Thách thức trong giai đoạn mới ở Panama

Cựu Bộ trưởng Nông nghiệp L.Cortizo vừa đắc cử Tổng thống Panama nhiệm kỳ 2019-2024. Nhiều khó khăn đặt ra cho ông Cortizo nhằm hiện thực hóa các cam kết trong cương lĩnh tranh cử, đáng chú ý là cải tổ các thiết chế hoạt động kém hiệu quả, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, lấy lại niềm tin của người dân và cải thiện hình ảnh quốc gia.

Kênh đào Panama có vai trò chiến lược trong hệ thống thương mại hàng hải toàn cầu. Ảnh: GRAINEWS.CA
Kênh đào Panama có vai trò chiến lược trong hệ thống thương mại hàng hải toàn cầu. Ảnh: GRAINEWS.CA

Tòa Bầu cử Panama (TE) tuyên bố doanh nhân, chính trị gia L.Cortizo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hôm 5-5 vừa qua. Ông Cortizo đắc cử tổng thống Panama, nhiệm kỳ 5 năm tới, sau khi vượt qua cựu Bộ trưởng Ngoại giao R.Roux và ứng cử viên độc lập R.Lombrana. Theo TE, hơn 95% trong tổng số 2,757 triệu cử tri Panama đã đi bỏ phiếu để bầu ra tổng thống mới cho nhiệm kỳ 2019-2024, cùng phó tổng thống, nghị sĩ quốc hội, nghị sĩ tại nghị viện Trung Mỹ, các thị trưởng, đại diện bang và chính quyền địa phương.

Trong cương lĩnh tranh cử, ông Cortizo đề cập chính sách điều hành đất nước dựa trên các trụ cột và ưu tiên, như xây dựng chính phủ hiệu quả, chống nghèo đói và bất bình đẳng, xây dựng nền kinh tế năng động tạo thêm nhiều việc làm, đồng thời cải cách ngành giáo dục. Ông Cortizo cũng cam kết cải tổ các thể chế hoạt động lãng phí và kém hiệu quả, vốn cản trở phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một bộ phận người dân Panama đã sụt giảm niềm tin bởi nạn tham nhũng hoành hành nhiều năm qua. Yêu cầu đặt ra cho nhà lãnh đạo mới ở Panama là xây dựng một chính phủ minh bạch, có trách nhiệm giải trình để lấy lại niềm tin từ dân chúng. Bên cạnh đó, khoảng cách giàu nghèo gia tăng trong nhiều năm cũng là nguyên nhân gây tổn thất cho nền kinh tế, châm ngòi cho làn sóng bất bình trong nước. Với mục tiêu biến Panama thành “quốc gia công bằng”, ông Cortizo khẳng định, chính quyền mới sẽ ưu tiên các giá trị đạo đức, cải thiện các dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông...

Với kênh đào Panama, nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, có vai trò chiến lược trong hệ thống thương mại hàng hải toàn cầu, quốc gia Trung Mỹ là điểm đến đầu tư lý tưởng, nhất là các nhà đầu tư từ châu Mỹ và châu Á. Việc cân bằng lợi ích với hai dòng đầu tư này cũng được chính quyền Panama ưu tiên trong chính sách nhiệm kỳ tới. Ông Cortizo từng khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, khi khẳng định trong bài trả lời phỏng vấn Reuters rằng, áp đặt bất cứ điều gì với người dân không được hoan nghênh tại Panama.

Nhà lãnh đạo mới của Panama cam kết cải thiện hình ảnh của đất nước, từng bị ảnh hưởng từ các bê bối, như vụ “Hồ sơ Panama” liên quan nạn trốn thuế và rửa tiền, hay vụ hối lộ của công ty xây dựng Brazil... Chính phủ Panama thời gian qua đã có nhiều động thái, nhằm nâng cao tính minh bạch của hệ thống tài chính quốc gia, thúc đẩy các chương trình hỗ trợ xã hội và giáo dục, cũng như cải thiện khung pháp lý và tính bền vững trong lĩnh vực năng lượng... Song, chính phủ mới ở Panama tiếp tục đứng trước nhiều thách thức, để khôi phục hình ảnh của một nền kinh tế Panama, với tốc độ tăng trưởng trong tốp nhanh nhất thế giới.

Trong nỗ lực nhằm cải thiện hiệu quả làm việc của các thiết chế chính quyền, một chiến dịch nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ “giải cứu Panama”, dự kiến được công bố và triển khai trên toàn quốc từ ngày 1-7 tới, sau khi tổng thống đắc cử chính thức nhậm chức. Người dân Panama đang chờ đợi các biện pháp hợp lý và hiệu quả, nhằm hiện thực hóa hơn 100 đề xuất trong Kế hoạch Chính phủ 2019-2024 mà nhà lãnh đạo mới của Panama cam kết.