Tham luận của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

NDO -

Nhân Dân điện tử trân trọng giới thiệu tham luận do đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam trình bày tại Đại hội Đảng XIII.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga trình bày tham luận. (ẢNH: DUY LINH)
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga trình bày tham luận. (ẢNH: DUY LINH)

Kính thưa Đoàn Chủ tịch!

Kính thưa Đại hội!

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, trước Đại hội, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức để hội viên, phụ nữ tham gia góp ý dự thảo các văn kiện của Đại hội và rất nhiều ý kiến của các tầng lớp phụ nữ đã được tiếp thu. Tôi xin thay mặt cho Hội LHPN Việt Nam và phụ nữ cả trước trân trọng cảm ơn và bày tỏ sự đồng tình cao với các dự thảo được trình trước Đại hội.

Hôm nay được sự đồng ý của Đoàn Chủ tịch, tôi xin tham luận vấn đề “Quan tâm hỗ trợ phụ nữ tiếp cận, thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”.

Kính thưa Đại hội!

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, 5 năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa đất nước ngày một phát triển. Những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực như: kinh tế thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới, đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế, đột phá chuyển đổi số bằng nền tảng công nghệ Việt “Make in Vietnam” và đặc biệt, là quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch Covid-19 đã đưa hình ảnh, uy tín, vị thế Việt Nam lên tầm cao mới trên trường quốc tế. Chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện rõ rệt; địa vị người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định.

Đặc biệt, để thực hiện chính sách an sinh xã hội, Chính phủ đã phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội và nhiều chính sách xã hội hướng đến vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện, xã, thôn, bản nghèo, đặc biệt khó khăn. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận về những tiến bộ trong phát triển giáo dục, chăm lo sức khỏe người dân, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, cũng như nỗ lực giải quyết việc làm, cải thiện mức sống người dân, cứu trợ xã hội và thực hiện phúc lợi xã hội, quan tâm tới các đối tượng yếu thế với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trong báo cáo, quan điểm bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội nhằm bảo vệ quyền của mỗi người dân là nhiệm vụ quan trọng được Đảng thể hiện khá rõ; điều đó khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững đất nước. Để góp phần làm rõ hơn nhiệm vụ này trong thời gian tới, đặc biệt là đảm bảo cơ hội tiếp cận các vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi xã hội một cách công bằng đối với  phụ nữ, nhất là phụ nữ di cư lao động, phụ nữ nông thôn, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ…, Hội LHPN Việt Nam xin được trình bày 4 vấn đề cụ thể sau:

Thứ nhất, đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở đối với lực lượng lao động nữ di cư

Người xưa đã tổng kết có an cư thì mới lạc nghiệp. Nhà ở cho người dân luôn là một mối quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước. Với các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của người dân, đến nay hầu hết các hộ dân cư đã có nhà để ở. Bên cạnh việc ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Chính phủ đã có chủ trương xã hội hóa để hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cũng có cơ hội được sở hữu nhà ở. Một số địa phương (Đà Nẵng) còn có nhà ở xã hội cho phụ nữ đơn thân là hộ nghèo thuê giá ưu đãi. Tuy nhiên tỷ lệ người lao động, trong đó phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhất là phụ nữ di cư, phụ nữ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất...được thụ hưởng không nhiều.

Di cư lao động là xu hướng tất yếu hiện nay, gắn với phát triển và có vai trò nhất định đối với kinh tế - xã hội, nhất là trong việc phân bổ lại nguồn lực lao động quốc gia. Tuy nhiên, từ góc độ an sinh xã hội, đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt đối với những lao động di cư từ nông thôn ra thành thị. Kết quả điều tra cho thấy, 13,6% dân số  cả nước là người di cư[1]. Trong đó, nữ giới chiếm 55,5%[2]. Hầu hết họ di cư đến làm việc trong các khu công nghiệp, đến thành phố làm các công việc ở khu vực phi chính thức.

Đặc biệt, với những người lao động di cư, nhà ở là vấn đề hết sức bức thiết. Theo một thống kê, khoảng 80% công nhân đang phải thuê nhà ở trong các khu nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp; số công nhân được ở trong các khu nhà do doanh nghiệp xây dựng chiếm tỷ lệ rất thấp (5%)[3]. Đối với nữ lao động di cư, trong đó có công nhân trong các khu công nghiệp hay lực lượng bán hàng rong, giúp việc gia đình, chăm sóc người ốm tại thành phố đều phải thuê nhà trọ. Để giảm chi phí, nhiều người chấp nhận ở chung với những người cùng quê, cùng công ty, phòng trọ đều rất tạm bợ, chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 3 - 4m2 /người), không đảm bảo các điều kiện tối thiểu về vệ sinh, an toàn. Tình trạng sống chung khác giới, sống chung như vợ chồng cũng đã diễn ra ở nhiều khu nhà trọ, nhất là khu vực gần khu công nghiệp đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Để đảm bảo quyền có nơi ở, chỗ ở cho mọi người dân, Nhà nước cần coi vấn đề nhà ở là phúc lợi của người dân để có chính sách đầu tư thỏa đáng, từng bước giải quyết về vấn đề nhà ở, trước mắt là cho các gia đình chính sách, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, người di cư.... Đồng thời tạo cơ hội tiếp cận dịch vụ công về giáo dục, y tế cho con em và gia đình phụ nữ khó khăn, lao động nữ di cư một cách công bằng và bình đẳng. Bên cạnh đó, rất cần sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp, của toàn xã hội chia sẻ trách nhiệm cùng với nhà nước. Về mặt nhận thức, phải coi di cư lao động là vấn đề phát triển, các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương cần tính tới dân số di cư để có thể đảm bảo các chính sách về nhà ở, nhà trẻ, khám chữa bệnh cho người dân phù hợp với những biến đổi dân cư.

Thứ hai, việc đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ khi mang thai, sinh con

Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá hoàn thành sớm 10 năm trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ gần 89% dân số; 100% người nghèo, người DTTS có thẻ khám chữa bệnh miễn phí; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, phát triển.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chế độ thai sản của Việt Nam nằm trong số những nước có tỷ lệ hưởng cao và thời gian nghỉ dài nhất trong khu vực,  quyền lợi tương đối rộng. Tuy nhiên, điều đáng nói là diện bao phủ của chế độ thai sản thấp. Thực tế cho thấy, phần lớn phụ nữ không tham gia BH y tế do không tham gia lực lượng lao động, là người làm công ăn lương không chính thức hoặc làm công không hưởng lương. Trong năm 2019, chỉ 30% phụ nữ trong lực lượng lao động được hưởng chế độ thai sản, 70% còn lại còn đứng ngoài chính sách này gồm các đối tượng phụ nữ khu vực phi chính thức như phụ nữ nông dân, phụ nữ làm nghề tự do, phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số....

Đặc biệt, trong số hơn 65% dân cư nước ta sống ở nông thôn, trong đó  khoảng 48,5% là lao động nữ. Họ có mặt ở hầu hết các công việc của quá trình sản xuất, chế biến, kể cả những công việc nặng nhọc và độc hại... ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khoẻ, nhất là sức khoẻ sinh sản nhưng họ hầu hết không được hưởng các chế độ thai sản.

Đã từng có thời phụ nữ nông thôn sinh con được hỗ trợ thóc, có nhà gửi trẻ, tuy nhiên hiện nay các chính sách liên quan đến mang thai, nuôi con nhỏ chưa vươn tới được đối tượng phụ nữ nông thôn đang làm ở các khu vực phi chính thức, không hưởng lương. Mặc dù hệ thống dịch vụ xã hội và chăm sóc y tế cho người dân nông thôn nói chung, phụ nữ nông thôn nói riêng những năm gần đây đã được cải thiện, nhưng nhiều nơi còn thiếu thốn, thời gian nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng của phụ nữ trước và sau khi sinh chưa được quan tâm đúng mức khiến cho sức khoẻ người mẹ và trẻ sơ sinh chưa được đảm bảo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên trình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi; thiếu máu ở bà mẹ và tỷ suất chết sơ sinh cao.

Ở khu vực dân tộc, miền núi, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2019[4], tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm nhưng vẫn cao. Tỷ lệ tử vong mẹ trong các nhóm dân tộc thiểu số cao hơn 4 lần so với nhóm dân tộc Kinh, tỉ lệ sinh con tại nhà còn cao, tỷ lệ các ca sinh có bà đỡ có kỹ năng hỗ trợ tại các khu vùng DTSS chỉ bằng khoảng một nửa tỷ lệ chung của cả nước. Số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong ở khu vực nông thôn cao gấp hơn hai lần ở khu vực thành thị.

Về phía Hội LHPN Việt Nam, đã nỗ lực để tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc bản thân khi mang thai, sinh con, tham gia bảo hiểm y tế và đề xuất chính sách cho phụ nữ. Năm 2006, Hội đã chủ trì đề xuất xây dựng và được Quốc hội thông qua Luật Bình đẳng Giới, trong đó có 2 khoản quy định về vấn đề thai sản của phụ nữ, Khoản 2, Điều 7 quy định “Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ”. Khoản 3 Điều 17 quy định “Phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số…khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo quy định”. Sau khi có Luật, Hội tiếp tục đề xuất và năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2015/NĐ-CP hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách. Qua đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 39/2014/NĐ-CP cho thấy  diện được hưởng chưa nhiều, đến tháng 12/2020, chỉ có khoảng gần 74.000 người được thụ hưởng[5].

Dù đã có nhiều nỗ lực, vấn đề mang thai sinh nở của phụ nữ vẫn hết sức nan giải, việc sinh đẻ dường như vẫn đang là gánh nặng riêng của đa số phụ nữ.

Thiết nghĩ, việc bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ mang thai, sinh con, đặc biệt là đối với những người chưa được hưởng chính sách bảo hiểm là vấn đề cần quan tâm theo hướng đảm bảo cho phụ nữ có cơ hội, điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, nhất là hỗ trợ chế độ thai sản cho phụ nữ. Chính phủ cần đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định 39 để có hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, giúp mọi phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số đều được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước. Bổ sung chế độ thai sản đối với bảo hiểm tự nguyện thông qua các  gói thai sản cho phụ nữ như gói chăm sóc sức khoẻ trước, trong và sau sinh, gói chăm sóc sức khỏe trẻ em...để mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều có thể dễ dàng tham gia, góp phần bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Thứ ba, việc đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Để chăm lo cho trẻ em - tương lai của đất nước, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện nay chỉ có 28% trẻ em trong nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi đến trường (nhà trẻ), nguyên nhân có nhiều, trong đó không có nơi để gửi con là một trong những nguyên nhân chủ yếu[6]. Ở những nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất đông lao động nhập cư, hệ thống trường mầm non chỉ đáp ứng 44,4% nhu cầu. Hơn một nửa số trẻ trong độ tuổi được gửi vào các nhóm lớp tư thục[7]. Ðiều đáng nói là các cơ sở thuộc loại hình này còn rất nhiều nhược điểm như: cơ sở vật chất chưa bảo đảm theo quy định, chất lượng giáo viên chưa đạt yêu cầu, công tác quản lý, giám sát của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ… nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Nhiều vụ bạo hành đã xảy ra ở các cơ sở này, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng niềm tin của xã hội vào ngành giáo dục. Không còn lựa chọn nào khác, nhiều người phải gửi con về quê cho ông bà, người thân trông nom. Và khi phải gửi con về quê tức là quyền “được sống chung với cha mẹ" của trẻ đã không được đảm bảo đầy đủ.

Từ năm 2015, Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020”. Tuy nhiên, cũng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu chính đáng của nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi.

Không chỉ ở các khu công nghiệp, không chỉ đối với các gia đình di cư lao động, việc gửi con trẻ ở đâu, nhất là trẻ dưới 36 tháng tuổi còn là câu chuyện đau đầu chung của rất nhiều gia đình công chức, viên chức ở thành thị. ...Nhà nước cần quan tâm để các gia đình có nơi gửi trẻ để phụ nữ yên tâm công tác, nhất là ở các khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất. Có cơ chế, chính sách tạo sự công bằng về quyền, trách nhiệm giữa các cơ sở giáo dục mầm non công lập và tư thục, từ việc đảm bảo quyền lợi của trẻ, chế độ tiền lương cho giáo viên đến đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật; tăng biên chế giáo viên cho cơ sở giáo dục mầm non để các cơ sở này có thể triển khai giữ trẻ ngoài giờ. Các địa phương cần tăng cường quản lý, giám sát nhà trẻ, cơ sở mầm non tư thục, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật, không bảo đảm điều kiện, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc cho trẻ như trong thời gian vừa qua.

Thứ tư, việc đảm bảo an sinh xã hội tạo cơ hội có việc làm cho phụ nữ

Chiếm tỷ lệ trên 50,23% dân số, phụ nữ là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ trong độ tuổi lao động lên đến hơn 66%, cao hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới.  

Cuộc CMCN 4.0 tạo ra nhiều cơ hội song cũng tạo ra nhiều thách thức cho lao động nữ Việt Nam. Lực lượng lao động nữ chưa qua đào tạo chiếm số lượng lớn, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn hạn chế so với yêu cầu cao của thị trường lao động. Khi máy móc, tự động hóa thay thế con người thì tỷ lệ mất việc ở lao động nữ chưa qua đào tạo có thể lên tới hơn một nửa.

Theo báo cáo năm 2019, còn khoảng 79,5% lao động nữ trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo. Họ bị hạn chế trong tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội và áp lực gánh vác các trách nhiệm với gia đình. Đây là nhóm yếu thế trên thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn bình quân chung của cả nước, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp. Những vấn đề đó đã tác động rất nhiều đến cuộc sống gia đình, cơ hội phát triển nghề nghiệp và tạo ra bất bình đẳng đối với lao động nữ.

Điều này cho thấy, để có cơ hội có việc làm thì lao động phải được đào tạo. Đào tạo nghề chính là chìa khóa để phụ nữ mở được cánh cửa việc làm, có thu nhập, tự đảm bảo cuộc sống, có cơ hội phát triển bản thân. 

Có một thực tế là, tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp không cao, nhưng chất lượng việc làm, tính ổn định, bền vững không cao, thu nhập thấp và họ thường làm trong các ngành, lĩnh vực giản đơn; hơn một nửa lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương, tự làm… Lao động nữ gặp nhiều khó khăn do thiếu chính sách đào tạo nghề phù hợp với đặc điểm về giới như mang thai, nuôi con nhỏ do vậy hạn chế về cơ hội đi học để nâng cao kiến thức, trang bị chuyên môn nghề nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 02 Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và Đề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015”. Một bộ phận phụ nữ đã được hưởng lợi từ 02 Đề án này. Tuy nhiên, thời gian đào tạo ngắn, chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, nội dung đào tạo tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề mang tính giản đơn, chưa tạo ra thay đổi căn bản để người lao động thích ứng được với CMCN 4.0.

Do vậy, để giúp lao động nữ có cơ hội có việc làm, Nhà nước cần đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách đào tạo nghề, có chính sách đào tạo nghề riêng cho phụ nữ trong đó nhận diện nhu cầu đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của nữ, có các giải pháp hỗ trợ, bảo đảm cho nữ có cơ hội lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở trường, giá trị nghề nghiệp phù hợp với thị trường lao động. Phát triển các dịch vụ gia đình như chăm sóc người già, trẻ em... để giảm bớt thời gian làm việc  nhà, giúp phụ nữ có cơ hội được đào tạo, đầu tư cho chuyên môn nghiệp vụ. Có như vậy mới góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao như văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Có thể nói, tình hình mới đang tạo ra nhiều cơ hội song cũng tạo ra không ít thách thức cho phụ nữ. Những thách thức ấy, nếu được quan tâm giải quyết sẽ tạo ra những thay đổi căn bản, tạo điều kiện để người phụ nữ thực hiện tốt vai trò người mẹ, người lao động và người công dân.

Kính thưa toàn thể Đại hội!

Qua nghiên cứu và từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, thay mặt cho phụ nữ cả nước, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trân trọng đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách có lồng ghép giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ nữ nông thôn, phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội như việc làm, giáo dục, thai sản, nhà trẻ, nhà ở. Đặc biệt, cần coi đây là nền tảng phúc lợi, là ưu việt mà chế độ xã hội chủ nghĩa mang lại cho mỗi người dân để từng bước quan tâm giải quyết.

Thực hiện trách nhiệm của mình, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp các bộ, ngành chức năng cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, xây dựng, thực hiện các đề án, chương trình, các chính sách an sinh xã hội liên quan đến phụ nữ, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra "quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân".

Kính chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc! Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

---------------
[1] An sinh xã hội cho lao động di cư ở Việt Nam- Thực trạng và những vấn đề đặt ra ( TS Đoàn Kim Thắng, Viện Xã hội học, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội an sinh xã hội, 2020)

[2] Báo cáo Tổng điều tra dân số năm 2019

[3] Báo Người Lao động, số 13-02-2020 .

[4] Tổng cục Thống kê (2019) Kết quả Tổng Điều tra Dân số và nhà ở thời điểm 01/4/2019

[5] Theo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 39/2014/NĐ - CP của Bộ y tế

[6] BC kết quả 10 năm thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, sơ kết 2 năm thực hiện Đề án Phát triển Giáo dục Mầm non giai đoạn 2018-2025 - Bộ GDĐT 2020.

[7] Theo báo cáo của Bộ GDĐT tại Hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non (tháng 9.2020)