Bài 1: Vì sao nông dân bỏ cây điều?
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong vòng mười năm qua, diện tích điều cả nước liên tục thu hẹp, giảm hơn 120 nghìn ha so với năm 2005. Hiện cả nước còn hơn 313 nghìn ha, với sản lượng gần 286 nghìn tấn hạt điều, chỉ đáp ứng 30% nguyên liệu trong nước.
Lợi nhuận thấp
Cách đây ba năm, thấy hơn 1 ha điều luôn cho năng suất thấp, anh Nguyễn Quốc Anh, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc (Ðồng Nai) đã chặt bỏ, chuyển sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Nhờ điều kiện đất đai phù hợp, hơn 1 ha thanh long của anh phát triển nhanh và cho thu hoạch vào năm 2013, với năng suất từ 40 đến 50 tấn/ha. Hiện, mỗi năm gia đình anh Quốc Anh thu lợi nhuận hơn 500 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với việc trồng điều. "Một héc-ta điều nếu trúng mùa cao lắm cũng chỉ cho gần hai tấn hạt, thu nhập khoảng 40 triệu đồng, chưa bằng 1/10 trồng thanh long", anh Quốc Anh cho biết. Còn ông Nguyễn Ðình Tâm, ở xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc nói: "Cây điều cho năng suất cao thì thu về cũng chỉ hơn 30 triệu đồng/ha. Còn trồng thanh long, sầu riêng chỉ cần trúng một năm thì đã bằng mười năm trồng điều, cho nên tôi phá 5 ha điều để trồng thanh long ruột đỏ và các cây trồng khác".
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ôngNguyễn Anh Tuấn, chủ một trong những vườn điều lớn và hiệu quả nhất của huyện Xuyên Mộc, cho biết, gia đình ông đã chuyển hai trong số bảy héc-ta điều sang trồng tiêu. "Với 2 ha tiêu cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng, trong khi cả bảy ha điều, mỗi năm cũng chỉ thu được 200 triệu đồng", ông Tuấn tâm sự. Ngay tại Bình Phước, địa phương có diện tích điều lớn nhất cả nước, với khoảng 150 nghìn ha, tình trạng người nông dân bỏ điều để trồng các loại cây trồng khác cũng diễn ra với tốc độ khá nhanh. Nếu năm 2008, diện tích điều của Bình Phước đạt gần 160 nghìn ha, thì nay chỉ còn chưa đến 140 nghìn ha.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðồng Nai Phạm Minh Ðạo cho biết: "Diện tích điều trong những năm tới khó giữ vững khi lợi nhuận từ trồng điều thấp nhất so với các cây trồng khác. Hiện bình quân 1 ha điều trên địa bàn Ðồng Nai chỉ đạt 20 triệu đồng/năm, trừ chi phí, lợi nhuận chỉ còn khoảng sáu triệu đồng, so với cây tiêu, cà-phê, sầu riêng, thanh long... lợi nhuận của cây điều chưa bằng 10%".
Bình quân trong sáu năm, từ 2006 đến 2011, 1 ha điều ở khu vực Nam Trung Bộ cho thu nhập mỗi năm hơn năm triệu đồng, trừ chi phí, người nông dân thu về mỗi năm chỉ hơn một triệu đồng trên 1 ha; Tây Nguyên thu nhập gần 8,8 triệu đồng; lãi thu về hơn 5,5 triệu đồng; Ðông Nam Bộ thu nhập hơn 14 triệu đồng, lãi thu về được hơn chín triệu đồng.
Ngoài nguyên nhân về giá cả bấp bênh, năng suất điều thấp cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thu nhập của người trồng điều không cao. Nếu năm 2005, năng suất điều bình quân cả nước là 1,1 tấn/ha thì năm 2008 tụt xuống còn 0,96 tấn/ha, năm 2013 giảm xuống chỉ còn 0,94 tấn/ha.
Liên kết lỏng lẻo
Với 465 cơ sở, công suất thiết kế một triệu tấn/năm, công nghiệp chế biến hạt điều Việt Nam được xem đã tạo bước đột phá, đứng thứ hai trên thế giới sau Ấn Ðộ và dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều liên tục trong tám năm qua. Năm 2013, xuất khẩu 264 nghìn tấn nhân điều, kim ngạch đạt hơn 1,66 tỷ USD, giá bình quân xuất khẩu hơn sáu nghìn USD/tấn (cao gấp ba lần cà-phê, 15 lần so với gạo), nhưng nghịch lý, phần lớn người nông dân vẫn không "sống nổi" bằng cây điều. Hiện sản lượng điều chỉ đáp ứng được 30% nguyên liệu trong nước, do đó, buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu hạt điều nguyên liệu với số lượng lớn và ngày càng tăng.
Năm 2005, cả nước chỉ nhập 80 nghìn tấn hạt điều nguyên liệu, với kim ngạch nhập khẩu 62,76 triệu USD, thì đến năm 2010, nước ta nhập 400 nghìn tấn, với kim ngạch 450 triệu USD. Năm 2013, nhập 651 nghìn tấn với kim ngạch lên đến 612 triệu USD, đứng thứ hai thế giới về nhập khẩu hạt điều.
Ðiều này cho thấy, cán cân giữa nguyên liệu điều trong nước và nhập khẩu đang mất cân bằng nghiêm trọng mà nguyên nhân là do liên kết "bốn nhà" chưa được hình thành để tạo thành chuỗi liên kết bền vững, cùng có lợi.
Trong lúc nhà nông luôn "đơn độc" gánh mọi rủi ro, thì doanh nghiệp kinh doanh, chế biến lại bàng quan, thiếu hỗ trợ, khiến giá điều lên xuống bấp bênh, nguyên liệu sản xuất lúc thừa, lúc thiếu. Năm nay (2014), giá điều đầu vụ 22 đến 23 nghìn đồng/kg, sau đó giảm xuống còn 19 đến 20 nghìn đồng/kg, ở vùng sâu, vùng xa chỉ còn 17 nghìn đồng/kg, người nông dân thu không đủ chi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thu mua chế biến chỉ hoạt động thương mại thuần túy và chủ yếu là chế biến thô, sản phẩm "chế biến sâu" có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 5% trong cơ cấu sản phẩm, cho nên lợi nhuận thấp, tiềm lực tài chính không đủ mạnh để tái đầu tư cho nông dân. Nhà nước thì chưa có được một chiến lược "dài hơi", cụ thể, làm đòn bẩy, gắn kết giữa người nông dân với doanh nghiệp.
Thực tế, đầu ra cho hạt điều không thiếu. Và về lâu dài, nguyên liệu nhập khẩu sẽ khó khăn hơn vì các nước xuất khẩu điều thô vào nước ta đang có kế hoạch phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Chính vì vậy, nếu không có giải pháp đồng bộ phát triển vùng nguyên liệu, ngành điều Việt Nam sẽ dần "tụt dốc".
(Còn nữa)