Phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan, ông Anucha Burapachaisri cho biết, các biện pháp kích thích, bao gồm: phát tiền mặt cho các chủ thẻ phúc lợi và các nhóm đặc biệt, đồng thanh toán và hoàn lại tiền mặt, dự kiến sẽ được triển khai từ tháng 7-2021.
Theo đó, gói kích thích trị giá 140 tỷ baht được công bố hôm 31-5 sẽ bao gồm: 93 tỷ baht được sử dụng thanh toán cho các giao dịch mua hàng của người tiêu dùng, nhắm đến khoảng 31 triệu người. 16,4 tỷ baht tiền mặt sẽ được trao cho 13,65 triệu người sở hữu thẻ phúc lợi. Ba tỷ baht tiền mặt được trao cho 2,5 triệu người được coi là thành viên của các nhóm đặc biệt, chẳng hạn như người khuyết tật. Ngoài ra, khoảng 28 tỷ baht sẽ được hoàn lại cho nhóm bốn triệu người có thu nhập cao.
Ở một diễn biến khác, ông Sethaput Suthiwardnarueput, Thống đốc Ngân hàng T.Ư Thái Lan (BoT) cho biết, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ ba tại Thái Lan đã gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng và tàn phá nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp địa phương của nước này, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các nhà bán lẻ trong khoảng một năm rưỡi.
Bên cạnh đó, các ca nhiễm mới ngày càng tăng cao, trong khi chương trình tiêm vaccine quốc gia vẫn chưa được bảo đảm. Ông Sethaput cho rằng, với kịch bản không chắc chắn trên, BoT dự đoán, nền kinh tế của nước này phải tới quý đầu tiên của năm 2023 mới có thể phục hồi.
Theo BoT, sau khi giảm xuống mức 2,6% trong quý đầu tiên của năm, nền kinh tế Thái Lan dự kiến sẽ tăng trưởng 1,5% - 2,5% cho cả năm 2021, so dự báo 2,5% -3,5% trước đó.
Ngoài ra, theo Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia (NESDC), dịch Covid-19 bùng phát lần thứ ba tại Thái Lan đã chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục trong năm 2021. Một dấu hiệu là sự thu hẹp 9,1% GDP đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). Con số 758.000 người thất nghiệp trong quý đầu tiên, theo thống kê của NESDC, đã khiến nhiều người lo ngại về việc liệu họ có tiếp tục nằm trong danh sách thất nghiệp khi các doanh nghiệp tiếp tục đóng cửa hay không.
Trong khi đó, theo kết quả thăm dò dư luận do Viện Quản lý Phát triển quốc gia (NIDA) thực hiện được công bố ngày 1-6 cho thấy, phần lớn người dân Thái Lan không hài lòng cách xử lý làn sóng Covid-19 thứ ba của Chính phủ, lý do là giao tiếp kém với công chúng, sự không rõ ràng, chậm trễ trong mua và phân phối vaccine.