Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa

Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa

Trên khắp mọi miền đất nước, quân và dân ta khẩn trương tập trung sức người, sức của cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Ðồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc, Việt Bắc đã chủ động đề nghị với Trung ương tạm dừng việc cung cấp hàng hóa cho địa phương mình để tập trung cho tiền tuyến. Các nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường, cơ quan, xí nghiệp, trường học đã động viên từ 30% đến 50% số người trong biên chế  lên đường vào nam chiến đấu. Bộ Quốc phòng huy động gần 16.000 xe vận tải các loại trong toàn quân vào phục vụ chiến đấu. Các bộ, ngành ngoài quân đội cũng huy động hơn 1.000 ô-tô, 32 tàu vận tải biển, 130 toa tàu hỏa và hàng trăm lượt máy bay vào vận chuyển người, hàng hóa. Quân khu 5 sử dụng 1.800 lần chiếc ô-tô vận chuyển bộ đội và hơn 4.000 tấn vũ khí đạn mới thu được của địch bổ sung cho các lực lượng tham gia giải phóng Sài Gòn. Ở Nam Bộ, hậu cần chiến dịch gấp rút điều chỉnh lại thế trận, tăng cường lực lượng, phương tiện và vật chất, bảo đảm hậu cần cho các hướng tiến công trên chiến trường: Hướng tây bắc,  Ðoàn hậu cần 235 phối hợp hậu cần Quân đoàn 3 bảo đảm hậu cần cho các hoạt động tác chiến của Quân đoàn và các lực lượng khác trên hướng tây bắc; hướng bắc, Ðoàn hậu cần 210 (ở Ðồng Xoài) cùng hậu cần của Quân đoàn 1, bảo đảm cho hoạt động tác chiến của Quân đoàn và các lực lượng phối thuộc. Hướng đông, Ðoàn hậu cần 814 được lệnh chuyển xuống nam sông Ðồng Nai - quốc lộ 20 - quốc lộ 1 gần Bà Rịa phối hợp  hậu cần các Quân khu 7, Quân đoàn 4, Quân đoàn 2 bảo đảm cho các lực lượng hoạt động trên hướng đông Sài Gòn. Hướng tây nam, Ðoàn hậu cần 240 ở bắc quốc lộ 4 cùng với Ðoàn hậu cần 230 ở nam - bắc quốc lộ 1 bảo đảm hậu cần cho Ðoàn 232 và các lực lượng đặc công, biệt động hoạt động trên hướng này. Hướng nam hậu cần Quân khu 8 tổ chức thêm một cánh hậu cần  ở Cần Giuộc, kết hợp với hậu cần nhân dân, bảo đảm cho các lực lượng hoạt động ở nam Sài Gòn.

Ðồng thời, Bộ Tư lệnh chiến dịch còn quyết định Ðoàn hậu cần 770 từ đầu cầu tiếp nhận cũ ở Bù Gia Mập xuống lập khu tiếp nhận mới ở Ðồng Xoài và tổ chức Tổng kho của chiến dịch; điều chỉnh lực lượng của Ðoàn hậu cần 220 và 340 cùng lực lượng hậu cần trực thuộc Miền để thành lập cụm hậu cần dự bị đặt ở An Lộc, do Ðoàn 220 phụ trách và tăng cường lực lượng cho phía trước. Về cơ bản, việc điều chỉnh lực lượng, bố trí thế trận hậu cần, từ ngày 8 đến ngày 20-4-1975, đã hoàn tất.

Cùng với việc khẩn trương huy động và vận chuyển một khối lượng rất lớn vật chất  bảo đảm cho chiến dịch, từ những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4-1975, theo Quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh lần lượt lệnh cho Quân đoàn 1 (ngày 25-3) cấp tốc cơ động vào miền Ðông Nam Bộ tham gia chiến dịch; Quân đoàn 2 (ngày 4-4) khẩn cấp tiến dọc theo vùng duyên hải về khu tập kết tham gia giải phóng Sài Gòn; Quân đoàn 3 (ngày 4-4) hành quân gấp vào Ðông Nam Bộ; Quân đoàn 4 chuyển xuống phía đông, tiến công giải phóng Ðà Lạt, Di Linh và toàn tỉnh Lâm Ðồng. Sau đó, theo đường 20, Quân đoàn cơ động xuống áp sát tuyến phòng thủ Xuân Lộc (Long Khánh), lúc đó do Sư đoàn 18 và các lực lượng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn trấn giữ, chuẩn bị thế trận từ hướng đông của chiến dịch. Ðoàn 232 mới thành lập, bao gồm ba sư đoàn bộ binh (5, 3, 8), Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) và hai trung đoàn chủ lực 24, 88 của Quân khu 8 tăng cường, tích cực chuẩn bị lực lượng, thế trận ở khu vực Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, tạo nên hướng tiến công chia cắt chiến lược giữa Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long và tạo thế đưa lực lượng áp sát các mục tiêu của chiến dịch từ hướng tây nam. Chấp hành mệnh lệnh, từ hậu phương miền bắc, ngày 31-3-1975, các đơn vị của Quân đoàn 1 cấp tốc hành quân vào Nam Bộ tham gia chiến dịch (Sư đoàn 308 ở lại bảo vệ miền bắc) với hơn 1.053 xe các loại theo đường 1 vào Ðông Hà, rẽ lên tây Trường Sơn, tiến thẳng vào miền Ðông Nam Bộ. Sáng 7-4-1975, để lại Sư đoàn 324 bảo vệ Huế, Ðà Nẵng mới được giải phóng, cánh quân Duyên hải gồm đại bộ phận Quân đoàn 2 và lực lượng của Bộ tăng cường với 2.588 xe ô-tô, xe tăng, thiết giáp, xe kéo pháo, xe cơ giới chở quân, chia làm 5 khối bắt đầu tiến về phía nam, theo trục đường số 1. Tới ngày 16-4, toàn Quân đoàn vào tới cửa ngõ Phan Rang - nơi Quân đội Sài Gòn đang dồn sức lập tuyến phòng thủ ngăn chặn quân ta tiến công từ xa để bảo vệ sào huyệt Sài Gòn - Gia Ðịnh. Trong khi Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 đang thần tốc tiến vào, thì ở Tây Nguyên, ngày 4-4-1975, các đơn vị của Quân đoàn 3 với hơn 3.000 xe ô-tô bắt đầu hành quân. Hai trung đoàn công binh (7, 675) đi trước mở đường, bắc cầu bảo đảm giao thông cho Quân đoàn cơ động. Từ thị xã Tuy Hòa mới được giải phóng, Sư đoàn 320A gấp rút quay trở lại Tây Nguyên bằng đường số 7, sau đó theo đường 14, đường 13 tiến vào Bến Súc ở phía tây sông Sài Gòn. Sư đoàn 316, sở chỉ huy nhẹ Quân đoàn, các Trung đoàn đặc công 198, Trung đoàn xe tăng 273, 2 trung đoàn pháo mặt đất (40, 675), 2 trung đoàn pháo cao xạ (232, 234) xuất phát từ Ðác Lắc theo đường 14 qua Bình Long vào khu vực Dầu Tiếng phía tây bắc Sài Gòn. Sư đoàn 10, lúc bấy giờ đang truy quét địch ở Nha Trang, Cam Ranh được lệnh nhanh chóng thu quân, rồi theo tỉnh lộ 1 hành quân lên quốc lộ 20 Lâm Ðồng vào Nam Bộ.

Ðể thúc đẩy nhanh hơn nữa các hoạt động tác chiến, kịp thời chớp  thời cơ quý báu tiến tới giải phóng hoàn toàn miền nam, ngày 7-4-1975, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh cho các cánh quân:

"1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.

2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ" (1).

Nghiêm chỉnh thi hành mệnh lệnh, quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền nam đã nêu cao quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và hy sinh, gấp rút đẩy mạnh tốc độ hành quân, mở đường mà đi, đánh địch mà tiến; tạo thế, tạo lực, tạo đà cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng tại Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc.

(1) Dẫn theo: Ðảng Cộng sản Việt Nam: Ðại thắng mùa xuân 1975 - Văn kiện Ðảng, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2005, tr 259.