Thách thức trong bảo hộ, quản lý chỉ dẫn địa lý

Bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đã trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Hua La, thành phố Sơn La được tập huấn cách trồng cà-phê chất lượng cao.
Người dân xã Hua La, thành phố Sơn La được tập huấn cách trồng cà-phê chất lượng cao.

Để đáp ứng hơn nữa đối với sự phát triển của khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, lĩnh vực này cần nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến tháng 3/2023, có 128 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, trong đó có 13 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài, 115 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Thông qua chương trình phát triển tài sản trí tuệ ở trung ương và địa phương, nhiều nhiệm vụ liên quan đến hỗ trợ nâng cao năng lực, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ đã được triển khai.

Cụ thể như, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt hỗ trợ triển khai 32 nhiệm vụ trong năm 2021-2022, gồm 26 nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương. Các địa phương cũng đã phê duyệt triển khai 122 nhiệm vụ, trong đó có 21 nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý...

Thông qua đó, giá trị sản phẩm được nâng cao, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Người dân dần dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung, từ sản xuất, phát triển sản phẩm tự do sang sản xuất, kinh doanh sản phẩm có bảo hộ sở hữu trí tuệ và được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng. Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù địa phương còn góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc, tri thức truyền thống, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình bản địa.

Sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm tăng đáng kể. Đặc biệt, thông qua hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) và thanh long Bình Thuận lần lượt được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản vào năm 2021.

Sự kiện quan trọng này đánh dấu bước tiến lớn, thiết lập thành tựu mới trong hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực quốc gia. Bên cạnh đó, có nhiều mô hình điểm, điển hình đáng ghi nhận của hoạt động bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ.

Đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh tới cấp xã trong công tác xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sơn La; việc lồng ghép hiệu quả giữa sở hữu trí tuệ và sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh; phát triển tài sản trí tuệ gắn với khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống kinh đô Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế; sở hữu trí tuệ phục vụ chống biến đổi khí hậu của các tỉnh Tây Nam Bộ; gắn kết giữa sở hữu trí tuệ với hội chợ kết nối các sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau.

Sự kết nối chặt chẽ giữa chương trình phát triển tài sản trí tuệ và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn vừa qua đã thúc đẩy việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.

Đã có 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý như: chè Shan tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang, chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà-phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và An Giang…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Sở hữu trí tuệ, công tác bảo hộ, quản lý chỉ dẫn địa lý vẫn có những khó khăn, cần được tháo gỡ. Hiện tại, chưa có nhiều sản phẩm chế biến được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, chủ yếu là sản phẩm hoa quả, chiếm 35% tổng số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

Gần đây, bảo hộ cho sản phẩm chế biến có xu hướng tăng, và cần thúc đẩy bằng các cơ chế, giải pháp hỗ trợ các nhóm chủ thể doanh nghiệp và nhóm sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP địa phương tạo ra tài sản trí tuệ. Các cơ quan chức năng cần khảo sát, đánh giá định kỳ về các kết quả tồn tại, khó khăn của công tác quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ; triển khai nghiên cứu xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản ưu tiên đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong thời gian tới.

Mặt khác, hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát sử dụng chỉ dẫn địa lý chưa được thực hiện hoặc thực hiện không thường xuyên, dẫn đến các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chưa được xử lý kịp thời, gây mất uy tín cho sản phẩm của các chủ thể đã được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Do đó, cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước về quản lý, kiểm soát nguồn gốc chất lượng sản phẩm được bảo hộ; tăng cường năng lực cho cán bộ chuyên môn, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý; tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thực tế, có nhiều người biết đến sản phẩm, tin tưởng và tiêu dùng sản phẩm là một trong những mục tiêu quan trọng nhất để thu hút các chủ thể sản xuất tham gia vào chương trình bảo hộ sở hữu trí tuệ. Nhưng hiện nay, người tiêu dùng vẫn có ít thông tin và chưa hiểu biết đầy đủ về sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong khi đây là yếu tố đóng vai trò quyết định đến sự phát triển thị trường tiêu thụ và thương hiệu sản phẩm.

Vì vậy, thời gian tới, hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm bảo hộ sở hữu trí tuệ cần được tăng cường thực hiện. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc đăng ký chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá, phát triển hình ảnh, khẳng định vị thế cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực Việt Nam trên thị trường quốc tế.