Thái Bình cần có khát vọng, tư duy phát triển đột phá, bền vững hơn nữa

Ngày 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm làm việc tại tỉnh Thái Bình. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Bình. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Bình. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình chiều 8/5, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đạt được trong thời gian qua. 

Thủ tướng nêu rõ, Thái Bình đã vượt qua chính mình, nhưng cần vượt qua chính mình hơn nữa bởi tỉnh có đủ điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn; chúng ta phải có khát vọng, động lực hơn nữa vì con người Thái Bình thông minh, cần cù, chịu khó, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa; phải tự hào với truyền thống văn hóa quê hương. Hạ tầng chiến lược nói chung gồm hạ tầng kinh tế như giao thông, chống biến đổi khí hậu, hạ tầng liên quan môi trường, y tế, giáo dục vẫn là nút thắt hiện nay. Các tỉnh chung quanh Thái Bình đang có chiến lược phát triển rất nhanh, mạnh, khai thác thế mạnh trong vùng.

Thời gian tới, Thủ tướng mong muốn Thái Bình có sự đột phá, toàn diện, bền vững hơn nữa; thu nhập bình quân đầu người phải cao hơn nữa. Muốn vậy, tỉnh phải nhận thức là nằm ở tương đối trung tâm đồng bằng sông Hồng, có nhiều thuận lợi, có tiềm lực con người, truyền thống lịch sử văn hóa, cần khai thác tối đa. Cần triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng phù hợp điều kiện của tỉnh, tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để phát triển tỉnh trong điều kiện mới. 

Thủ tướng mong muốn Thái Bình phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, thông minh, chịu khó; phải tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại vào Trung ương; không thụ động, phải tích cực, chủ động hơn nữa. Đi lên từ nội lực, là con người, truyền thống, lịch sử văn hóa; coi trọng ngoại lực.

Nông nghiệp vẫn là một trụ cột quan trọng của tỉnh vì đây là thế mạnh. Chúng ta phải phát huy thế mạnh này, nhưng tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng thương hiệu lúa gạo cho Thái Bình góp phần phục vụ an ninh lương thực, xuất khẩu; đầu tư khoa học-công nghệ, tăng năng suất lao động về giống, phân bón, công nghệ mới, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, mở rộng thị trường, quy hoạch vùng nguyên liệu. Phải tạo hệ sinh thái nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động, tạo thị trường trong nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chế biến sâu; phải có chuỗi cung ứng toàn quốc, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tập trung cho công tác quy hoạch, phải có tầm nhìn chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy thế mạnh, có tư duy đổi mới, đột phá tạo nguồn lực, động lực mới. Tầm nhìn chiến lược để tạo ra ổn định lâu dài. Quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch để khai thác tiềm năng, lợi thế khác biệt, nổi trội.

Phải tập trung cho hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông, trong đó có đường thủy, đường thủy nội địa, đường bộ; tăng cường kết nối với cảng Lạch Huyện, sân bay Cát Bi...; tập trung mọi nguồn lực để đầu tư đường bao biển; không đầu tư manh mún, dàn trải; làm càng sớm càng tốt, góp phần mở cửa ra nước ngoài; có đường này thì khu kinh tế mới hiệu quả, tạo không gian phát triển mới, động lực mới, tạo việc làm, thu hút đầu tư.

Phải xác định rõ quyết tâm này, không nên trông chờ vào nguồn lực từ Trung ương. Phải tăng thu, giảm chi để tập trung đầu tư cho tuyến đường này, từ đó tạo ra giá trị, nhà đầu tư sẽ tăng cường đầu tư vào đây, sẽ có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị... Vậy nguồn lực ở đâu? Từ trí tuệ của mình vì tư duy tạo ra tiền bạc. Tập trung làm đường ven biển là tư duy, không tốn nhiều tiền mà lại gắn với thế mạnh. Tăng cường hợp tác đối tác công tư; phải tìm được các đối tác có thực lực; tăng cường lãnh đạo công, quản trị tư. Thái Bình có 2 trường đại học, do đó phải có trung tâm y tế để vừa trở thành trung tâm đào tạo, chữa bệnh; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. 

Thái Bình cần có khát vọng, tư duy phát triển đột phá, bền vững hơn nữa -0
  Quang cảnh buổi làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Bình.

Phải nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh; các sở, ngành phải thực sự cải cách, thực sự vì người dân và doanh nghiệp. Không coi thường các chỉ số này vì các nhà đầu tư thường xem xét các chỉ số này mới quyết định đầu tư vào tỉnh hay không. Tái cơ cấu kinh tế, huy động tối đa nguồn lực trong xã hội; tái cơ cấu để bền vững, hiệu quả. Trong chỉ đạo, điều hành phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm; phải chọn điểm đột phá, làm việc nào dứt điểm việc đó. Chủ động công tác thanh tra, kiểm tra, bảo vệ môi trường. Đầu tư nguồn lực xứng đáng cho giáo dục, đào tạo.

Phải tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, an dân, an toàn; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... 

* Sáng 8/5, trong chuyến công tác tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm huyện Tiền Hải (26/3/1962-26/3/2022); Lễ khánh thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phát động thực hiện chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Trong 60 năm qua, những tình cảm sâu nặng, những chỉ bảo ân tình và mong muốn của Bác Hồ đã khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Tiền Hải, trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Hải đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng và trong công cuộc đổi mới của đất nước.

Để thể hiện tình cảm thiêng liêng và lòng biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu và tri ân công ơn to lớn của Người, năm 1994, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ngay trên mảnh đất Bác Hồ từng đứng nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân Nam Cường; đến năm 2015, Khu lưu niệm được công nhận là Di tích cấp quốc gia.

Trải qua thời gian, Khu lưu niệm đã xuống cấp, năm 2021, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Trung ương và tỉnh, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được tu bổ, tôn tạo, mở rộng trên khuôn viên diện tích 1,27 ha, được quy hoạch, xây dựng tổng thể với nhiều hạng mục, tạo sự hài hòa, đồng bộ về kiến trúc, cảnh quan; vừa tôn nghiêm, ấm cúng, vừa mộc mạc, giản dị. Tổng kinh phí tu bổ, tôn tạo Khu lưu niệm hàng chục tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành đúng dịp Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mãi mãi là biểu tượng cao đẹp, thể hiện lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu; là niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải mãi mãi gìn giữ Di tích quốc gia đặc biệt quý giá này để muôn đời hướng về, học tập nghiên cứu, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của Người; đồng thời giáo dục tư tưởng nhân văn, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho lớp lớp thế hệ mai sau.

Sau khi tiến hành nghi thức khánh thành công trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã dâng hương tưởng niệm Bác Hồ và trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ghi sổ vàng lưu niệm tại Khu lưu niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân huyện Tiền Hải tiếp tục phát huy tốt nhất những thành quả đã đạt được, tiếp tục đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân để xây dựng Tiền Hải ngày càng giàu mạnh, nhân dân được hưởng ấm no, hạnh phúc như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, khảo sát một số dự án, công trình lớn trên địa bàn tỉnh. Cùng đi có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Thủ tướng và đoàn công tác đã khảo sát, kiểm tra tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động của Khu kinh tế (KKT) Thái Bình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Thủ tướng cũng nghe báo cáo về phương án quy hoạch giao thông tỉnh Thái Bình tới năm 2030, phương án lấn biển...; khảo sát Khu công nghiệp Liên Hà Thái thuộc KKT này.

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng về các khó khăn, vướng mắc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết, khó khăn lớn là tỉnh chưa có kinh nghiệm trong triển khai KKT, nên đã rất cầu thị tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh khác. Tỉnh cũng quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác này.

Ông Ngô Đông Hải cũng cho biết một số khó khăn về quy định hiện hành; khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi đất chật người đông. "Nếu không có sự vào cuộc của người dân thì trong vòng từ 6-8 tháng, không thể giải phóng mặt bằng được hơn 500 ha". Ông cũng cho biết, hiện khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái đã có 4 nhà đầu tư lớn của nước ngoài và đang có nhiều nhà đầu tư khác quan tâm...

Thủ tướng cho biết Trung ương rất quan tâm tới việc phát triển KKT Thái Bình và chuyến công tác, khảo sát này nhằm "lắng nghe hơi thở cuộc sống" để tìm hiểu cuộc sống, lắng nghe về các khó khăn, vướng mắc, các kinh nghiệm, bài học rút ra. Đây là KKT rất quan trọng với Thái Bình, tỉnh đất hẹp người đông, đưa tỉnh phát triển hướng ra biển, khai thác không gian biển.

Thủ tướng gợi ý, trước đây, tiền nhân đã khai phá huyện Tiền Hải của tỉnh Thái Bình. Đến nay, KKT Thái Bình mới chủ yếu phát triển trên đất liền, cần phát triển theo hướng khai thác không gian biển. Kinh nghiệm là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phải đi trước, phải phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống chính trị, người dân và nhà đầu tư để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; an sinh phải đi đầu; và hạ tầng phải đồng bộ.

Thủ tướng nhấn mạnh muốn phát triển được KKT này cần xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, liên thông, đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước và hạ tầng xã hội như nhà ở công nhân, hạ tầng môi trường. Phân tích kỹ hơn về yêu cầu phát triển hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu tỉnh dồn lực nguồn vốn đầu tư công để hoàn thiện hạ tầng kết nối khu kinh tế, trong đó trước hết là dự án đường ven biển để kết nối càng sớm càng tốt với sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện của Hải Phòng.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không trông chờ, ỷ lại vào Trung ương; gợi ý về các phương án triển khai xây dựng KKT, trong đó đó có mô hình đầu tư công-quản trị tư. Quản trị công là xây dựng thể chế, quy hoạch, chiến lược, xây dựng hạ tầng tới chân hàng rào KKT…, còn quản trị tư là giao cho nhà đầu tư lớn vận hành, kêu gọi, thúc đẩy các nhà đầu tư khác. Nhiều tỉnh đã làm tốt mô hình này.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Bình phải xác định người dân phải được hưởng lợi từ KKT chứ không phải bị ảnh hưởng, bảo đảm đời sống của người dân đã nhường mặt bằng cho dự án ở nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước.