Thách thức trong đầu tư phát triển lưới điện truyền tải

Tính đến ngày 31/8/2022, hệ thống truyền tải điện quốc gia do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đầu tư và quản lý vận hành đã phát triển nhanh và mạnh với quy mô lên tới 178 trạm biến áp (TBA), trong đó có 35 TBA 500kV và 143 TBA 220kV với tổng dung lượng 111.925MVA; 28.678 km đường dây (ĐZ) truyền tải (trong đó có 10.118 km ĐZ 500kV, 18.561km ĐZ 220kV). Lưới truyền tải điện quốc gia ngày càng đồng bộ, hiện đại, đã vươn tới toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, kết nối với lưới truyền tải điện các nước trong khu vực như: Lào, Campuchia, Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng-Quảng Trạch-Dốc Sỏi-Pleiku 2 vừa được hoàn thành và đóng điện.
Đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng-Quảng Trạch-Dốc Sỏi-Pleiku 2 vừa được hoàn thành và đóng điện.

Trong 6 năm qua, EVNNPT đã nỗ lực rất lớn để đầu tư phát triển lưới điện truyền tải, bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nhất là xu hướng chuyển dịch năng lượng nhằm đáp ứng các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Tổng Công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu về cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chung tay giải quyết, tháo gỡ.

Quy mô phát triển nhanh, nhu cầu đầu tư lớn

EVNNPT cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, Tổng Công ty đã đầu tư đưa vào vận hành 272 dự án lưới điện truyền tải (trong đó có 59 dự án 500kV, 212 dự án 220kV), đưa vào vận hành mới 57 TBA (10 TBA 500kV, 47 TBA 220kV) với tổng dung lượng tăng thêm là 50.399MVA, gồm 20.250MVA máy biến áp 500kV, 30.149MVA máy biến áp 220kV, tăng 1,85 lần; chiều dài ĐZ tăng thêm 5.126km, tăng 1,23 lần so thời điểm cuối năm 2015.

Trong giai đoạn 2016-2021, EVNNPT đã thực hiện khối lượng đầu tư lớn với tổng vốn đầu tư đạt 109.634 tỷ đồng, đồng thời thực hiện tốt công tác thu xếp vốn với 80.369 tỷ đồng vốn tự có, 16.862 tỷ đồng vốn vay ODA và 12.404 tỷ đồng vốn vay thương mại trong nước.

Cũng trong giai đoạn này, Tổng Công ty đã hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành nhiều dự án lưới điện truyền tải quan trọng, nâng cao năng lực lưới truyền tải, giải tỏa công suất các dự án nguồn điện và các dự án bảo đảm cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội các địa phương. Đặc biệt, đơn vị vừa hoàn thành đưa vào vận hành ĐZ 500kV mạch 3 (Vũng Áng-Quảng Trạch-Dốc Sỏi-Pleiku 2), qua đó đã góp phần nâng cao năng lực lưới điện truyền tải 500kV bắc-nam, bảo đảm cung cấp điện cho miền bắc và miền nam trong thời gian qua cũng như các năm tiếp theo.

Trong giai đoạn 2021-2030, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII Bộ Công thương đang trình Thủ tướng Chính phủ, lưới điện truyền tải sẽ tiếp tục phải được đầu tư với khối lượng rất lớn so với trước đây. Cụ thể, nếu được chính thức phê duyệt, nhu cầu đầu tư mới và cải tạo các TBA 500 kV và 220kV là 193.222 MVA, đầu tư mới và cải tạo 36.350km ĐZ 500kV và 220kV. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển lưới điện truyền tải khoảng 335.049 tỷ đồng, tương ứng nhu cầu vốn đầu tư trung bình hằng năm khoảng 35.500 tỷ đồng.

Nhiều vướng mắc, thách thức

Lãnh đạo EVNNPT cho biết, để đáp ứng tình hình phát triển thực tế của phụ tải, tình hình và tiến độ triển khai thực tế các dự án nguồn điện, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng tái tạo trong các năm gần đây, việc cần thiết là phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với nhiều dự án lưới điện truyền tải. Tuy nhiên, với thủ tục điều chỉnh bổ sung quy hoạch rất khó khăn, phức tạp và kéo dài thời gian, đặc biệt kể từ thời điểm áp dụng Luật Quy hoạch 2017, đã gây khó khăn vướng mắc, ảnh hưởng lớn tiến độ các dự án lưới điện trọng điểm.

Bên cạnh đó, thời gian qua, việc bố trí quỹ đất cho các dự án lưới điện truyền tải chưa thật sự được các cấp, ngành quan tâm, quy hoạch điện chưa phù hợp các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, dẫn đến nhiều dự án không có trong quy hoạch sử dụng đất của địa phương, đặc biệt là các dự án 500kV (do không có trong danh mục quy hoạch phát triển điện lực của địa phương, nên không được đưa vào quy hoạch xây dựng và bố trí quỹ đất). Một số dự án có trong quy hoạch điện nhưng chưa có trong quy hoạch chung của tỉnh, dẫn đến việc tỉnh không thỏa thuận vị trí…

Công tác thỏa thuận tuyến ĐZ và vị trí TBA với địa phương gặp nhiều vướng mắc, kéo dài thời gian lập và phê duyệt dự án đầu tư, nhất là các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Một số địa phương quản lý quy hoạch còn chồng chéo, dẫn đến tình trạng mặc dù đã có thỏa thuận hướng tuyến nhưng sau đó lại cấp phép xây dựng cho các công trình khác, gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, hầu hết dự án đầu tư xây dựng mới do EVNNPT làm chủ đầu tư đều phải đề nghị Nhà nước giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng, có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Cụ thể: các dự án TBA đặt trên địa bàn 1 tỉnh và các dự án ĐZ truyền tải điện đi qua địa bàn 1 tỉnh phải trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư; các dự án ĐZ truyền tải điện có phạm vi trải dài trên địa bàn 2 tỉnh trở lên sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mà không phân biệt nhóm dự án (không phân biệt giá trị lớn/nhỏ).

Thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định nêu trên dẫn đến thời gian thực hiện thủ tục kéo dài nhiều tháng đến cả năm đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng của EVNNPT.

Đồng thời, công tác quản lý đất đai tại một số địa phương còn yếu kém, gây khó khăn trong công tác xác định nguồn gốc đất, nhiều thửa đất/diện tích đất không xác định được là đất công do chính quyền quản lý hay đất giao cho hộ gia đình/doanh nghiệp, dẫn đến công tác quy chủ, kiểm kê gặp nhiều khó khăn và chậm trễ. Thậm chí, tại một số địa phương, cấp cơ sở đã tự ý giao đất/bán đất trái thẩm quyền dẫn đến tranh chấp và khiếu kiện kéo dài…

Một trong những vướng mắc thường xảy ra trong quá trình triển khai các dự án của EVNNPT là đơn giá bồi thường. Trên thực tế, đơn giá bồi thường được cấp thẩm quyền phê duyệt thường không theo kịp giá thực tế thị trường, dẫn đến không có sự đồng thuận của người dân và khiếu nại kéo dài.

Trong những năm qua, việc phải thực hiện đền bù theo quy định đã khiến một số dự án đầu tư lưới điện truyền tải của EVNNPT bị chậm, trong khi đó, các chủ đầu tư tư nhân có thể áp dụng cơ chế giá đền bù thỏa thuận với người dân theo giá thị trường nên công trình bảo đảm tiến độ.

Mặt khác, thủ tục xin chuyển đổi đất rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang đất xây dựng dự án khá phức tạp, chuyển qua lại giữa các đơn vị, ở nhiều cấp để kiểm tra rà soát, có dự án thời gian kéo dài cả năm, thậm chí nhiều năm chưa xong, cũng là nguyên nhân khiến các dự án gặp khó khăn. Giai đoạn cuối năm 2020, đầu năm 2021, giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, trong khi thông báo giá vật liệu xây dựng của các địa phương và các cơ quan ban hành không kịp thời, dẫn đến giá trị dự toán gói thầu được lập/duyệt chưa theo sát với sự biến động của thị trường…

Tạo thuận lợi, tháo gỡ các rào cản

Để góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư lưới điện truyền tải, EVNNPT kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Quy hoạch Điện VIII, trong đó cần quy hoạch tổng thể đối với các nguồn điện, đặc biệt các nguồn năng lượng tái tạo kèm theo lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các công trình nguồn điện. Chính phủ xem xét thống nhất nguyên tắc quy hoạch mang tính mở và linh hoạt thông qua cơ chế cho phép xây dựng kế hoạch đầu tư ngắn và trung hạn theo từng năm trong giai đoạn đến năm thứ N+5 và N+10 để có thể cập nhật danh mục đầu tư nguồn và lưới điện phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời, kiến nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hằng năm là Bộ Công thương có hướng dẫn cụ thể về các quy định về trình tự, thủ tục đối với việc lập và phê duyệt kế hoạch đầu tư ngắn và trung hạn để các cơ quan quản lý nhà nước và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNNPT có cơ sở triển khai thực hiện sau này. Cơ quan quản lý nhà nước xem xét xây dựng cơ chế giá truyền tải điện bảo đảm khả năng thu hồi vốn cho các nhà đầu tư lưới điện truyền tải.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương xem xét có cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án lưới điện truyền tải của EVNNPT, nhất là công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi đất rừng và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bảo đảm đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải trọng điểm đúng tiến độ; cho phép chủ đầu tư (EVNNPT) tự thẩm định, phê duyệt các giai đoạn thực hiện công tác đầu tư xây dựng các dự án cải tạo, mở rộng, nâng công suất các TBA 500kV, 220kV, nâng khả năng tải các ĐZ, các dự án có nội dung chủ yếu là mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ có tỷ trọng chi phí cấu phần xây dựng nhỏ hơn 15% giá trị tổng mức đầu tư.

EVNNPT đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo và quyết định cho phép thực hiện một số cơ chế cụ thể như: nghiên cứu, xem xét cho phép các dự án được phê duyệt trong Quy hoạch Điện VIII không phải phê duyệt chủ trương đầu tư khi triển khai thực hiện; chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án điện, có quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch bố trí đất cho dự án điện theo các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt.

Cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích xây dựng công trình điện mà không phải thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng cho từng dự án (trong trường hợp đã được UBND cấp tỉnh, thành phố nơi có dự án thỏa thuận địa điểm xây dựng, hướng tuyến đường dây; diện tích đất rừng cần chuyển mục đích sử dụng trong hạn mức quy định thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) đối với các dự án sẽ xây dựng theo quy hoạch điện đã được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt.

Đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế tài chính là các ngân hàng trong nước cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng hoặc chịu rủi ro tín dụng nhưng không bị tính về giới hạn tín dụng khi được giao cho vay lại…

Thách thức trong đầu tư phát triển lưới điện truyền tải ảnh 1

Khẩn trương thi công Đường dây 500kV Vĩnh Tân-Vân Phong.