Tỉnh coi trọng phân vùng quy hoạch, đặc biệt là việc phát triển đô thị hướng tới tiêu chí xanh, thông minh và bền vững. Theo đó, hiện tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 36%. Cùng với quá trình đô thị hóa, các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế của tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, các đô thị cấp tỉnh đều được phát triển mở rộng không gian theo hướng đa trung tâm và không gian khu vực nội thị. Việc chuyển đổi về hành chính, dân số và phúc lợi đô thị cũng được quan tâm thực hiện bảo đảm yêu cầu quy định.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đề ra phương hướng, giải pháp tiếp tục tập trung đầu tư phát triển đô thị có tầm ảnh hưởng lớn đối với vùng, tỉnh với tỷ lệ đô thị hóa đạt 40,5%; định hướng giai đoạn 2026 - 2030, Thái Nguyên sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng toàn tỉnh theo hướng quy hoạch gắn với việc mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang các đô thị hiện hữu, tỷ lệ đô thị hóa đạt 45% và đến năm 2035 là 50%...
* Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề đạt ít nhất 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn. Theo đó, tỉnh tập trung mở các lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho hàng nghìn lao động nông thôn với các nghề may mặc, thêu móc, đính cườm, đan lát, mộc mỹ nghệ…
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 20 nghìn cơ sở công nghiệp nông thôn, với hơn 50 nghìn lao động. Để đáp ứng yêu cầu về mẫu mã, chất lượng sản phẩm ngày càng cao của thị trường, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn gồm 29 nghề; trong đó, có chín nghề nông nghiệp và 20 nghề phi nông nghiệp.
Song song với công tác đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm thực hiện nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, kết nối thông tin việc làm trong tỉnh và trong nước, thúc đẩy chuyển dịch lao động. Năm 2019, tỉnh giải quyết việc làm mới cho hơn 24.400 lao động, trong đó, lao động lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 4.000 người. Trong sáu tháng đầu năm 2020, tỉnh giải quyết việc làm cho 9.263 lao động.
Trong Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, tỉnh xác định hướng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng đào tạo nông dân chuyên nghiệp, đồng thời nâng cao trình độ, năng lực quản lý, thị trường cho chủ các trang trại, gia trại, các hợp tác xã, tổ hợp tác... Tỉnh tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng tập trung chỉ đạo phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hỗ trợ cho nông dân, chú trọng việc xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; mô hình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác.
Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết, chính sách giải quyết việc làm, đào tạo nghề gắn với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về tầm quan trọng của truyền nghề và đào tạo nghề. Đồng thời, tỉnh cung cấp thông tin về thị trường lao động và quan tâm đến công tác giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động.