NDĐT - Các nhà khoa học Mỹ cho biết họ vừa tạo được các phôi thai nhân bản từ hai người đàn ông. Đây là một thành quả trong nỗ lực tạo ra các tế bào gốc của một bệnh nhân cụ thể.
Các nhà khoa học tách bỏ DNA từ trứng người hiến tặng, thay bằng DNA trích xuất từ các tế bào da của hai người đàn ông tình nguyện.
Họ đã tạo ra được các phôi thai có cấu trúc gien hợp với cấu trúc gien của hai người tình nguyện, tuy nhiên họ không tiến đến bước tiếp theo là trích xuất các tế bào gốc.
Công trình được đăng tải trên tạp chí Tế bào gốc, xuất bản ngày 17-1-2008.
Các chuyên gia người Anh cho rằng, nghiên cứu này chỉ là một bước tiến nhỏ trong khoa học. Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc tập đoàn Stemagen ở La Jolla, California, Mỹ cho rằng, việc tạo ra phôi thai từ tế bào da thường này là một giai đoạn rất quan trọng trong việc phát triển tế bào gốc phôi thai ứng dụng điều trị bệnh.
Nhóm nhà khoa học này đã tạo được năm phôi thai gọi là blastocysts (phôi thai trong giai đoạn phát triển từ 16 tế bào lên 64 tế bào) từ 25 trứng hiến tặng. Các dấu hiệu cho thấy, có ít nhất một phôi thai được nhân bản.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Samuel Wood nói: chúng tôi là những người đầu tiên trên thế giới dùng tế bào người trưởng thành tạo ra các phôi thai.
Ông cho biết, các phôi thai hiện đã bị phá hủy để kiểm tra quá trình nhân bản, nhưng nhóm này đang tiếp tục nghiên cứu để tạo các chuỗi tế bào gốc.
Tiến sĩ Lyle Armstrong, đại học Newcastle là một trong số ít nhà khoa học đã tạo ra phôi thai người nhân bản bằng cách sử dụng công nghệ chuyển đổi nhân tế bào trong vụ nhân bản cừu Dolly.
Khác với các nhà khoa học Mỹ, nhóm nhà khoa học đại học Newcastle sử dụng DNA từ các phôi thai, thay vì sử dụng từ các tế bào trưởng thành.
Tiến sĩ Armstrong nhận xét, nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Mỹ chứng tỏ rằng, việc sử dụng tế bào từ người trưởng thành để tạo ra các tế bào gốc cho từng cá nhân cụ thể trong tương lai hoàn toàn có thể thực hiện được.
Ông Armstrong nói: đây chỉ là một bước tiến nhỏ trong khoa học. Thật thú vị vì họ đã lặp lại việc chuyển đổi nhân tế bào gốc và tạo được các phôi thai trong giai đoạn có thể trích xuất tế bào gốc. Tuy nhiên, họ đã không thành công trong việc trích xuất chuỗi tế bào gốc.
Sản phẩm hợp đạo lý
Rất nhiều nhà khoa học tin vào khả năng tạo được chuỗi tế bào gốc phù hợp từng cá nhân cụ thể, từ đó mở ra một cuộc cách mạng trong việc điều trị và phòng tránh một số căn bệnh (chẳng hạn như tiểu đường, bệnh liệt rung Parkinson).
So sánh hai công nghệ tạo ra tế bào gốc
Nghiên cứu trên của các nhà khoa học Mỹ đã gây tranh cãi. Nhà khoa học Hàn Quốc Hwang Woo-suk vào năm 2005 tuyên bố đã tạo được các chuỗi tế bào gốc, tuy nhiên, sau đó đã bị kết luận là gian lận. Trong khi đó, nhiều người chỉ trích việc sử dụng phôi thai để nghiên cứu khoa học là phi đạo đức, vô nhân đạo.
Một số nhà khoa học tranh cãi rằng việc nhân bản có thể không thu được tế bào gốc. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Mỹ đã dùng một công nghệ mới biến tế bào người trưởng thành thành tế bào phôi thai.
Giáo sư Jack Price thuộc trường công nghệ King, Luân Đôn là một chuyên gia về tế bào gốc thần kinh. Ông cũng cho rằng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ chỉ là một bước tiến nhỏ chứ không phải là một sự đột phá: “Công trình này vẫn đang trong quá trình tiến triển của công nghệ tế bào gốc. Nó cho thấy khả năng tiến tới sử dụng tế bào phôi thai người vẫn đầy hứa hẹn...
Công nghệ nhân bản tạo ra các tế bào gốc từ đó phát triển ra nhiều dạng tế bào khác, mở ra khả năng điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh.
Tuy nhiên, công nghệ này liên quan đến việc tạo và phá hủy các phôi thai, gây nhiều tranh cãi về mặt đạo đức. Các tế bào gốc được tạo ra cũng phải đối mặt với nguy cơ bị cơ thể đào thải.
Công nghệ mới lập trình lại nhân tế bào tạo ra các tế bào giống tế bào gốc từ chính tế bào của bệnh nhân có thể tránh được cả hai vấn đề: rào cản về mặt đạo đức và nguy cơ đào thải.