Thần đồng

NDO -

NDĐT - Chúng ta vẫn thường đọc tin về những cô bé, cậu bé mới 12-13 tuổi đã thi đậu vào các trường đại học danh tiếng. Nhưng đó là chuyện ở Mỹ, ở châu Âu, ở Ấn Độ... Trong quá khứ, chúng ta từng có những thần đồng, như Nguyễn Hiền, đậu Trạng nguyên khi mới 12 tuổi. Còn giáo dục Việt Nam hiện giờ, xem ra chưa có cửa nào dành cho những tài năng trẻ kiểu như vậy.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Những ngày này, khi những chàng trai, cô gái Việt Nam còn đang mải tranh luận chuyện đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông dễ hay khó, thì cậu bé Laurent Simon của nước Bỉ đang chuẩn bị xách cặp đến giảng đường đại học. Laurent Simon được tuyển thẳng. Năm 2018 này, cậu bé vừa tròn tám tuổi. Cậu sinh ra muộn hơn những “đồng môn” tương lai vừa tròn một thập kỷ.

Việt Nam có những trường hợp mà “tài không đợi tuổi” (nhiều người gọi là “thần đồng”) hay không? Không ai dám phủ nhận là không có. Nhưng giả sử may mắn ghé thăm nhà bạn, con bạn là một thần đồng, cũng tám tuổi và có khả năng tương tự như Laurent Simon, bạn sẽ đăng ký cho cô bé hay cậu bé của bạn vào trường đại học nào?

Nếu được hỏi câu này, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những trường thuộc “mốt” bây giờ như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế, hay ĐH Y... Nhưng nếu vội nghĩ đến những trường đại học, thì bạn đã... mắc bẫy câu hỏi. Con bạn sẽ chẳng có cơ hội nào cả. Con bạn sẽ tiếp tục phải học từ hai lên lớp ba. Rồi tuần tự chẵn mười năm nữa, mới tốt nghiệp trung học phổ thông. Khi ấy, con bạn không còn là cô bé, cậu bé nữa. Và cũng lúc ấy, chúng mới hội đủ điều kiện để được vào đại học. Nếu may mắn lắm, bạn có thể rút gọn chặng đường của con cái một năm, theo cách một số người thường làm, là cho con nhập học tiểu học khi lên năm tuổi.

Xin lưu ý, Laurent Simon học xong chương trình trung học trong thời gian vỏn vẹn có một năm rưỡi. Ngay cả nếu con bạn có giỏi hơn Laurent Simon đi chăng nữa, thì cũng chẳng có cách nào để giành lấy tấm bằng tốt nghiệp trung học như cậu bé người Bỉ để nghĩ đến chuyện xa hơn.

Nếu đánh cụm từ “thần đồng học đại học”, bạn sẽ thấy hàng trăm nghìn kết quả. Jeremy Shuler đã trở thành sinh viên năm nhất Đại học Cornell (Mỹ) hai năm trước, khi cậu bé 12 tuổi. Năm hai tuổi, Jeremy đã học song ngữ Anh - Hàn và có thể tự đọc sách. Từ 8 tuổi, “thần đồng” này bắt đầu theo chương trình dành cho học sinh trung học phổ thông tại nhà. Năm 10 tuổi, Jeremy đã vượt qua kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào đại học tại Mỹ. Trong đó, có những môn như: Cơ khí, Điện và Từ tính, Thống kê, Kinh tế vi mô và Kinh tế vĩ mô... Rất có thể, những Laurent Simon hay Jeremy có thể sẽ nối tiếp nhiều “thần đồng” một thuở khác, trở thành Tiến sĩ ở độ tuổi 20 với nhiều đóng góp cho khoa học. Đó là Juliet Beni (Đại học California, Riverside, Mỹ) tốt nghiệp đại học năm 15 tuổi, lấy bằng Tiến sĩ Tâm lý năm 19 tuổi; Kim Ung-Yong (Hàn Quốc), có bằng Tiến sĩ năm 15 tuổi...

Những câu chuyện tương tự như thế xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng hình như nó né tránh... Việt Nam.

Ai cũng biết, con người ta sinh ra, mỗi người có một khả năng trí tuệ khác nhau. Trong đó, có những đứa trẻ sớm bộc lộ khả năng vượt trội so những đứa trẻ khác. Tôi từng chứng kiến một người bạn khi bắt đầu vào học lớp bốn, đã giải hết toàn bộ cuốn sách Toán của cả năm học trong hai buổi tối. Sẽ là bất công với những đứa trẻ tài năng, nếu cứ bắt chúng phải tuần tự như những đứa trẻ thông thường, như kiểu bảng chữ cái, phải hết A rồi mới đến B. Nhưng ngành giáo dục Việt Nam thì không nghĩ thế. Tôi cũng nhiều lần chứng kiến những đứa trẻ có khả năng vượt trội, từ năm học lớp hai, lớp ba, chúng đã tìm hiểu về vũ trụ, về dải thiên hà, thậm chí còn tìm đọc cả những loại sách đòi hỏi trí tưởng tượng cao như... tôn giáo. Tất nhiên, chúng hoàn toàn có thể học “nhảy cóc” nếu hệ thống cho phép. Bố mẹ chúng thường thở dài chán chường khi con cái vẫn đành phải “xếp chung một rọ” với những đứa trẻ khác, và đành bù đắp cho chúng bằng việc tham gia một số lớp học năng khiếu, các cậu lạc bộ khoa học.

Giáo dục Việt Nam tụt hậu ở nhiều mặt khác nhau. Một trong những mặt ấy là không có một cơ chế đặc biệt nào để những đứa trẻ có khả năng đặc biệt, hay đơn giản hơn là nổi trội ở mặt nào đó có cơ hội thi thố và toả sáng. Đào tạo theo tín chỉ - một trong những hình thức đào tạo để học sinh có thể học “nhảy cóc”, rút ngắn thời gian mới đang trong giai đoạn... bàn thảo. Từ lúc bàn, đến lúc có thể ra được chính sách, có lẽ còn lâu lắm.

Đọc lại lịch sử, tôi bỗng thấy may mắn cho Trạng nguyên Nguyễn Hiền (1234-1256) khi ông sinh vào đời Trần. Nếu sinh vào thế kỷ 21 này, chắc chẳng có “cửa” nào để ngài thi thố tài năng, trở thành Trạng nguyên và lưu danh sử sách khi mới 12 tuổi cả! Ngài sẽ buộc phải yên tâm ngồi học tiểu học cho “đúng quy trình”.