Thách thức trong giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền

Hơn 10 năm qua, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và liên tục giữ vững tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức dưới 2,1. Tuy nhiên, hiện nay, mức sinh ở các vùng, miền có sự chênh lệch lớn. Trong khi mức sinh khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức thấp thì ở miền trung và Tây Nguyên, miền núi phía bắc vẫn có mức sinh cao. Đây là thách thức, đòi hỏi công tác dân số cần có những biện pháp để cân đối mức sinh giữa các vùng, miền...

Cán bộ chuyên trách dân số xã Phước Trung, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: MỸ DUNG
Cán bộ chuyên trách dân số xã Phước Trung, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: MỸ DUNG

Bức tranh chung về mức sinh chung của cả nước đang có nhiều mảng màu khác biệt. Hiện vẫn còn bốn trong sáu vùng kinh tế - xã hội chưa đạt được mức sinh thay thế, có nơi mức sinh rất cao dẫn tới quy mô dân số tiếp tục tăng nhanh. Trong khi ở một số vùng đô thị, vùng kinh tế phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp xa so với mức sinh thay thế. Vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế, như TP Hồ Chí Minh (trung bình 1,33 con), Đồng Tháp (1,57 con); Cần Thơ (1,58 con), Cà Mau (1,62 con), Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (1,7 con)... Trong khi đó, các tỉnh miền trung và Tây Nguyên lại đối mặt với tỷ suất sinh cao.

Theo các chuyên gia dân số, với mức sinh thấp như ở một số tỉnh, thành phố nêu trên, nếu không có những biện pháp can thiệp sẽ dẫn đến mức sinh giảm sâu hơn, khi đó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến chất lượng dân số, cơ cấu dân số và già hóa dân số nhanh chóng. Trái lại, khu vực Tây Nguyên và miền trung lại là hai vùng có tỷ lệ mức sinh cao. Nơi đây, việc tiếp cận các phương tiện tránh thai cũng như phương tiện truyền thông về kế hoạch hóa gia đình vẫn còn hạn chế, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49) sinh con thứ ba trở lên cao nhất cả nước. Thậm chí có những nơi, người dân vẫn sinh tới sáu, bảy người con. Do đó, việc kéo giảm mức sinh ở khu vực này là chặng đường dài, đầy gian nan và vất vả.

Tại hội thảo “Vấn đề mức sinh thấp tại TP Hồ Chí Minh: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp” được tổ chức mới đây, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Phạm Thị Mỹ Lệ cho biết, tổng tỷ suất sinh của thành phố năm 2018 là 1,33 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,1 con. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh là một trong 17 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Điều này tác động mạnh đến cơ cấu dân số của thành phố trong tương lai. Với mức sinh thấp ở mức nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có những biện pháp để can thiệp, thời gian tới mức sinh sẽ càng giảm sâu hơn. Khi dân số bước vào giai đoạn già hóa, số người trẻ, nguồn lao động thay thế không đủ đáp ứng sẽ tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nước.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng DS - KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết: Trong bối cảnh mức sinh không đồng đều giữa các vùng, miền như hiện nay, Tổng cục DS - KHHGĐ đang khẩn trương hoàn thiện Đề án điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, miền. Nội dung đề án sẽ tập trung vào việc khuyến sinh ở vùng có mức sinh thấp; tiếp tục vận động giảm sinh ở nơi có mức sinh cao và thực hiện duy trì mức sinh ở những địa phương đã đạt mức sinh thay thế. Đáng chú ý, hiện nay, quy mô dân số của nước ta còn lớn, vì vậy, cần phải có sự điều chỉnh và hướng dẫn để tránh tình trạng người dân hiểu lầm và gây ra phản ứng ngược khiến mức sinh tăng trở lại; nhất là ở những vùng đang có mức sinh cao. Cho nên, việc duy trì mức sinh hợp lý là giải pháp hữu hiệu nhất trong giai đoạn hiện nay, giúp chúng ta có được quy mô và cơ cấu dân số hài hòa nhất.

Để duy trì mức sinh thay thế đúng theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, điều quan trọng nhất là người dân cần hiểu về ý nghĩa của thông điệp: “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con”. Với những vùng có mức sinh cao, những nơi được coi là “lõi” của đói nghèo, cần tiếp tục cuộc vận động giảm sinh để bảo đảm ổn định cuộc sống, tập trung nuôi dạy các con cho tốt. Nhiệm vụ đặt ra là cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giữ mức sinh đồng đều giữa các vùng, khu vực và không để mức sinh “tụt” quá thấp, nhất là ở các tỉnh, thành đang có mức sinh thấp và có xu hướng tiếp tục giảm sinh.

Chi cục DS - KHHGĐ thành phố Hồ Chí Minh đang đề xuất Sở Y tế cần có chính sách ưu tiên giải quyết tình trạng mức sinh thấp, nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể, đề xuất hỗ trợ miễn, giảm toàn bộ chi phí viện phí trong lần sinh con thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu thường trú tại thành phố; cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà ở xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con, có hộ khẩu thường trú tại thành phố; miễn, giảm chi phí giáo dục cho trẻ dưới 10 tuổi...