Thái tử Lý Nhật Quang và vùng đất Xứ Nghệ

Và cái thứ tự nhất, nhì là để cho suôn vần, không có ý cái nào giá trị hơn cái nào. Ðền Cờn ở huyện Quỳnh Lưu, thờ các vị thánh nương, Ðền Bạch Mã ở huyện Thanh Chương, thờ Phan Ðà, một danh tướng của nghĩa quân Lam Sơn, Ðền Chiêu Trưng ở huyện Thạch Hà, thờ Lê Khôi, cháu ruột Lê Lợi, người có nhiều võ công hiển hách.

Ðền Quả, đặt trên núi Quả Sơn, xã Bồi Sơn, huyện Ðô Lương, thờ Thái tử Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ tám của Lý Thái Tổ. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất mẫn tiệp và cung cẩn hơn người. Lớn lên, tài năng trị đời giúp nước, nặng lòng yêu thương nhân dân càng lộ rõ. Ngày ấy, Hoan Châu (Xứ Nghệ) là vùng đất biên ải, đất "trại", thường có giặc phương nam và phương tây quấy rối. Chính quyền Nhà nước chưa được thiết lập một cách chặt chẽ, phong hóa sơ khai. Năm 1039, Lý Nhật Quang được triều đình cử vào đây trông coi việc tô thuế. Sách Việt điện u linh chép, ông "giữ chức mấy năm, sợi tơ, sợi tóc của dân không hề xâm phạm, nổi tiếng liêm trực, nhà vua càng quý mến, ban cho hiệu là Uy Minh Thái tử, giao cho việc quản dân ở châu ấy".

Năm 1041, Lý Nhật Quang được bổ làm Tri châu (người đứng đầu) Nghệ An (bao gồm cả Hà Tĩnh ngày nay). Ông chọn vùng Bồi Sơn, tên cũ là Bạch Ðường làm lỵ sở, một vị trí quân sự, kinh tế chiến lược, thuận tiện giao thông, phòng thủ. Lỵ sở này, mãi trong kháng chiến chống Pháp, còn được coi là "thủ đô kháng chiến" của vùng khu bốn cũ. Ðó cũng là vùng đất mà Lê Lợi dời về để củng cố lực lượng..., cho thấy tầm nhìn, nhãn quan sắc bén của Lý Nhật Quang.

Trong việc cai trị, ông lấy Ðức làm chính, nhưng hết sức kiên quyết với bọn tham quan, đạo tặc, kiên quyết bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Ông đã chiêu dân khẩn hoang lập ấp, mở rộng các vùng Hoàng Mai, Tương Dương, Nam Ðàn, Nghi Xuân, Kỳ Anh... Ông lập ra đạo quân Nghiêm Thắng đông đảo, tinh nhuệ để bảo vệ bờ cõi và giữ gìn an ninh ; tích trữ được nhiều lương thảo. Về đường bộ, ông mở đường thượng đạo từ Ðô Lương ra Thanh Hóa, nối với kinh thành gần như con đường Trường Sơn ngày nay; về đường thủy, đào kênh Bà Hòa, nạo vét sông Ða Cái, đắp đê sông Lam ngăn lũ... Ông thường kinh lý các vùng, vỗ yên dân chúng, dạy nghề làm ruộng, trồng dâu chăn tằm, khắp thôn cùng ngõ vắng đều thấm đượm ơn sâu. Ông mất ngày 17-8 năm Ðinh Dậu (1057). Lý Nhật Quang là người có công đầu trong sự phát triển của vùng Nghệ Tĩnh nói riêng, sự thịnh trị của cả đất nước nói chung thời kỳ đầu triều Lý. Với vị trí địa-quân sự quan trọng, Nghệ Tĩnh luôn được Nhà nước phong kiến đặt sự chú tâm đặc biệt. Tri châu trấn trị ở đây thường là người trung thành, tài năng quán thế. Sau Lý Nhật Quang là Lý Ðạo Thành, Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật... Cùng với Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh là nguồn bổ sung quân đội quan trọng. Người lính vùng này nổi tiếng trung thành, thiện chiến, vì vậy, có câu để đe giặc:

Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ
Thanh Nghệ luôn còn chục vạn binh.

Lý Nhật Quang mất đi trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân. Người ta lập đền thờ ông ở nhiều nơi. Ngày nay, trên đất Nghệ Tĩnh còn có 36 đền thờ Lý Nhật Quang, nổi tiếng nhất là Ðền Quả, được xây dựng từ triều Lý, nơi còn lưu giữ nhiều tế khí quý giá, đặc biệt là bức tượng lớn, đẹp, bằng gỗ quý, sơn son thếp vàng, tỷ lệ 1/1 của ông. Có một đôi câu đối ca ngợi ông:

Hiển hách thần linh, hương khói miếu đền lưu vạn đại;
Lừng danh tông tộc, núi sông ghi nhớ đến ngàn năm.

Ðền Quả Sơn nổi tiếng linh thiêng, là nơi chiêm bái, ghi ơn, noi theo những người có công với nước.