Những năm qua, tỉnh luôn ưu tiên đầu tư phát triển cây chè, nhất là trồng thay thế những cây chè trung du già cỗi, kém chất lượng bằng các cây giống mới năng suất, chất lượng cao hơn. Bình quân mỗi năm, tỉnh thay thế và trồng mới 1.000 ha với các giống chè chất lượng cao như LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, Thúy Ngọc, TRI777… Nhờ vậy, diện tích chè giống mới tăng đáng kể. Năm 2017, diện tích chè giống mới chiếm 71% tổng diện tích chè, đạt 15.480 ha. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo tích cực phục tráng giống chè trung du gắn với bảo tồn vùng chè thuộc chỉ dẫn địa lý "Chè Tân Cương" thành phố Thái Nguyên.
Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2020, diện tích chè đạt 22 nghìn ha, tỷ lệ diện tích chè giống mới đạt 80%; năng suất chè búp tươi đạt 115 tạ/ha; sản lượng 230 nghìn tấn; giá trị sản phẩm/ha đất trồng chè bình quân đạt 170 triệu đồng trở lên; giá trị sản xuất chè búp tươi đạt 3.400 tỷ đồng, chiếm 30% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản.
* Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang xúc tiến thành lập hội nghề nghiệp và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dầu tràm Huế, giúp người tiêu dùng biết nguồn gốc xuất xứ và đặc trưng sản phẩm. Dầu tràm Huế là đặc sản thứ hai được UBND tỉnh xác định xây dựng thương hiệu, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Cuối năm 2017, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp UBND huyện Phú Lộc công bố chuẩn kỹ thuật địa phương đối với tinh dầu tràm Huế. Theo đó, các cá nhân, tổ chức sản xuất và kinh doanh sản phẩm dầu tràm phải bảo đảm những quy chuẩn đã công bố về mùi, vị, mầu sắc và các chỉ tiêu về vật lý, hóa học. Hạn chế của ngành hàng dầu tràm Huế hiện nay là không có vùng sản xuất tập trung, khai thác chủ yếu dựa vào tự nhiên, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều và chưa có tổ chức thống nhất quản lý chung. Vì vậy, nếu xây dựng được chỉ dẫn địa lý, dầu tràm Huế có nhiều cơ hội khẳng định giá trị thương hiệu và phát triển thị trường. Quy trình sản xuất và quản lý sản phẩm sẽ được Nhà nước quản lý trực tiếp. Sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tạo sự tin cậy cho khách hàng. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế sẽ có thêm cơ hội được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn trong việc quảng bá sản phẩm cũng như giải quyết những khó khăn, hạn chế về vùng nguyên liệu. Hiện, tỉnh có các cơ sở sản xuất dầu tràm nổi tiếng như Kim Vui, Trường Hải... Nếu được tập hợp trong hội nghề nghiệp, cùng sử dụng chung thương hiệu ngành hàng, các cơ sở này sẽ chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm bằng cách giám sát, hỗ trợ nhau phát triển nhằm bảo hộ dầu tràm Huế trước những sản phẩm hàng nhái, hàng giả.