Tập trung ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

NDO -

NDĐT - Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lan nhanh, Cà Mau, Kiên Giang và Đồng Nai đã triển khai đồng bộ các giải pháp khẩn cấp ứng phó dịch tả lợn châu Phi.

Ngành chức năng tỉnh Đồng Nai tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả châu Phi tại huyện Trảng Bom. (ẢNH: THIÊN VƯƠNG)
Ngành chức năng tỉnh Đồng Nai tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả châu Phi tại huyện Trảng Bom. (ẢNH: THIÊN VƯƠNG)

* Chiều 27-5, UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã ra quyết định công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Đồi 61. Như vậy, đây là địa phương đầu tiên của Đồng Nai công bố hết dịch tả lợn kể từ khi dịch xuất trên địa bàn vào ngày 24-4.

Cụ thể, theo quyết định số 2349/QĐ-UBND-ngày 27-5 do Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lương Thị Lan đã ký, công bố hết dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn xã Đồi 61, từ ngày 25 -5 -2019. Cùng với đó, UBND huyện Trảng Bom đã quyết định dừng hoạt động của hai chốt kiểm dịch đồng vật tạm thời trên địa bàn xã Đồi 61.

Trước đó, vào ngày 24-4, một số con lợn tại trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Đằng, ở xã Đồi 61 có dấu hiệu chết bất thường. Qua xét nghiệm của cơ quan chuyên môn cho thấy, mẫu lợn tại hộ dân này dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng huyện Trảng Bom và tỉnh Đồng Nai đã tiến hành tiêu hủy hơn 240 con lợn trong trại theo quy định. Đồng thời, tiến hành khoanh vùng, dập dịch. Đến nay, ổ dịch đã qua 30 ngày, không phát sinh dịch bệnh nên UBND huyện Trảng Bom công bố hết dịch tả lợn châu Phi tại xã Đồi 61.

Như vậy, Đồng Nai hiện còn bảy xã có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày, tại các huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Long Thành. Toàn tỉnh Đồng Nai đã tiêu hủy gần 4.000 con lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Kể từ khi dịch bệnh này xuất hiện, nhiều trang trại trên địa bàn đã giảm đàn, ngừng chăn nuôi. Dẫn đến tổng đàn lợn của Đồng Nai chỉ còn 2 triệu con, giảm 0,5 triệu con so với thời điểm tháng 3-2019. Ngành chức năng và người chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai đang “gồng mình” phòng, chống dịch bệnh lây lan.

* Chiều 27-5, UBND TP Cà Mau cho biết, trưa 27-5, trong quá trình kiểm tra hộ kinh doanh cá thể, đoàn liên ngành của TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) phát hiện lô thịt lợn hơn 116kg tại cơ sở bán bánh mì thịt của hộ bà Huỳnh Kim Tư (ngụ khóm 1, phường Tân Xuyên, TP Cà Mau). Sau khi lập biên bản, niêm phong, đoàn kiểm tra liên ngành TP Cà Mau đã tịch thu và tiêu huỷ toàn bộ số thịt lợn theo quy định. Ngoài tiêu huỷ, UBND TP Cà Mau đang xem xét xử lí hành chính đối với bà Tư về việc tiêu thụ thịt lợn không rõ nguồn gốc.

Trước vòng vây dịch bệnh từ nhiều phía, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cà Mau đã có nhiều chuyến kiểm tra thực tế và nhiều cuộc họp quan trọng nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp khẩn cấp ứng phó dịch tả lợn Châu Phi. Theo đó, tỉnh tiến hành việc kiểm soát nguồn bệnh từ ngoài bằng cách thiết lập chốt, trạm kiểm dịch trên các tuyến giao thông, tiêu độc khử trùng và ngăn chặn việc vận chuyển lợn nhằm giảm lây lan dịch bệnh…. Cơ quan chức năng tỉnh còn quyết liệt công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển, mua bán thịt lợn nội địa, hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi.

Tập trung ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi ảnh 1

Nhân viên Trạm kiểm dịch Quản lộ Phụng Hiệp tiêu độc, khử trùng xe vào địa bàn tỉnh Cà Mau. (ẢNH: HỮU TÙNG)

Gần đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh còn chỉ đạo cơ quan chuyên trách phối hợp với các nhà mạng, thực hiện việc nhắn tin đến tất cả các số thuê bao di động trên địa bàn tỉnh về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau, tin nhắn gồm ba nội dung là “bốn không, hai phải và một chỉ”. Cụ thể, “Bốn không” gồm: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết hoặc không có dấu kiểm soát của cơ quan thú y; không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn thừa chưa nấu chín để nuôi lợn. “Hai phải” là: phải báo ngay cho cơ quan thú y và trưởng ấp, khóm khi phát hiện lợn bệnh chết; phải thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. “Một chỉ” là chỉ sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm soát của thú y và qua nấu chín.

“Ngoài việc nhắn tin, Cà Mau còn thiết lập đường dây nóng. Khi người dân phát hiện lợn bệnh chết, vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc thì gọi về số máy 0918.494.840, gặp ông Nguyễn Thành Huy, Chi Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở NN-PTNT” - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau Nguyễn Văn Đen chia sẻ.

Cà Mau hiện có tổng đàn lợn hơn 75 nghìn con. Thực hiện chỉ đạo của T.Ư và Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cà Mau huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống và ứng phó với đại dịch tả lợn châu Phi. Đây cũng là một trong những “thành trì” sau cùng của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa có dịch.

* UBND tỉnh Kiên Giang vừa yêu cầu, các địa phương trong tỉnh chỉ đạo, huy động lực lượng ngăn chặn dịch bệnh lây lan, khống chế và xử lý kịp thời các ổ dịch.

Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo, tập trung các giải pháp: vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; kiểm soát vận chuyển; chủ động kiểm soát, cảnh báo và truyền thông; khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh, nghi bệnh theo quy định.

UBND huyện Tân Hiệp (nơi xảy ra dịch bệnh vào ngày 23-5, tại xã Tân Hiệp B) tổ chức ngay các chốt kiểm dịch ra vào vùng dịch, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển lợn, sản phẩm lợn, không để mầm bệnh phát tán, lây lan qua vận chuyển, giết mổ; xử lý nghiêm những trường hợp giấu dịch, bán chạy, vứt bỏ lợn bệnh, nghi bệnh… ra môi trường.

Hỗ trợ tài chính kịp thời cho hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy; xử lý trách nhiệm, người đứng đầu các xã, thị trấn, phòng, ban liên quan khi chủ quan, lơ là, đùn đẩy trách nhiệm; thông báo rộng rãi các số điện thoại tiếp nhận thông tin khai báo dịch…

Sở NN-PTNT và Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị tham gia, phối hợp, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.