Tháng Thanh niên của thanh niên, vì thanh niên

Thanh niên tình nguyện dạy học cho các em ở vùng sâu, vùng xa.
Thanh niên tình nguyện dạy học cho các em ở vùng sâu, vùng xa.

Khơi dậy tiềm năng của thanh niên

Tháng Thanh niên Việt Nam, tháng ba hằng năm, được Chính phủ đồng ý triển khai chính thức từ năm 2004 đến nay là một trong những chương trình góp phần quan trọng, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Ðoàn. Ðây là thời gian thường được T.Ư Ðoàn và các tỉnh, thành đoàn xác định là đợt cao điểm phát huy và khơi dậy sức trẻ của thanh niên. Năm nay, T.Ư Ðoàn yêu cầu 100% các cơ sở đoàn phát động và triển khai thực hiện cuộc vận động: Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Việc tổ chức các hoạt động ra quân, phát động với đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia cùng cờ hoa rực rỡ... luôn là một trong những "sở trường" của tổ chức đoàn. Và chỉ tiêu này có thể sẽ được hoàn thành xuất sắc. Nhưng, quan trọng là cuộc vận động có đi vào cuộc sống, suy nghĩ và hành động của tuổi trẻ hay không? Cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi dấu ấn sâu đậm trong trái tim, tình cảm của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam. Vì vậy, để cuộc vận động thật sự có hiệu quả cao, cần có những hình thức, phương thức tuyên truyền và triển khai mới, phù hợp và sâu sắc.

Một trong những nội dung quan trọng của Tháng Thanh niên là khuyến khích các cơ sở đoàn và đoàn viên, thanh niên đăng ký đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên. Ðây là nội dung luôn "có mặt" trong hầu hết các đợt thi đua cao điểm, các phong trào lớn của tổ chức đoàn nhiều năm qua. Và cũng là một trong những hoạt động có hiệu quả cao trong việc khơi dậy và phát huy khả năng của tuổi trẻ.

Tuy nhiên, không phải tất cả các phần việc, công trình do thanh niên đảm nhận luôn được triển khai tốt và thiết thực. Tại một số nơi, để đạt chỉ tiêu đã đề ra, tổ chức đoàn đã lựa chọn một vài đường phố, một vài công trình, một vài vườn cây... để gắn biển Công trình Thanh niên. Nhưng sự chăm lo, duy trì công trình, phần việc đó sau khi được gắn biển... rất hời hợt.

Củng cố tổ chức cơ sở đoàn là một trong những nhiệm vụ được các cấp bộ đoàn triển khai liên tục trong những năm qua và tiếp tục được nhấn mạnh trong Tháng Thanh niên. Hiện nay, thực trạng hoạt động yếu kém của nhiều đoàn cơ sở từ thành phố lớn đến nông thôn, miền núi, trong các doanh nghiệp... rất cần được quan tâm kịp thời. Trước tình hình đó, chủ trương của Ban Bí thư T.Ư Ðoàn: tăng cường phối hợp Hội Cựu chiến binh, Quân đội, Công an để củng cố, giúp đỡ các cơ sở đoàn yếu kém... là hợp lý và thiết thực.

Tuy vậy, cần khắc phục hiện tượng đã tồn tại ở một số địa phương: Tổ chức thành lập chi đoàn, chi hội, đoàn cơ sở theo kiểu "làm cho xong", "lấy thành tích", còn sau đó hoạt động được hay không thì không quan tâm...

Triển khai các hoạt động của tuổi trẻ cần hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là chất lượng, thiết thực, tránh phô trương, hình thức. Vấn đề đó luôn được quán triệt thường xuyên và được các cấp bộ đoàn nhấn mạnh.

Chăm lo cho thanh niên

Một trong những nội dung rất quan trọng của Tháng Thanh niên nói riêng và công tác đoàn nói chung là huy động các nguồn lực xã hội chăm lo cho thanh niên và tạo điều kiện để tổ chức đoàn, hội nâng cao chất lượng hoạt động. Tuy vậy, trong thực tế triển khai những năm qua, cách mà các cấp ủy đảng, chính quyền tại một số địa phương quan tâm thanh niên và tổ chức đoàn chưa thật sự thiết thực, chưa có hiệu quả tốt.

Không ít các đồng chí lãnh đạo cấp ủy quan niệm: Chăm lo cho thanh niên, tạo điều kiện cho tổ chức đoàn... chủ yếu là về kinh phí, cứ cấp đủ kinh phí hoạt động là tốt rồi... Quả thật, kinh phí hoạt động luôn là vấn đề không thể thiếu được của hầu hết các cấp bộ đoàn, có kinh phí thì có hoạt động, không có kinh phí thì tổ chức đoàn gần như "trắng". Tuy nhiên, hiện nay, trong thời kỳ hội nhập toàn diện và sâu sắc của đất nước, tổ chức đoàn cần nhiều sự quan tâm và hỗ trợ khác từ cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng xã hội.

Một trong những hình thức thể hiện sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền đối với thanh niên mà kế hoạch của T.Ư Ðoàn đề ra là tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, thành phố với thanh niên.

Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng giúp các cấp ủy đảng, chính quyền nắm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các bạn trẻ, từ đó có những cơ chế, chính sách thỏa đáng, phù hợp. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng, tại các buổi gặp mặt, những câu hỏi do thanh niên đưa ra chủ yếu là do Tỉnh đoàn, Thành đoàn chuẩn bị sẵn, chứ chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu thực tế của tuổi trẻ. Ngoài ra, những vấn đề của thanh niên đặt ra trong những buổi gặp mặt như thế thường chưa được giải quyết ngay, và còn dừng lại ở những lời hứa xem xét.

Thanh niên và tổ chức đoàn các địa phương rất mong muốn, chờ đợi trong Tháng Thanh niên, cấp ủy đảng, chính quyền có những quyết sách mới, chính xác, giải quyết những bế tắc, khó khăn trong công tác đoàn và phong trào thanh niên nói chung và của thanh niên nói riêng. Ðó là những vấn đề về: định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm; chế độ và "đầu ra" cho đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở; nguồn lực cho tổ chức đoàn hoạt động; cơ chế đãi ngộ xứng đáng cho những thanh niên tình nguyện có cống hiến lâu dài ở vùng sâu, vùng xa; vốn vay ưu đãi lập thân, lập nghiệp...

Bước vào Tháng Thanh niên, một số địa phương thành lập Ban Chỉ đạo Tháng Thanh niên của tỉnh do một Phó Chủ tịch tỉnh làm Trưởng ban. Nhiều ý kiến cho rằng, như vậy đã "thể hiện sâu sắc" sự quan tâm của cấp ủy đảng đối với tổ chức đoàn và thanh niên. Nói vậy đúng nhưng chưa đủ. Ðúng bởi không phải tỉnh, thành phố nào cũng cử một lãnh đạo tỉnh tham gia Ban Chỉ đạo này. Nhưng chưa đủ bởi trên thực tế, có tỉnh, đồng chí Trưởng ban chỉ đứng trên "danh nghĩa", mọi việc gần như "khoán trắng" cho Ban Thường vụ Tỉnh đoàn.

Huy động các nguồn lực khác nhau của xã hội hỗ trợ thanh niên và công tác thanh niên cũng được đề cập và nhấn mạnh trong hoạt động Tháng Thanh niên. Ðây là một hướng đi cần được tập trung phát triển. Những năm qua, nhiều hoạt động, chương trình, giải thưởng... của đoàn, hội đã có sự giúp sức của các doanh nghiệp, góp phần làm phong phú các hoạt động của tuổi trẻ. Tuy vậy, công tác này đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Tại các thành phố, việc tìm kiếm nguồn lực tài trợ cho các hoạt động ít khó khăn hơn, nhưng nhiều doanh nghiệp khi bằng lòng tài trợ hoạt động thường đưa ra nhiều yêu cầu vượt quá khả năng của Ðoàn thanh niên. Thậm chí, có doanh nghiệp đã lạm dụng các hoạt động của Ðoàn để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, hơn là thiện chí giúp thanh niên và giúp tổ chức đoàn.

Tháng Thanh niên là tháng cao điểm để thanh niên khẳng định sức trẻ và tinh thần cống hiến của mình. Bên cạnh đó, Tháng Thanh niên còn là dịp quan trọng để các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể cùng các lực lượng xã hội thể hiện sự chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ - những người vẫn được gọi là chủ nhân tương lai của đất nước.