Qua triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn tỉnh đã đạt kết quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, thực hành tiết kiệm của cán bộ, đảng viên, góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng. Ở nhiều địa phương, cơ sở, việc thực hiện Chỉ thị số 05 góp phần hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm và thực hiện tốt ba khâu đột phá chiến lược về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá và lập năm Nhóm công tác để tổ chức thực hiện. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của tỉnh có chuyển biến tích cực, thu hút được nhiều dự án thương mại, dịch vụ, công nghiệp; kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch được quan tâm đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo của tỉnh; cải cách hành chính có nhiều cách làm mới, hiệu quả được nhân dân đồng tình. Trung tâm hành chính công của tỉnh đã đi vào hoạt động; xây dựng được các bộ thủ tục hành chính đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết. Tây Ninh là tỉnh đầu tiên triển khai ứng dụng Zalo vào giải quyết thủ tục hành chính đem lại hiệu quả thiết thực. Thời gian tới, tỉnh sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành của tỉnh nhằm tạo đột phá quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của chính quyền.
Phát huy những kết quả đạt được, Tây Ninh xác định tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chuyên đề năm 2020 “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bảo đảm thiết thực, hiệu quả, sát hợp với thực tế từng ngành, địa phương. Tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với kiểm tra thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, khóa XII), các quy định về nêu gương, việc phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của đảng viên.
* Tỉnh Đồng Tháp thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt gần 100% bằng việc đưa các loại máy nông nghiệp vào sử dụng như: máy gặt đập liên hợp, máy cấy lúa, máy sạ hàng kết hợp phun xịt thuốc, máy phun thuốc sâu có động cơ... Qua đó đã góp phần quan trọng trong giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong thực tế, một nhân công thực hiện việc gieo sạ hoặc bón phân bằng phương pháp thủ công chỉ được từ 1 đến 2 ha/ngày, nhưng sử dụng máy có thể đạt từ 3 đến 4 ha/ngày. Theo các chuyên gia, mô hình “Sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh” đang áp dụng tại Đồng Tháp đồng bộ được ba khâu trong một máy cơ giới như cấy lúa, bón phân vùi theo gốc lúa, kết hợp phun xịt thuốc diệt cỏ dại tiền nảy mầm, diệt ốc... Sử dụng mô hình này giúp cây lúa sau khi cấy phục hồi nhanh, phát triển tốt, lúa cứng cây, không đổ khi gặp gió mưa. Lúa sau khi thu hoạch rất đồng đều, bán có giá cao hơn ruộng lúa cấy theo phương pháp thông thường từ 200 đến 400 đồng/kg; giảm thất thoát, giảm chi phí thu hoạch.
Tỉnh còn có nhiều mô hình giúp nông dân giảm chi phí vật tư và nhân công từ 2 đến 3 lần. Thí dụ như cấy lúa bằng máy; phun xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng phương tiện bay không người lái; hệ thống trạm bơm điện điều khiển từ xa bằng điện thoại; gặt đập liên hợp bằng máy cho độ sạch cao đạt hơn 95%. Thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích cơ giới hóa trong sản xuất, nhằm tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân công trong thu hoạch, tránh được độc hại, tăng lợi nhuận cho nông dân.