Xanh Pê-téc-bua cuối tháng 5 trời vẫn nhiều mưa. Nắng mầu mật ong xen qua những đám mây dày, rọi xuống những mái vòm nhà thờ dát vàng óng ánh. Gió phần phật khiến mặt kênh gợn sóng dồn dập xô vào tường. Men theo bờ dòng Nê-va, rồi dừng lại ở một bến tàu nhỏ, từ đây, thuyền máy đưa chúng tôi tìm đến nơi người thanh niên Nguyễn Ái Quốc lần đầu đặt chân đến Liên Xô vào ngày 30-6-1923.
Theo cuốn “Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô (1923-1938)” của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, khi được Trung ương Đảng Cộng sản Pháp cử đi Liên Xô dự Đại hội Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc phải chuẩn bị rất cẩn thận để rời Pa-ri một cách bí mật, do hồi ấy từ Pháp đi Liên Xô là việc cực kỳ nguy hiểm. Nguyễn Ái Quốc đã viết một số bài cho các báo của Đảng Cộng sản Pháp để khiến mọi người tưởng rằng Người vẫn đang ở Pháp, đồng thời luôn tỏ ra nhàn rỗi, không tham gia bất kỳ hoạt động chính trị nào. Sáng đi làm, chiều vào thư viện hoặc bảo tàng, tối đi xem phim. Dần dần, mật thám không còn thiết theo gót Nguyễn Ái Quốc.
Thời đó, vì nguy hiểm, từ Pa-ri đến Mát-xcơ-va chỉ có một con đường duy nhất là qua Đức. Tối 13-6-1923, như mọi lần, Nguyễn Ái Quốc mua vé xem buổi chiếu phim cuối cùng. Giữa chừng, Người ra khỏi rạp, nhanh chóng xuống xe điện ngầm đến ga xe lửa ở phía bắc Pa-ri. Tại đây, một đồng chí người Pháp đưa cho Bác chiếc va-li nhỏ là hành trang duy nhất để bí mật rời Pa-ri. Nguyễn Ái Quốc đáp xe lửa từ Pa-ri đến Béc-lin (Đức). Cơ quan đại diện của Chính phủ Liên Xô đóng tại Béc-lin làm thủ tục cho Người vào nước Nga. Ngày 27-6-1923, Nguyễn Ái Quốc, với hộ chiếu mang tên Chen Vang, được đưa xuống tàu Các Líp-nếch, rời Hăm-buốc. Ngày 30-6-1923, Nguyễn Ái Quốc đến cảng Pê-tơ-rô-grát (nay là Xanh Pê-téc-bua).
Thuyền trưởng A.Ma-rô-dốp, nhân viên ban quản lý cảng biển Xanh Pê-téc-bua, đưa chúng tôi đến gần vịnh Gu-tu-ép-xcai-a, nơi ông Ma-rô-dốp nhận định, rằng Bác Hồ đã cập bến cách đây 98 năm. “Có phải Hồ Chí Minh đã cập bến tàu số 7 không?”, ông hỏi lại chúng tôi. Sau khi nhận được cái gật đầu, mắt ông đánh về phía vịnh: “Vậy thì đúng là nơi này rồi”.
Tàu chở chúng tôi trôi chầm chậm giữa vịnh Gu-tu-ép-xcai-a. Một bên tàu bè thả neo, bên kia là bờ được kè bằng những viên gạch nâu hình chữ nhật đã cũ. Một chiếc bảng lớn cấm tàu neo đậu treo trên tường. Ở góc vịnh lộ ra một bờ cát. Một nhà kho lớn lợp bằng thép chuyển mầu nâu, nằm quay lưng với đoàn tàu hỏa “đứng yên” trên bờ. Những khóm hoa vàng nhỏ điểm trên đống gạch tạo cho khung cảnh thêm phần ấn tượng. Chỉ tay về phía bờ cát, ông Ma-rô-dốp có vẻ tiếc nuối vì chỉ có thể giúp chúng tôi mường tượng ra nơi Bác Hồ lần đầu đặt chân đến Liên Xô. “Mọi thứ đã quá lâu rồi. Không ai nhớ cụ thể con tàu đã cập bến như thế nào và chính xác Bác Hồ đã bước xuống tại đâu”, ông nói.
Đứng trên tàu, chúng tôi cố gắng hình dung lại khung cảnh gần 100 năm về trước, để có thể cảm nhận mọi thứ chung quanh Bác khi đó. Tiếc là hiện nay mọi thứ đã thay đổi, nhưng Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Xanh Pê-téc-bua V.Can-ga-nốp khẳng định, những bức tường được xây dựng cách đây hơn 100 năm vẫn còn đó, những thứ mà Nguyễn Ái Quốc cũng đã thấy khi Người lần đầu đặt chân đến nước Nga. Ông Can-ga-nốp cho biết thêm, thời gian tới, thành phố sẽ tăng tốc dự án dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Xanh Pê-téc-bua, cũng như tiếp tục tìm hiểu và hệ thống thành tư liệu về những nơi mà Nguyễn Ái Quốc đã từng sống và làm việc tại đây.
Thuyền trưởng Ma-rô-dốp nhìn về phía bờ kè cũ, nhắc lại những câu chuyện về Bác Hồ mà ông được nghe từ thời còn bé. Không biết bao nhiêu lần người đàn ông với mái đầu bạc đã đi qua vịnh, song lần này đem lại cho ông một cảm xúc khác lạ. “Bến tàu số 7” hôm nay bỗng trở nên đặc biệt hơn, thấm đẫm lịch sử hơn. “Hai năm nữa kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ lần đầu đặt chân đến nước Nga. Người dân Xanh Pê-téc-bua đang chờ đợi tổ chức những sự kiện lớn”, ông Ma-rô-dốp nói. Ông cũng gợi ý phía Việt Nam đề xuất gắn một tấm biển ở vịnh, để người dân hiểu rõ hơn về câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cập cảng Xanh Pê-téc-bua trong hành trình tìm đường giải phóng dân tộc Việt Nam.
Bài và ảnh: QUẾ ANH, THANH THỂ
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại LB Nga