Đó là khẳng định của TS Tạ Quang Ngọc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Thủy sản (trước đây), hiện là Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tại Hội thảo Phát triển sinh vật cảnh với nông nghiệp, nông thôn và đô thị sinh thái do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đồng chủ trì tổ chức ngày 3-12.
Góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp
Theo các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế, sinh vật cảnh (SVC) đã trở thành một ngành hàng được ưu tiên phát triển trong quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp. SVC chính là một ngành theo chuỗi, là ngành sản xuất ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật cao và có giá trị gia tăng cao.
Những năm gần đây khi có chủ trương của Đảng và Nhà nước về phong trào xây dựng nông thôn mới. Ngoài những tiêu chí về cơ sở hạ tầng như đường, trường, trạm,…thì còn phải kể đến tiêu chí là mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, vệ sinh môi trường. Khi nói đến kinh tế nông nghiệp đến bảo vệ môi trường thì không thể không nhắc tới SVC gồm cây cảnh nghệ thuật, cây bóng mát, cây ăn quả và hoa các loại. Đặc biệt, trong những năm vừa qua, SVC đã đóng góp một phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, có nhiều hộ nông dân giàu lên nhờ SVC, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhất là lao động nông thôn.
Theo thống kê, SVC cả nước hiện có trên 300 nghìn hội viên; 5.320 chi hội; 5.500 doanh nghiệp, HTX, trang trại. Hơn 11.000 gia trại nhà vườn SVC. Đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 1.500.000 lao động và hơn hai triệu lao động thời vụ góp phần hình thành trên cả nước hàng chục nghìn ha chuyên canh hoa, cây cảnh. Qua đó đã hình thành nhiều vùng sản xuất hoa, cây cảnh hàng hóa tập trung sử dụng công nghệ cao, phục vụ tiêu dùng trong cả nước và xuất khẩu. SVC góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và chính SVC cụ thể là hoa và cây cảnh đã trở thành một ngành hàng được ưu tiên phát triển trong quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp ở hầu hết các địa phương trong cả nước.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa 10 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn xác định mục tiêu lâu dài là: “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn có năng suất chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao”, trong đó cây cảnh và hoa được khẳng định vị thế trở thành hàng hóa với quy mô lớn. Tuy nhiên trong các đề án quy hoạch sử dụng đất đai đến năm 2020 dành cho hoa và cây cảnh còn khiêm tốn chưa đáp ứng so với yêu cầu đặt ra.
Giữa lúc Nhà nước đang đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương thì việc phát triển kinh tế sinh thái mà SVC đóng vai trò chủ yếu là rất cần thiết có tính khoa học. Việc phát triển những mô hình SVC kết hợp với xây dựng nông thôn mới là rất phù hợp với điều kiện ở nước ta vốn có truyền thống từ lâu đời về SVC.
Xóa đói, giảm nghèo nhờ làm SVC
Hiện SVC đã trở thành ngành đổi mới thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Khi được các nghệ nhân sáng tạo ra một lĩnh vực lao động đặc thù làm cho SVC không chỉ đơn thuần là một loại hình kinh tế sản vật; theo đó, giá trị gia tăng chứa đựng trong sản phẩm SVC được làm ra cao gấp nhiều lần giá trị của bản thân sản vật mà nó chứa đựng trong đó. Chính vì vậy mà lĩnh vực SVC đã tạo ra “giá trị gia tăng” cho kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thời gian qua, hoạt động kinh doanh SVC đã thu được nhiều kết quả quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo ra việc làm và thu nhập cho hàng vạn lao động, nhiều hộ nông dân từ chỗ kinh tế khó khăn đã vươn lên xóa được đói, giảm được nghèo, có nhiều hộ giàu lên nhờ làm SVC.
Như sự đa dạng về vườn SVC ở Quảng Bình là một thí dụ. Qua các mô hình SVC tại Quảng Bình đã thu hút hơn hai nghìn lao động với mức thu nhập bình quân hơn sáu triệu đồng/tháng/lao động. Tiêu biểu như hợp tác xã SVC Mỹ Đức, xã Sơn Thủy - đây là mô hình hợp tác xã SVC tiêu biểu đầu tiên của khu vực Bắc Trung bộ đã đi vào hoạt động hiệu quả ngay từ những ngày đầu thành lập, kinh doanh đa dạng, hiệu quả và tạo việc làm có thu nhập khá cho hội viên.
Như hội viên Đào Thị Nghiệm, một phụ nữ trung niên đã mạnh dạn mở vườn cây cảnh đủ chủng loại, có tính nghệ thuật cao, với giá trị kinh tế vườn cây lên đến 20 tỷ đồng, đem lại lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Hay nghệ nhân Nguyễn Trường Phi thuộc Chi hội huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), chuyên tạo dáng cây ôm đá từ cây phôi, tạo công ăn việc làm cho cả gia đình, dù mới đưa sản phẩm ra thị trường gần đây nhưng đã có doanh thu hơn 600 triệu đồng/năm.
Có thể khẳng định phát triển SVC với vấn đề nông nghiệp, nông dân nông thôn và đô thị sinh thái là hướng phát triển quan trọng cho hoạt động SVC của cả nước. Không những giúp SVC nâng cao giá trị thu nhập từ sản xuất dịch vụ SVC mà còn tạo điều kiện và tiên đề rất tốt, rất lớn để nâng cao hàm lượng kỹ thuật trong lao động gắn liền với nó; đồng thời góp phần tích cực có hiệu quả cao trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động và thu nhập ở nông thôn, nâng cao giá trị sử dụng đất đai trong nông nghiệp.
Việc phát triển SVC gắn với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đô thị sinh thái là rất cần thiết và hữu ích, muốn vậy cần có những biện pháp và những giải pháp hữu hiệu như rà soát quy hoạch và có kế hoạch sử dụng đất một cách hợp lý, không phát triển công nghiệp ở những vùng đất màu mỡ có lợi thế cho sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, cần có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đồng thời, xây dựng trung tâm giao dịch, chợ đầu mối, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thu hút vốn đầu tư công nghệ cao...