Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tháng 6-2010, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành đề án xây dựng NTM của tỉnh, đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ chính trị cho toàn Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong tỉnh. Theo đó, tỉnh thành lập đồng bộ hệ thống bộ máy tổ chức chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở, trong đó phân công đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban chỉ đạo; tăng cường bộ phận tham mưu giúp việc chuyên trách, chuyên nghiệp để đủ sức điều phối chương trình. Trong khi một số nội dung, vấn đề chưa có hướng dẫn hoặc còn phải chờ văn bản hướng dẫn của Trung ương, song căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương và với cách tiếp cận tự tin, sáng tạo, năm 2011, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động ban hành hướng dẫn lập quy hoạch xã NTM 3 trong 1, gồm quy định “Lấy phiếu đánh giá về sự hài lòng của người dân”, “Quy định trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiêu chí NTM”, đặc biệt là đến đầu năm 2014 đã ban hành “Bộ tiêu chí thôn bản NTM” và Thanh Hóa cũng là một trong hai tỉnh trong cả nước, từ năm 2012 đã có những xã đã đạt chuẩn NTM đầu tiên. Về huy động nguồn lực, bên cạnh triển khai nghiêm việc tiếp nhận, thụ hưởng cơ chế chính sách của Trung ương, Thanh Hóa là một trong những địa phương chủ động kiến tạo khung pháp lý và sớm ban hành cơ chế chính sách riêng trong xây dựng NTM như: Để lại tiền thu từ chuyển quyền sử dụng đất, hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình, hỗ trợ phát triển mô hình phát triển sản xuất, thưởng thôn, bản, xã, huyện đạt chuẩn NTM, trong đó, một mặt quy định mức hỗ trợ cụ thể từ ngân sách tỉnh cho thôn, xã và huyện, mặt khác đã định hướng về quyền chủ động ban hành cơ chế chính sách, huy động nguồn lực của các địa phương cấp huyện, xã. Chính vì thế, trong gần 10 năm qua, tỉnh đã huy động được hơn 56.394 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Cùng với nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, các địa phương đã chủ động khai thác, huy động các nguồn nội lực trong dân, như: góp công lao động, hiến đất, vật liệu, tiền; động viên người thân thành đạt tham gia chú trọng khai thác huy động các nguồn từ ngân hàng, doanh nghiệp và xã hội. Từ nguồn vốn nêu trên, cùng với cách làm hiệu quả thiết thực, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo được 13.965 km đường giao thông nông thôn, 1.944 km giao thông nội đồng, 1.274 công trình thủy lợi nhỏ, 3.892 km kênh mương nội đồng, 12.039 phòng học các cấp, 972 trạm biến áp và 7.286 km đường dây tải điện các loại, 538 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 3.431 nhà văn hóa thôn, 506 chợ nông thôn, 518 trạm y tế, 350 trụ sở xã, hơn 33.548 công trình cấp nước sinh hoạt, 1.960 công trình vệ sinh và xử lý môi trường nông thôn, xây mới và chỉnh trang hơn 176.055 nhà ở dân cư.
Chỉ đạo các xã lựa chọn những công việc mà phần lớn người dân trong thôn, bản và trong xã thấy cần tập trung làm trước; đã khuyến khích triển khai những nội dung, tiêu chí từng thôn, bản, từng hộ dân có thể tự làm được. Mặt khác, đã tập trung cao cho nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ. Chú trọng dồn đổi, tập trung ruộng đất gắn với quy hoạch đồng ruộng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến. Coi trọng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng, thúc đẩy các mối liên kết, hợp tác giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học, giữa nông dân với nông dân thông qua tổ hợp tác và hợp tác xã để tăng thu nhập cho nông dân, theo đó, riêng từ nguồn vốn trực tiếp của chương trình toàn tỉnh đã xây dựng được 1.790 mô hình sản xuất các loại.
Về lĩnh vực xã hội, đã có sự quan tâm tập trung chỉ đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để nâng cao kỹ năng tay nghề, chất lượng lao động và giải quyết việc làm theo cả hai hướng phi nông nghiệp và nông nghiệp. Đây là giải pháp đột phá, căn cơ để chuyển lực lượng lao động nông nghiệp hiện đang dư thừa sang ngành nghề khác có thu nhập cao hơn.
Cảm nhận từ người dân và tích hợp kết quả từ chương trình, điều dễ nhận thấy hiện nay là bức tranh tổng thể hay diện mạo nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã có sự đổi mới mạnh mẽ. Toàn tỉnh đã có 332 trong tổng số 569 xã đạt chuẩn NTM (bằng 58,34%), hoàn thành mục tiêu của tỉnh sớm trước một năm. Đối với cấp huyện, đã có năm huyện đạt chuẩn NTM; một thành phố, một thị xã đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Hầu hết các xã trong tỉnh đều được hưởng lợi từ chương trình xây dựng NTM, trong đó cái được lớn nhất là sự tin cậy của nhân dân, thứ hai là điều kiện, chất lượng cuộc sống và tư duy sản xuất hàng hóa của người nông dân được nâng lên rõ rệt, vai trò chủ thể của người dân nông thôn được phát huy cao cùng sự trưởng thành nhanh chóng của đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở, từ trách nhiệm, năng lực quản lý đến sự sâu sát, gần gũi với dân hơn.
Những kết quả nêu trên, cho thấy sự thành công lớn của chương trình xây dựng NTM, khẳng định tính đúng đắn, một chủ trương lớn mang tầm chiến lược, thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững; một xã hội nông thôn dân chủ, văn minh, tiến bộ; một thế hệ nông dân kiểu mới, có những tố chất tiên tiến về văn hóa, chính trị, lối sống, kỹ năng lao động, trình độ sản xuất, phương thức sản xuất; có đời sống vật chất, tinh thần nâng cao, tiến bộ, văn minh, hiện đại. Kết quả này càng thấm đậm hơn đối với một tỉnh đất rộng, người đông, thường phải chịu tổn thương lớn về thiên tai và còn bộn bề gian khó như Thanh Hóa.