Tập trung phòng, chống ma túy, HIV trong công nhân, lao động

Nhiều năm qua, các cấp công đoàn cả nước đã nỗ lực bằng nhiều biện pháp, đưa nhiều hơn những kiến thức về phòng, chống ma túy đến với công nhân, lao động. Song, nhiều bạn đọc phản ánh, tệ nạn ma túy, HIV đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến người lao động.

Một buổi tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy cho công nhân ở Công ty Samsung Việt Nam (Bắc Ninh).
Một buổi tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy cho công nhân ở Công ty Samsung Việt Nam (Bắc Ninh).

Hiện nay, cả nước có hơn 100 nghìn người nghiện ma túy, trong đó, có nhiều người nghiện là công nhân, lao động (CNLĐ), nhất là CNLĐ ở ngành giao thông vận tải, xây dựng. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện thêm 3.133 trường hợp nhiễm HIV, 1.388 bệnh nhân AIDS và đã có 462 người tử vong do AIDS. Phân bố người nhiễm HIV ở nhóm tuổi từ 20 đến 50 tuổi, độ tuổi lao động sung sức, thì lại chiếm tỷ lệ cao (hơn 70%). Dịch HIV/AIDS mặc dù đã giảm tốc độ gia tăng, nhưng vẫn đang ở mức cao và là một trong những nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam. Nguy cơ lây nhiễm HIV trong CNLĐ chủ yếu qua sử dụng ma túy. Bên cạnh đó, còn không ít CNLĐ vẫn hằng ngày tiếp xúc với ma túy, thường xuyên sử dụng ma túy bằng hình thức tiêm chích, cho nên nguy cơ lây nhiễm HIV từ con đường này đối với CNLĐ rất cao. Do nhận thức còn hạn chế, cách thức sinh hoạt phóng túng, không chủ động đề phòng cũng tạo thành nguy cơ đe dọa CNLĐ bị lây nhiễm HIV.

Thực trạng đó chỉ ra rằng, phải có những giải pháp cấp bách, cần thiết phòng, chống ma túy, HIV cho CNLĐ và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Với tổ chức công đoàn, người đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động, thì nhiệm vụ trước mắt và lâu dài là cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giúp CNLĐ có đầy đủ kiến thức để đối phó với tệ nạn ma túy, tạo môi trường và phong cách sống lành mạnh, an toàn cho họ.

Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã chỉ đạo LĐLĐ các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể đến các công đoàn cơ sở. Tiêu biểu như các đơn vị: LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công đoàn ngành Ngân hàng Việt Nam, CĐ Công thương Việt Nam, CĐ Than - Khoáng sản VN, CĐ ngành Giao thông, LĐLĐ tỉnh Lai Châu, LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh, LĐLĐ TP Hà Nội, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, LĐLĐ tỉnh Hải Dương, LĐLĐ tỉnh Điện Biên... Các cấp công đoàn đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động phong phú, tuyên truyền phòng, chống ma túy, tội phạm và các tệ nạn xã hội trong CNLĐ. Công tác tuyên truyền tập trung vào các hình thức tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, văn nghệ, tiểu phẩm về phòng, chống ma túy, tội phạm, phát tài liệu, tờ rơi. Nhiều đơn vị còn tổ chức các buổi tọa đàm, loa phát thanh tại cơ sở... LĐLĐ TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều mô hình tuyên truyền như tập huấn, hội thảo, hội thi, mít-tinh, ca nhạc truyền thông tại các khu cộng đồng, khu nhà trọ; in ấn và phát các loại tờ rơi, áp-phích có nội dung phù hợp với CNLĐ nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của họ về phòng, chống ma túy; LĐLĐ TP Hà Nội đã phối hợp lồng ghép tổ chức các cuộc tọa đàm, hỏi đáp về công tác phòng, chống HIV/AIDS, phát các tài liệu tờ rơi về phòng, chống HIV/AIDS đến 5.000 CNLĐ khu công nghiệp Bắc Thăng Long; LĐLĐ tỉnh Sơn La tổ chức ký kết giao ước thi đua về "Tăng cường công tác phòng, chống ma túy trong CNLĐ" với các nội dung cụ thể, thiết thực. LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở tham gia xây dựng mô hình điểm về phòng, chống tệ nạn ma túy ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, biên tập tờ rơi, tờ gấp phát hành đến tận CNLĐ có nguy cơ cao về mắc tệ nạn xã hội.

Các cấp công đoàn còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình cụm VHTT-CNLĐ nhằm tạo sân chơi lành mạnh giúp CNLĐ và con em họ tránh xa ma túy và các tệ nạn xã hội khác. Công tác phòng, chống ma túy trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học ở nhiều nơi được triển khai thông qua cuộc vận động "Cán bộ, công chức, viên chức với tám giờ làm việc hiệu quả", Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy gắn với mô hình hoạt động "Câu lạc bộ công nhân nhà trọ", "Tổ công nhân tự quản". Qua đó, nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, CNLĐ trong công tác phòng, chống ma túy, tội phạm.

"Có 100% số tổ chức Công đoàn triển khai công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy làm giảm dần số người nghiện mới để đến năm 2015, về cơ bản không có người mới nghiện ma túy, tiến tới khống chế và đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy, HIV trong CNLĐ. Các cơ quan, đơn vị kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tự quản, tổ chức bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại cơ quan, đơn vị và cộng đồng...".

(Trích Chương trình mục tiêu phòng, chống ma túy của Tổng LĐLĐ Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 )

"Ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) có hàng trăm doanh nghiệp với hơn 20 nghìn công nhân, điều kiện ăn ở sinh hoạt của người lao động còn gặp nhiều khó khăn, thiếu nơi vui chơi giải trí và xuất hiện một số tệ nạn xã hội. Chúng tôi kiến nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, chủ sử dụng lao động và tổ chức công đoàn các cấp có nhiều biện pháp loại trừ tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống xã hội và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao để xây dựng môi trường khu công nghiệp nói chung và ở từng doanh nghiệp lành mạnh, không có tệ nạn xã hội ".

NGUYỄN THỊ DUNG Công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long