Tạo sức bật, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng ở Bình Phước

Những chủ trương, giải pháp phù hợp thực tiễn đã được các cấp ủy đảng ở Bình Phước triển khai để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Bằng việc coi trọng những yếu tố đặc thù để ban hành các chủ trương, quyết sách "đúng, trúng", đồng thời gắn vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ, ở Bình Phước, nghị quyết đã sớm đi vào cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng dưa lưới ở xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh đã giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập.
Mô hình trồng dưa lưới ở xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh đã giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập.

Bình Phước có gần 260 km đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia, gần 20% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ 2020-2025 khẳng định có 12/15 chỉ tiêu theo lộ trình đến cuối nhiệm kỳ sẽ đạt và vượt. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của tỉnh đạt 7,25%, là mức tăng cao nhất so với vùng Ðông Nam Bộ và cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Lần đầu tiên, Bình Phước vào tốp 10 địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước.

Chủ động tìm động lực tăng trưởng

Khát vọng, cũng là niềm trăn trở của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, là phải làm sao để Bình Phước có nền kinh tế khá trong khu vực. Ngay sau Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 15/9/2020 về "Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn 2050". Ðây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về chiến lược phát triển của địa phương, được ghi nhận có tầm nhìn khái quát cao, quyết tâm lớn, có cách tiếp cận và đặt vấn đề khoa học, thuyết phục.

Nghị quyết số 13 phác họa chặng đường dài, từ các mục tiêu đến các kịch bản và giai đoạn phát triển, định hướng quy hoạch không gian…; là nền tảng để xây dựng các chương trình hành động cụ thể. Ðiều đáng nói là nghị quyết này khởi nguồn từ các báo cáo khoa học, nên các mục tiêu và công việc được đề xuất bài bản, mạch lạc, không có tư duy nhiệm kỳ. Sự phát triển của tỉnh được đặt trong bối cảnh phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thúc đẩy sự chủ động chuyển từ trạng thái "dự trữ" tiềm năng thành "động lực" tăng trưởng và phát triển cho cả vùng.

Từ Nghị quyết số 13 và cách tiếp cận khoa học, cập nhật các chủ trương, định hướng mới của Trung ương, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30/9/2021 về thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội 11 Ðảng bộ tỉnh. Ðể hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là "điểm đến hấp dẫn", một trong những động lực phát triển của vùng Ðông Nam Bộ, Tỉnh ủy đề ra 13 chương trình, kế hoạch cụ thể cho cả nhiệm kỳ.

Mỗi chương trình đều nêu rõ mục tiêu và từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể và có ban chủ nhiệm điều hành, theo dõi việc triển khai trong thực tế. Ban chủ nhiệm các chương trình khẩn trương tổ chức khảo sát, thảo luận, phối hợp các ngành, tìm ra giải pháp cho từng nhiệm vụ. Từ đây, Tỉnh ủy ban hành 58 chủ trương, chính sách trên tất cả các lĩnh vực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, để lãnh đạo, chỉ đạo.

Theo lời giới thiệu của Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước Vũ Tiến Ðiền, trong 58 chủ trương, chính sách, có 46 kết luận, hình thức ngắn gọn, dài không quá 4 trang, không diễn giải dài dòng, nêu trực tiếp, cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp. Quá trình xây dựng các kết luận này, các địa phương, đơn vị đồng thời triển khai, không có tâm lý chờ đợi.

Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Tỉnh ủy Bình Phước về chuyển đổi số đến năm 2025 xác định chuyển đổi số là cơ hội lớn giúp tỉnh tăng tốc trong phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời phát huy vai trò, thế mạnh là một trung tâm vùng, cực tăng trưởng của khu vực phía nam. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 04, Bình Phước có sự thay đổi ấn tượng trên bảng xếp hạng chuyển đổi số của cả nước (từ vị trí 56/63 năm 2019 lên vị trí thứ 9/63 năm 2022).

Tại thời điểm tháng 6/2023, tỉnh có 1.468 dịch vụ công kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đứng thứ 4 cả nước; hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 99,48% cấp tỉnh, 99,85% cấp huyện, 97,26% cấp xã; hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện số hóa cấp tỉnh đạt hơn 98,05%. Toàn tỉnh có 111 tổ công nghệ cộng đồng cấp xã với 1.080 thành viên, 845 tổ công nghệ cộng đồng thôn, ấp với 5.426 thành viên.

Tại thời điểm tháng 6/2023, tỉnh có 1.468 dịch vụ công kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đứng thứ 4 cả nước; hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 99,48% cấp tỉnh, 99,85% cấp huyện, 97,26% cấp xã; hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện số hóa cấp tỉnh đạt hơn 98,05%. Toàn tỉnh có 111 tổ công nghệ cộng đồng cấp xã với 1.080 thành viên, 845 tổ công nghệ cộng đồng thôn, ấp với 5.426 thành viên.

Kinh tế số của Bình Phước vươn lên xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố và năm 2023 tỉnh đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP là 8%. Trưởng phòng Thông tin, Báo chí, Xuất bản (Sở Thông tin và Truyền thông) Huỳnh Thị Thanh Tú chia sẻ: Chương trình số 17 có 10 nhiệm vụ trọng tâm giao cho đơn vị. Hằng tháng, hằng quý, đơn vị đều có báo cáo kết quả thực hiện và đánh giá chi tiết mức độ hoàn thành 10 nhiệm vụ so với mục tiêu đề ra. Việc rà soát thường xuyên theo cách này giúp kịp thời xử lý các vướng mắc, tăng cường vai trò của cán bộ, đảng viên trong từng phần việc, nhiệm vụ.

Phát huy vai trò nêu gương, làm trước

Ở cửa ngõ phía đông nam của tỉnh, huyện Ðồng Phú có vị trí chiến lược quan trọng, có Quốc lộ 14, đường liên tỉnh ÐT.741 đi qua. Ðây là những tuyến giao thông huyết mạch nối liền Ðồng Phú với các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, là cơ sở để Ðồng Phú cùng với huyện Chơn Thành và thành phố Ðồng Xoài được xác định là "đầu tàu" công nghiệp, dịch vụ và thương mại của tỉnh những năm tới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Vận Ðịnh thông tin: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh và huyện đề ra trọng tâm là sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật gắn với phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng nhất. Trong khi nguồn lực khó khăn, huyện xác định phải vận động nhân dân đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền bằng việc hiến đất, cây trồng, tạo điều kiện giải phóng mặt bằng các dự án mở đường nhanh, thuận lợi.

Theo Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ðồng Phú Ngô Thị Thanh Chung, cấp ủy từ huyện xuống cơ sở và hệ thống chính trị vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Từng cán bộ, đảng viên gương mẫu hiến đất và vận động gia đình, người thân ủng hộ chủ trương chung. Ban Thường vụ phân công từng đồng chí phụ trách các tuyến đường, ngày đêm kiên trì vận động, thuyết phục. Có những gia đình, cán bộ đi lại hàng chục lượt để tuyên truyền, trong vài tháng ròng rã. Dự án đường Phú Riềng Ðỏ nối dài lên Khu công nghiệp Bắc Ðồng Phú (thuộc địa phận huyện Ðồng Phú) có ảnh hưởng 51 hộ dân thì 31 hộ tự nguyện hiến đất trị giá hơn 31 tỷ đồng để mở rộng đường.

Có những gia đình, cán bộ đi lại hàng chục lượt để tuyên truyền, trong vài tháng ròng rã. Dự án đường Phú Riềng Ðỏ nối dài lên Khu công nghiệp Bắc Ðồng Phú (thuộc địa phận huyện Ðồng Phú) có ảnh hưởng 51 hộ dân thì 31 hộ tự nguyện hiến đất trị giá hơn 31 tỷ đồng để mở rộng đường.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ðồng Phú Ngô Thị Thanh Chung

Năm dự án đường kết nối từ đường ÐT.741 vào Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị Ðồng Phú và Khu công nghiệp Nam Ðồng Phú có chiều dài 25 km và phải giải phóng mặt bằng 106,18 ha. Trước khi triển khai dự án, người dân đồng ý hiến đất với tổng diện tích 74,86 ha. Nếu tính trung bình 3 tỷ đồng/ha đất thì nhân dân huyện Ðồng Phú đã hiến cho các dự án này hơn 224 tỷ đồng, trong đó có những hộ hiến 1-2 ha. Tính chung trong nửa nhiệm kỳ qua, hệ thống chính trị ở Ðồng Phú đã tuyên truyền, vận động người dân hiến khoảng 100 ha đất, ước tính tiết kiệm ngân sách khoảng 330 tỷ đồng.

Hướng về cơ sở, coi trọng "lòng dân"

Lộc Ninh là huyện có đường biên giới dài hơn 109 km, tiếp giáp với các địa phương của Vương quốc Campuchia. Huyện có khoảng 19% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong câu chuyện với phóng viên, các đồng chí lãnh đạo huyện Lộc Ninh chia sẻ rằng, huyện kiên trì quan điểm năng lực và vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng phải thể hiện qua việc đời sống của người dân ổn định và ngày càng nâng cao. Có như thế, tổ chức cơ sở đảng mới tập hợp được quần chúng và vững mạnh "sâu rễ, bền gốc". Huyện ủy yêu cầu các đảng ủy cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát việc sinh hoạt chi bộ. "Xương sống" của nghị quyết chi bộ phải là những vấn đề liên quan trực tiếp đời sống người dân. Những yêu cầu cấp thiết, chính đáng của cộng đồng dân cư được đưa vào nghị quyết để tổ chức cơ sở đảng lãnh đạo thực hiện. Mỗi đảng viên ở chi bộ đều được giao nhiệm vụ cụ thể và trong buổi sinh hoạt chi bộ hằng tháng sẽ báo cáo xem đã thực hiện như thế nào? Các cấp ủy đảng tạo điều kiện để các đảng viên phát huy vai trò ở cộng đồng, tổ hợp tác, câu lạc bộ, hợp tác xã, gắn kết trong các tổ chức sản xuất nông nghiệp, từ đó thể hiện được năng lực lãnh đạo và lan tỏa uy tín.

Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Lê Khắc Phú, các ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy được phân công phụ trách các xã với quy chế công tác rõ ràng, cụ thể. Mỗi quý, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện đều họp với hệ thống chính trị cấp xã, kịp thời có giải pháp đối với những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Với phương thức lãnh đạo hướng về cơ sở, những năm gần đây các phong trào của huyện đều có những nét mới. Ðơn cử phong trào xây dựng nông thôn mới, Lộc Ninh thực hiện theo chiều sâu và hướng đến sự bền vững, chú trọng phát huy nội lực "lấy sức dân để làm lợi cho dân". Ðến nay, huyện đã có 14/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Trong năm 2023, huyện đã thành lập thêm 6 hợp tác xã nông nghiệp, đạt 200% kế hoạch; giải quyết việc làm cho 5.912 lao động; giảm 196 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu 66 hộ.

Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Lộc Ninh quan tâm công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Từ năm 2020 đến tháng 6/2023, toàn huyện kết nạp 41 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 11,64% tổng số đảng viên mới được kết nạp. Ðiểm nổi bật là Huyện ủy quan tâm công tác phát triển đảng viên gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến khích, tạo động lực để quần chúng là người dân tộc thiểu số phấn đấu vào Ðảng.

Bí thư Ðảng ủy xã Lộc Hưng Nguyễn Thị Xuân Linh khi nói về chủ trương này, bày tỏ: Xã tạo điều kiện hỗ trợ vốn để các đảng viên, quần chúng ưu tú phát triển kinh tế hộ, nhất là các mô hình nuôi trồng các sản phẩm mới, rồi động viên tham gia các tổ hợp tác để có cơ hội thể hiện ý chí phấn đấu, năng lực nêu gương. Gia đình đảng viên Lâm Nhanh vừa đầu tư trồng dưa lưới trên diện tích khoảng 1.000m2, thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Trước đây diện tích này trồng lúa 3 vụ, năng suất thấp, nhưng trồng dưa lưới cần đầu tư lớn, kỹ thuật cao nên nhiều nông dân chưa mặn mà. Anh Lâm Nhanh đã vận động thêm 2 hộ cùng trồng dưa lưới và cùng 9 hộ khác tham gia hợp tác xã với tổng diện tích trồng dưa khoảng 2,5 ha. Ðảng viên gương mẫu từ những việc làm cụ thể, cấp ủy, tổ chức đảng vững mạnh từ phương thức hoạt động sát cơ sở, chăm lo cuộc sống nhân dân.