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Từ xã Đông Văn, huyện Đông Sơn có tới 400 hộ gia đình vươn tới các tỉnh, thành phố trong cả nước làm nghề lát đá nền, đá trang trí nhà ở, công trình công cộng gắn với giới thiệu, bán sản phẩm, phát huy nghề đá truyền thống Đông Sơn, trong đó riêng ở tỉnh Lạng Sơn có 20 hộ kinh doanh đá lát, đá trang trí, tạo việc làm, thu nhập cao cho tám lao động/hộ. Thôn Văn Châu tiếp tục duy trì, phát triển nghề làm bánh tráng, miến truyền thống, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến kỹ thuật, sản xuất đa dạng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Tốt nghiệp Đại học kinh tế kỹ thuật công nghiệp, thanh niên Nguyễn Huy Thảo say mê nghiên cứu, chế tạo thành công máy sấy các loại bánh tráng truyền thống bằng điện năng, tản nhiệt đều; tiếp thu kinh nghiệm của các nghệ nhân ở thôn Bố Vệ, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa ứng dụng vào sản xuất, gây dựng lại thương hiệu bánh đa nem truyền thống. Tổ chức sản xuất theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, tạo việc làm, thu nhập để tái đầu tư, Thảo từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất nên lũy kế cơ sở sản xuất có tổng giá trị tài sản khoảng hai tỷ đồng.
Công nghệ sấy tản nhiệt do Thảo nghiên cứu, chế tạo thành công làm tăng năng lực chế biến lên sáu tấn gạo/ngày, duy trì hoạt động quanh năm, kể cả trong những đợt mưa dài ngày, bảo đảm sản lượng cung ứng sản phẩm cho năm đại lý phân phối trong tỉnh. Ngoài bánh ướt được nhiều khách hàng ưu chuộng, các sản phẩm bánh chả, bánh đa nem cao cấp An Chi, tráng tráng, bánh đa khô từ cơ sở sản xuất do thanh niên Nguyễn Huy Thảo làm chủ đã vươn tới các tỉnh: Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Quảng Ninh, đạt lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập năm triệu đồng/người/tháng.
Hoạt động điều phối chương trình mỗi xã một sản phẩm thiết thực hỗ trợ, phát triển các nghề truyền thống, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, lao động sáng tạo, du nhập, phát triển thêm ngành nghề mới trong nông thôn ở Thanh Hóa. Nhiều địa phương lựa chọn, phát huy sản phẩm lợi thế, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa chủ lực, tăng thêm nguồn lực nội sinh trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Chín tháng đầu năm nay có thêm 29 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh nên gần hai năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Thanh Hóa đã có 42 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Dự kiến hết năm 2020, Thanh Hóa có hơn 60 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hiện sản phẩm nước mắn và mắm tôm Lê Gia được tiến cử xem xét, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.
Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới
Về Phú Lộc đã đạt chuẩn xã NTM nâng cao ở huyện Hậu Lộc chúng tôi ghi nhận việc quan tâm, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã phát huy tốt vai trò “bà đỡ”, cầu nối của kinh tế tập thể trong đồng hành cùng nông dân sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Ban Giám đốc HTX năng động tìm kiếm đối tác, liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, bao tiêu các loại nông sản, rau màu cao cấp cho nông dân nên vụ đông thực sự là vụ sản xuất chính, đem lại thu nhập cao cho nông hộ.
Toàn xã có 200 ha đất màu, trong đó có tới 180 ha chuyên sản xuất các loại rau, củ quả như khoai tây, ớt, dưa bao tử, rau cải bó xôi cho thu nhập bình quân 195 triệu đồng/ha. HTX ký hợp đồng với bốn doanh nghiệp đầu tư ứng trước giống, phân bón, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật thâm canh rau an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, cam kết thu mua sản phẩm cho nông dân nên một số diện tích thâm canh rau, màu xuất khẩu cho thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng/ha. Đảm nhiệm sáu khâu dịch vụ, HTX đạt doanh thu 25 tỷ đồng/năm, trong đó liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất rau sạch cho doanh thu tới 10 tỷ đồng/năm.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc Nguyễn Thị Liên thông tin thêm: Tăng cường liên kết, hợp tác sản xuất nông sản hàng hóa, các địa phương, HTX trong huyện Hậu Lộc đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp phát triển sâu rộng chuỗi liên kết, cùng đầu tư sản xuất, bao tiêu nông sản trồng trên hơn 1.000 ha canh tác. Thu nhập từ mỗi ha liên kết sản xuất nông sản đã đạt từ 300 đến 500 triệu đồng/năm, cá biệt diện tích luân canh bốn vụ rau, màu cho thu nhập từ 800 đến 900 triệu đồng/ha. Huyện tiếp tục hỗ trợ, thắt chặt phương thức hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất rau màu cao cấp; phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo thêm nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, nâng cao chất lượng phong trào NTM.
Được biết, Thanh Hóa là nơi xuất hiện mô hình, tiến tới xây dựng, nhân rộng thôn, bản NTM, tạo tiền đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cao chất lượng xã NTM, thôn, bản NTM kiểu mẫu. Từ thôn Tôm, xã Ban Công, huyện miền núi Bá Thước khởi phát xây dựng thôn NTM vào năm 2014, phong trào xây dựng thôn, bản NTM kiểu mẫu được nhân rộng ra toàn tỉnh. Thôn Én Giang, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương sớm hoàn thành thôn NTM, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong thôn ngày càng được nâng cao.
Dù vậy, nhiều tuyến mương tiêu thoát nước được xây dựng kiên cố nhưng chưa có nắp đậy, cảnh quan môi trường trong thôn chưa có nhiều cây xanh, đường hoa, tường xanh. Cụ thể hóa Nghị quyết xây dựng thôn NTM mới kiểu mẫu của xã Quảng Hợp, cấp ủy, chính quyền thôn đưa ra dân bàn bạc, chỉ rõ những phần việc “không cần tiền”, chỉ chung sức, đồng lòng, nỗ lực thực hiện là đạt; đồng thời thống nhất các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, công khai, tạo đồng thuận từ nhận thức đến hành động xây dựng thôn NTM kiểu mẫu.
Thôn cùng nông hộ đã liên kết Công ty Hùng Thịnh sản suất, tiêu thụ nông sản, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người lên 70 triệu đồng/năm. Nhân dân hiến đất mở rộng, kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng tường rào hoa, trồng cây leo xanh gắn với cho sản phẩm thu hoạch; tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; đầu tư trang thiết bị, nâng cấp nhà văn hóa thôn đạt chuẩn; 69% số hộ trong thôn được cung ứng nước sạch từ cơ sở xử lý nước tập trung… Cán bộ, nhân dân thôn Én Giang đang nỗ lực thực hiện, phấn đấu đạt 14 tiêu chí, được công nhận thôn NTM kiểu mẫu cuối năm nay.
Ở xã Quảng Hợp nói riêng và huyện huyện Quảng Xương nói chung sau ngày được công nhận đạt chuẩn NTM, cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương tiếp tục thực thi đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng phong trào xây dựng NTM, nhân rộng thôn NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao.
Tại xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, nhiều cán bộ đảng viên đề cao trách nhiệm nêu gương, tiên phong hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng tường rào thoáng, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, thúc đẩy quần chúng noi theo, chung tay, góp sức xây dựng NTM nâng cao.
Ông Trần Minh Hội “miệng nói, tay làm”, trợ giúp hộ khó khăn hơn mua vật liệu kè ao, mở rộng đường giao thông, xây tường hoa, trang bị ghế đá cho cộng đồng cùng sử dụng, xây dựng vườn mẫu, nhất là thực hành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi” trong xây dựng nhà văn hóa, các hạng mục vật chất hạ tầng thôn.
Ông cùng các thành viên ban chỉ đạo đến tận gia đình phân tích rõ bổn phận, trách nhiệm của con cháu trong chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ nên 60 hộ người cao tuổi trong thôn đã “thoát nghèo”, thắt chặt truyền thống, đạo lý của gia đình nhiều thế hệ. Các tổ an ninh xã hội trong thôn cũng được kiện toàn trên nguyên tắc tự nguyện, cộng đồng trách nhiệm, cùng trợ giúp nhau trong sản xuất, sinh hoạt, thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Nhân dân thôn Văn Bắc vừa tự nguyện hiến hơn 700 m2 đất mở rộng đường nội thôn, cải tạo, xây dựng tường hoa, nhân rộng mô hình vườn mẫu.
Phó Chủ tịch UBND xã Đông Văn, Lê Doãn Anh trao đổi: Sau khi được công nhận xã NTM vào năm 2013, Đông Văn tập trung chỉ đạo, điều hành nâng cao tiêu chí NTM, nhân rộng thôn NTM kiểu mẫu. Cùng với việc kiện toàn ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, Đông Văn giao nhiệm vụ cho mỗi tổ chức đoàn thể lựa chọn nội dung, đăng ký tổ chức thực hiện những phần việc cụ thể.
Theo đó, Hội Nông dân chủ trì vận động cải tạo vườn - ao - chuồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dượng vườn mẫu gắn với bảo vệ môi trường nông thôn, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ vốn, liên kết tổ chức dạy nghề nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, trình độ tay nghề, xây dựng người nông dân văn hoá, tăng thêm hộ nông dân khá giả.
Hội Phụ nữ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt phong trào “năm không ba sạch”, xây dựng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt, trồng hoa thay cỏ dại bên các trục đường, thường xuyên ra quân dọn vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, vận động hội viên mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Các cựu chiến binh chủ trì vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, làm tường rào thoáng, tường rào xanh; thanh niên tham gia phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, năng động khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia đào tạo nghề, xuất khẩu lao động. Chăm lo phát triển đa dạng ngành nghề, dịch vụ, liên kết, ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của hai HTX nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất, chế biến nông sản nên thu nhập bình quân đầu người ở Đông Văn đạt hơn 69 triệu đồng/năm. Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM, Từ năm 2014 đến tháng 8-2020, Đông Văn đã huy động được gần 235 tỷ đồng nâng cao chất lượng xây dựng NTM nên đã đạt xã NTM nâng cao, đang nỗ phấn đấu đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa Trần Đức Năng nhấn mạnh: Xây dựng NTM có khởi đầu, không có điểm kết thúc và Thanh Hóa tập trung lãnh đạo, điều hành, động viên các tầng lớp nhân dân, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, xây dựng xã NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu. Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có tám huyện, 379 xã, 961 thôn, bản đạt chuẩn NTM. Với những đơn vị đã đạt chuẩn NTM đòi hỏi càng phải tập trung lãnh đạo, điều hành, củng cố, nâng cao các tiêu chí nhằm đạt chuẩn NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu.
Chín tháng đầu năm nay, có thêm bảy thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, năm xã đạt chuẩn NTM nâng cao nên lũy kế toàn tỉnh có 17 thôn NTM kiểu mẫu, bảy xã NTM nâng cao. Đi đôi với tiếp tục thực hiện chính sách thưởng động viên thôn, xã, huyện đạt chuẩn NTM, tỉnh Thanh Hóa có chính sách khen thưởng, khích lệ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu đạt thôn, bản NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Ngoài bố trí kịp thời, sử dụng hiệu quả gần 2.000 tỷ đồng nguồn Trung ương phân bổ theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm nay, các địa phương hiện nỗ lực thực thi các giải pháp đồng bộ, nhất là liên kết trong sản xuất hàng hóa, xây dựng các sản phẩm OCOP, nhằm tạo thêm nguồn lực nội sinh, xây dựng, phát triển NTM bền vững.